Thủ phạm giấu mặt gây ra 7 loại bệnh tật

ANTĐ - Dư lượng hóa chất nông nghiệp quá mức trong thực phẩm, thuốc xịt côn trùng trong nhà… đều có thể gây ra bệnh mãn tính. Vì vậy, an toàn vệ sinh thực phẩm càng được đặt ra bức thiết trước 7 vấn đề sức khỏe liên quan đến các hóa chất nông nghiệp, chủ yếu là thuốc bảo vệ thực vật được nêu ra dưới đây.

Bệnh đái tháo đường: Các nhà khoa học đã nhận thấy một mối liên hệ giữa thuốc trừ sâu và bệnh tiểu đường trong nhiều năm qua. Trong hội nghị thường niên mới đây của Hiệp hội Nội tiết Hoa Kỳ, nhà khoa học Robert Sargis đã công bố kết quả nghiên cứu, trong đó phản ánh tolyfluanid, một loại thuốc diệt nấm sử dụng trong nông nghiệp, tạo ra sự kháng insulin trong các tế bào mỡ. Vì thế, hãy cố gắng dùng “rau sạch”, tránh sử dụng các sản phẩm có mùi thơm nhân tạo để phòng ngừa bệnh tiểu đường type 2.

Ung thư: Đã có hơn 260 nghiên cứu toàn cầu chứng tỏ sự liên quan của thuốc trừ sâu với hàng loạt bệnh ung thư khác nhau như bệnh bạch cầu, ung thư não, vú, tuyến tiền liệt, xương, bàng quang, tuyến giáp, đại tràng, gan và ung thư phổi… Các chuyên gia khuyến cáo tránh tiếp xúc với các loại nhựa, chất dẻo để giảm nguy cơ của bệnh ung thư từ môi trường.

Bệnh tự kỷ: Các nhà nghiên cứu trên thế giới cho rằng điều kiện để phát triển bệnh tự kỷ là sự kết hợp của gene với các chất ô nhiễm trong thời kỳ bào thai và những năm đầu đời của trẻ. Thuốc trừ sâu hiệu quả trong việc diệt côn trùng do xóa bỏ chức năng thần kinh bình thường của chúng. Điều tương tự này cũng có thể xuất hiện ở một số trẻ. Một nghiên cứu của Đại học Harvard (Mỹ) năm 2010 cho thấy rằng trẻ có thành phần thuốc trừ sâu phân hủy trong nước tiểu nhiều khả năng bị rối loạn tăng động giảm chú ý (ADHD) hơn nhóm trẻ bình thường.

Béo phì: Một số thuốc trừ sâu hay hóa chất nông nghiệp có thể gây rối loạn nội tiết tố, chúng chặn con đường thông tin liên lạc giữa các hormone quan trọng trong cơ thể hoặc can thiệp vào khả năng điều chỉnh việc sản sinh các kích thích tố lành mạnh của cơ thể. Theo một nghiên cứu năm 2012 trên tạp chí Viễn cảnh Sức khoẻ môi trường, có tới hơn 50 loại thuốc trừ sâu được xếp vào nhóm gây rối loạn nội tiết tố, và khi tích lũy trong tế bào, chúng thúc đẩy hội chứng chuyển hóa và béo phì.

Bệnh Parkinson: Thuốc trừ sâu cũng liên quan đến bệnh Parkinson, căn bệnh với đặc trưng là tình trạng run rẩy khó kiểm soát. Nhiều nghiên cứu chỉ ra rằng, mối liên quan đó xuất phát từ việc tiếp xúc với hóa chất diệt cỏ và diệt côn trùng một thời gian dài. Vì thế, hãy để những hóa chất này tránh xa nhà hoặc vườn của chúng ta, thay vào đó là sử dụng các biện pháp kiểm soát sâu bệnh một cách tự nhiên.

Vô sinh: Các bác sĩ và các nhà khoa học cho biết, trong khi có một số thuốc diệt cỏ làm tăng tỷ lệ sẩy thai và vô sinh thì cũng có nhiều loại thuốc trừ sâu khác gây sụt giảm mức testosterone bất thường ở nam giới. Để tránh điều này, nguyên tắc hàng đầu vẫn là ăn rau quả đúng vụ, tránh trái cây trái mùa.

Dị tật bẩm sinh: Trẻ thụ thai trong những tháng mùa xuân và mùa hè - thời gian thuốc trừ sâu được sử dụng nhiều hơn - phải đối mặt với nguy cơ cao về dị tật bẩm sinh như tật nứt đốt sống, sứt môi, bàn chân vẹo hay hội chứng Down… Để bảo vệ mình, các bà mẹ mang thai ngoài chế độ an toàn vệ sinh thực phẩm, nên chú ý đến nguồn nước sạch sử dụng hàng ngày, có được bộ lọc nước tiêu chuẩn có thể giảm đáng kể hóa chất độc hại trong nguồn nước ăn uống.