Thụ tinh ống nghiệm, trẻ dễ mắc dị tật bẩm sinh

ANTĐ - Trẻ được sinh ra bằng phương pháp thụ tinh ống nghiệm tăng 25% nguy cơ mắc các dị tật bẩm sinh.

Nghiên cứu mới đây cho thấy những cặp vợ chồng phải nhờ đến phương pháp thụ tinh ống nghiệm (IVF) để có em bé dễ sinh ra con mang dị tật bẩm sinh.

Các nhà nghiên cứu ở Trung tâm y tế Ronald Reagan UCLA tại Los Angeles, Mỹ đã phân tích dữ liệu nhập viện về những trẻ em được sinh ra ở California từ năm 2006-2007, cùng với thống kê sinh đẻ, thông tin trước sinh của các bà mẹ và bệnh án của trẻ trong năm đầu đời. Các nhà khoa học phát hiện thấy trong gần 51.000 trẻ (4.800 trẻ IVF) có 3500 trẻ mắc dị tật bẩm sinh nặng.

Tác giả chính của nghiên cứu, TS Kelly-Quon, cho biết trong dân cư nói chung tỷ lệ trung bình sinh con mắc dị tật bẩm sinh là khoảng 3%. Các dị tật thường gặp nhất là về tim mạch và thị lực. Tuy nhiên, kết quả phân tích cho thấy tỷ lệ mắc dị tật bẩm sinh ở trẻ IVF tăng 25% so với tỷ lệ trung bình trong dân cư.

Trong nghiên cứu này, tỷ lệ mắc các dị tật bẩm sinh ở trẻ IVF cao hơn so với trẻ sinh tự nhiên tương ứng như sau: các vấn đề về mắt, tỷ lệ là 0,3% ở trẻ IVF so với 0,2% ở trẻ được sinh tự nhiên, các bất thường về tim tỷ lệ là 5% so với 3%, các vấn đề về hệ sinh dục/tiết niệu tỷ lệ là 1,5% so với 1 %. Tuy nhiên, các nhà nghiên cứu cũng khuyên các cặp vợ chồng hiếm muộn không nên quá lo lắng về vấn đề này vì nguy cơ tuyệt đối là nhỏ.

Kết quả nghiên cứu được trình bày tại Hội nghị thường niên của Hiệp hội nhi khoa Hoa Kỳ.