Thu phí cao tốc Nhà nước đầu tư bằng cách nào?

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN - Cục Đường bộ Việt Nam thông tin, trong 10 năm tới, nhu cầu vốn đầu tư mới đường cao tốc lên đến gần 240.000 tỷ đồng, trong khi vốn bảo trì mới đáp ứng được khoảng 40%.

Nhà nước trực tiếp thu hay bán quyền?

Theo ông Lê Hồng Điệp, Trưởng phòng quản lý, bảo trì hạ tầng giao thông, Cục Đường bộ Việt Nam, sau khi đầu tư xây dựng xong, đường cao tốc sẽ được bàn giao cho chủ sở hữu hoặc người quản lý sử dụng công trình để quản lý, vận hành khai thác.

Tuy vậy, nhiều chủ công trình được giao quản lý, vận hành còn hạn chế về chuyên môn và thiếu nhân sự trình độ cao. Việc bố trí nguồn vốn để quản lý, khai thác đường cao tốc chưa kịp thời, đầy đủ.

Giải quyết vấn đề này, Luật Đường bộ (có hiệu lực thi hành từ ngày 1/1/2025) đã bổ sung nhiều quy định mới nhằm huy động nguồn lực xây dựng, quản lý, khai thác, bảo trì đường cao tốc, trong đó có quy định cho phép thu phí các tuyến cao tốc do Nhà nước đầu tư.

Ông Bùi Quang Thái, Cục trưởng Cục Đường bộ Việt Nam cho biết, vấn đề đặt ra hiện nay là lựa chọn giữa 2 hình thức quản lý, khai thác và thu phí cao tốc.

Thứ nhất là Nhà nước tự tổ chức thực hiện. Thứ hai là nhượng quyền cho tư nhân quản lý, khai thác.

Cao tốc Diễn Châu- Bãi Vọt vừa được thông xe toàn tuyến vào ngày 30-6 vừa qua

Cao tốc Diễn Châu- Bãi Vọt vừa được thông xe toàn tuyến vào ngày 30-6 vừa qua

Theo ông Thái, với hình thức thứ nhất, cơ quan quản lý tài sản đường cao tốc là Cục Đường bộ Việt Nam tự tổ chức thu.

Qua đấu thầu, sẽ lựa chọn nhà thầu cung cấp dịch vụ thu phí trên nền tảng hệ thống thu phí tự động không dừng.

Phương án này có nhược điểm là thu phí kiểu "nhặt dần", sau khi trừ chi phí tổ chức thu sẽ nộp ngân sách.

Hình thức thứ 2 là đấu thầu quản lý đường cao tốc theo hình thức hợp đồng kinh doanh - quản lý (O&M).

Nhà đầu tư sẽ đứng ra thu phí và quản lý, bảo trì tuyến đường. Nhà nước bán quyền thu phí tuyến cao tốc trong thời gian nhất định và thu ngay được một khoản tiền.

Phương án này có nhiều ưu điểm, song với những tuyến cao tốc có lưu lượng thấp sẽ khó hấp dẫn nhà đầu tư.

Theo nhận định từ Cục Đường bộ Việt Nam, phương án tổ chức đấu thầu quyền thu phí sẽ mang lại hiệu quả hơn, vốn Nhà nước sẽ được "quay vòng" nhanh để tái đầu tư vào các dự án hạ tầng khác.

Theo Điều 50 Luật Đường bộ, Nhà nước thu phí sử dụng đường cao tốc đối với phương tiện lưu thông trên tuyến đường cao tốc do Nhà nước đầu tư, sở hữu, quản lý và khai thác, bao gồm: Đường cao tốc do Nhà nước đầu tư theo hình thức đầu tư công; đường cao tốc được đầu tư theo các hình thức khác khi kết thúc hợp đồng, chuyển giao cho Nhà nước.

Làm sao để nhà đầu tư rót vốn mua quyền thu phí?

Tổ chức nhận nhượng quyền thu phí, nhượng quyền kinh doanh - quản lý nộp số tiền nhận nhượng quyền theo quy định vào ngân sách Nhà nước, số tiền phí thu được trong thời gian thực hiện hợp đồng chuyển nhượng không phải nộp ngân sách Nhà nước, trừ phần doanh thu phải chia sẻ cho Nhà nước theo quy định của pháp luật.

Còn với phương án bán quyền thu phí, nhà đầu tư có thể đếm xe để tính toán sơ bộ, cân nhắc việc rót vốn. Song, sẽ dễ xảy ra tình trạng chưa thu phí lưu lượng xe đông, nhưng khi thu phí sẽ giảm.

Đặc biệt, những xe kinh doanh vận tải rất dễ lựa chọn đi quốc lộ để tiết kiệm chi phí, rủi ro về phương án tài chính vẫn có.

Theo PGS.TS Trần Chủng, Chủ tịch Hiệp hội các nhà đầu tư công trình giao thông đường bộ Việt Nam cho rằng, mô hình Nhà nước làm đường rồi bán quyền thu phí, đấu thầu quản lý theo hình thức O&M đã được áp dụng hiệu quả từ lâu tại nhiều nước.

Tại Việt Nam, O&M là 1 trong 6 hình thức hợp tác đối tác công - tư (PPP), được quy định trong Luật PPP nhưng hiện nay mới chỉ áp dụng được hình thức đầu tư BOT trong thực tiễn.

Theo ông Chủng, mô hình O&M có nhiều ưu điểm như Nhà nước không phải nuôi bộ máy quản lý, thu phí và có ngay một khoản tiền để tái đầu tư các tuyến cao tốc mới.

Vấn đề là làm sao để chọn được nhà thầu chuyên nghiệp, có năng lực về công nghệ, thiết bị.

Còn lo ngại về việc doanh thu giảm thì có thể áp dụng mô hình, Nhà nước tổ chức thu phí 2-3 năm, sau đó căn cứ vào tình hình, lưu lượng xe thực tế và dự báo để xây dựng phương án nhượng quyền.

Đối với những tuyến cao tốc có lưu lượng xe ít, doanh thu thấp kém hấp dẫn nhà đầu tư hơn thì nên xây dựng mức phí thấp hơn để phương tiện không tìm cách "né".

Ông Nguyễn Quốc Việt, Phó viện trưởng Viện Nghiên cứu Kinh tế và Chính sách (VEPR) cũng cho rằng, nên chọn theo phương án 2 vì chỉ có nhà đầu tư tư nhân mới tính toán lợi nhuận sát nhất và chịu trách nhiệm trước đồng tiền họ bỏ ra.

Theo ông Việt, rút kinh nghiệm từ thực tiễn những trạm thu phí BOT trước đây, nên giao cho tư vấn độc lập nghiên cứu và lên phương án, Bộ GTVT sẽ đưa ra các tiêu chí và điều chỉnh phù hợp.