Thu phí cao tốc do Nhà nước đầu tư có gây phí chồng phí?

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN - Nhiều ý kiến cho rằng người dân lưu hành xe đã phải nộp các khoản phí bảo trì đường bộ, thuế bảo vệ môi trường. Hơn nữa, các tuyến đường xây bằng ngân sách – là tiền thuế của người dân. Do đó đặt ra vấn đề việc thu phí này có đảm bảo hài hòa lợi ích. Tuy nhiên, Bộ Tài chính lại cho rằng việc thu phí các tuyến đường này là cần thiết.

Vừa qua, Bộ Tài chính đã trình Chính phủ dự thảo nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về thu phí sử dụng đường bộ cao tốc do Nhà nước đầu tư gồm các cao tốc TP.HCM - Trung Lương; La Sơn - Túy Loan (Huế); Nội Bài - Nhật Tân (Hà Nội) và 8 đoạn cao tốc Bắc - Nam đang thi công.

Tuy nhiên, nhiều ý kiến cho rằng hiện tại doanh nghiệp và người dân lưu hành xe đã phải nộp các khoản phí bảo trì đường bộ, thuế bảo vệ môi trường qua xăng dầu. Chưa kể, các tuyến cao tốc đầu tư bằng ngân sách cũng là từ tiền thuế của người dân. Do đó đặt ra vấn đề việc thu phí này có đảm bảo hài hòa lợi ích?

Trước băn khoăn của người dân và doanh nghiệp, Bộ Tài chính lại cho rằng việc thu phí này là cần thiết.

Theo đó, Bộ này cho rằng số thu từ phí sử dụng đường bộ (theo đầu phương tiện) hiện nay là rất thấp, chỉ đáp ứng khoảng 35-40% nhu cầu tối thiểu cho hoạt động bảo trì đường bộ. Do đó dẫn đến tình trạng chất lượng đường xuống cấp nhanh chóng, ảnh hưởng đến hoạt động đi lại của người dân và gây mất an toàn cho người tham gia giao thông.

Ngân sách nhà nước phải cấp bổ sung từ 3.000 - 4.000 tỉ đồng cho công tác bảo trì hệ thống đường bộ

Ngân sách nhà nước phải cấp bổ sung từ 3.000 - 4.000 tỉ đồng cho công tác bảo trì hệ thống đường bộ

Trong khi đó hàng năm, ngân sách nhà nước còn phải cấp bổ sung từ 3.000 - 4.000 tỉ đồng cho công tác bảo trì hệ thống đường bộ do Nhà nước quản lý. Vì vậy, cũng cần phải nghiên cứu để có các cơ chế phù hợp nhằm bổ sung nguồn thu để đáp ứng nhu cầu bảo trì đường bộ, phát triển hệ thống đường cao tốc.

Bộ Tài chính cũng nhấn mạnh thời gian qua, Đảng, Nhà nước đã ban hành nhiều chủ trương, chính sách nhằm huy động, khơi thông nguồn lực cho phát triển kết cấu hạ tầng.

Tại Nghị quyết số 52/2017/QH14 ngày 22-11-2017 của Quốc hội về chủ trương đầu tư dự án xây dựng một số đoạn đường bộ cao tốc trên tuyến Bắc - Nam, phía Đông giai đoạn 2017-2020, đã giao Chính phủ: Đối với những dự án thành phần sử dụng toàn bộ vốn đầu tư công, nghiên cứu, áp dụng phương án thu giá dịch vụ hợp lý để thu hồi vốn đầu tư của Nhà nước.

Vì vậy, theo Bộ Tài chính, việc đề xuất thu phí sử dụng đường bộ cao tốc để huy động nguồn lực của xã hội nhằm phát triển kết cấu hạ tầng kinh tế, xã hội đồng bộ, toàn diện là cần thiết và có cơ sở pháp lý. Qua đó, tạo thêm nguồn lực cho Nhà nước tiếp tục đầu tư các dự án đường cao tốc theo mục tiêu đề ra, đảm bảo nguyên tắc bù đắp các chi phí cần thiết như trả nợ vốn vay, duy tu, bảo dưỡng.

Trước đó, ngày 31/3, Thủ tướng Chính phủ cũng đã có kết luận, giao Bộ Giao thông vận tải chủ trì, phối hợp với Bộ Tài chính và các cơ quan liên quan nghiên cứu, tiếp thu đề xuất về cơ chế thu phí, hoàn thiện Dự án Luật Giao thông đường bộ (trong đó có nội dung về cơ chế thu phí dịch vụ sử dụng đường cao tốc thông qua trạm thu phí trên đường cao tốc do Nhà nước đầu tư), đảm bảo tính thống nhất, đồng bộ và phù hợp với hệ thống pháp luật hiện hành.

“Hiện Bộ Tài chính đang nghiên cứu và phối hợp với Bộ Giao thông vận tải để đề xuất cơ chế thu phí dịch vụ sử dụng đường cao tốc vào dự thảo Luật Giao thông đường bộ” – Bộ Tài chính cho biết.