Thử sức sự vững vàng

ANTĐ - Khi nói về ổn định kinh tế vĩ mô, phải xét ở 5 chỉ tiêu rất quan trọng: tăng trưởng, lạm phát, cán cân thương mại, lao động việc làm và bội chi ngân sách. Nếu nhìn vào mục tiêu ổn định kinh tế vĩ mô, bảo đảm an sinh xã hội, tăng trưởng GDP ở mức hợp lý và khởi động cơ cấu lại nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng thì Chính phủ đã đạt được một số kết quả đáng ghi nhận. Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội đánh giá như vậy và cho rằng, khi xem xét từng chỉ tiêu cụ thể thì còn nhiều vấn đề cần được phân tích sâu hơn.

Trong báo cáo của Thủ tướng Chính phủ trước Quốc hội về tình hình kinh tế - xã hội năm 2013 cho thấy, trong 15 chỉ tiêu được Quốc hội thông qua, có 11 chỉ tiêu ước đạt và vượt kế hoạch, 2 chỉ tiêu xấp xỉ đạt và 2 chỉ tiêu không đạt. Hai chỉ tiêu không đạt kế hoạch là tổng vốn đầu tư phát triển toàn xã hội so với GDP và tỷ lệ bội chi ngân sách. Hai chỉ tiêu xấp xỉ đạt là tăng trưởng GDP (đạt 5,4% so với kế hoạch 5,5%) và tạo được 1,54 triệu việc làm so với 1,6 triệu. Không thể phủ nhận kiềm chế lạm phát đã đạt được thành tựu lớn, từ 18,47% năm 2011, đến năm 2012 chỉ còn 6,8% và năm nay có thể thấp hơn 7%. Tuy nhiên, để đạt được thành tích này, nền kinh tế đã phải trả một cái giá không nhỏ là tốc độ tăng trưởng tín dụng từ mức 37-38%/năm giảm xuống còn 6,6% trong 9 tháng qua và khó có thể đạt 12% trong năm nay.

Theo phân tích của Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách, “sốc” là khó tránh, hậu quả là hàng chục nghìn doanh nghiệp phải đóng cửa, ngừng hoạt động vì doanh nghiệp chỉ có vốn tự có và huy động từ bên ngoài 20-25%, còn lại chủ yếu phải trông cậy từ ngân hàng. Theo đánh giá của Thủ tướng, nền kinh tế đã có bước phục hồi, song sản xuất kinh doanh còn nhiều khó khăn, nợ xấu còn cao. Báo cáo của Ủy ban Kinh tế Quốc hội cũng nhận định, nền kinh tế vẫn đang trong giai đoạn khó khăn, tiếp tục phải đối mặt với áp lực lớn trong ngắn hạn và chưa thể trở lại quỹ đạo tăng trưởng nhanh trong 1-2 năm tới. Tốc độ tăng trưởng GDP bình quân 3 năm 2011-2013 dự kiến chỉ đạt 5,6%/năm, mức thấp nhất trong 13 năm gần đây, thấp xa so với chỉ tiêu tăng trưởng bình quân theo kế hoạch là 6,5-7%. Trong khi đó, một số nước khu vực ASEAN đã có sự cải thiện rõ rệt và chuyển biến tích cực. 

So với mục tiêu đặt ra và so với nhận định của Quốc hội là nếu để tăng trưởng GDP dưới 6%, thì nền kinh tế rất khó khăn. Những tháng cuối năm, mặt bằng giá hàng hóa còn chịu tác động từ sức ép mục tiêu tăng trưởng tín dụng, giá viện phí mới và giá nước sạch. Tình hình bão lụt miền Trung cũng tạo sức ép đẩy mặt bằng giá cả tăng. Đây chính là giai đoạn thử sức sự vững vàng của kinh tế vĩ mô ổn định như thế nào.