Thủ phạm gây tai nạn và hỏng đường

ANTĐ - Xe chở hàng hóa quá tải trọng là một trong những nguyên nhân làm cầu, đường xuống cấp nhanh, nghiêm trọng hơn. Trong khi doanh nghiệp vì muốn tăng lợi nhuận mà cố tình chở quá tải thì việc kiểm soát hiện còn khá lỏng lẻo.

Gia tăng tai nạn từ xe quá tải

Xe chở quá tải gây tai nạn làm hỏng đường gia tăng

Bộ GTVT nhận định, thời gian gần đây, tình trạng ô tô chở hàng hoá vượt tải trọng cho phép có chiều hướng gia tăng, là nguy cơ tiềm ẩn mất an toàn giao thông và trực tiếp gây hư hỏng các công trình giao thông đường bộ. Thực tế đã xảy ra nhiều vụ tai nạn giao thông do xe quá tải làm sập, gãy cầu, lật đổ khi đi qua những đoạn đường cong, đèo dốc gây ùn tắc giao thông nhiều giờ. Điển hình như vụ tai nạn vào 23h đêm 9-4-2012, đoạn qua địa bàn huyện Đakrông (Quảng Trị). Xe đầu kéo BKS: 37C - 01234 kéo rơ móc BKS: 37R - 00032 chở hơn 100 tấn gỗ hương từ Lào về Đông Hà (Quảng Trị). Đến địa điểm trên, do xe chở quá tải lại gặp đoạn đường cong, nghiêng nên đã bị lật, làm số gỗ trên bung ra, đè chết 1 nạn nhân đi xe máy trên đường. 

Để kịp thời ngăn chặn tình trạng xe ô tô chở hàng vượt quá tải trọng, Bộ GTVT đã xây dựng Đề án Tổng thể kiểm soát tải trọng xe và quy hoạch các trạm kiểm soát tải trọng xe trên đường bộ và trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, dự kiến sẽ đưa vào thực hiện ngay trong năm 2012. 

Đến thời điểm này, Bộ GTVT đã chấp thuận phương án quy hoạch xây dựng 36 trạm cân xe trên toàn hệ thống quốc lộ. Vị trí đặt trạm sẽ bám sát các hành lang vận tải lớn, các tuyến đường bộ trọng yếu, các nguồn hàng lớn, kiểm soát tối đa các phương tiện chở quá khổ, quá tải lưu thông trong khu vực. Dự kiến, việc đầu tư được phân thành 4 giai đoạn từ năm 2012 đến 2015. Tổng mức đầu tư cho hệ thống trạm cân này xấp xỉ 3.000 tỷ đồng, với suất đầu tư ban đầu là 65 tỷ đồng/trạm. 

Xử lý gặp khó khăn

Trước khi đề án kiểm tra tải trọng xe được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, Bộ GTVT đã có công văn đề nghị các tỉnh, thành vào cuộc, kiểm soát xe chạy quá tải trọng cho phép. Theo đó, tăng cường thanh tra, tuần tra, kiểm soát phát hiện và xử lý nghiêm các trường hợp xe ô tô chở quá tải trọng cho phép của phương tiện, cầu, đường khi tham gia giao thông trên địa bàn. Đồng thời, chỉ đạo các doanh nghiệp kinh doanh vận tải, doanh nghiệp không xếp hàng hóa vượt quá tải trọng của xe. Ở những khu tập kết hàng hóa, nhà máy, cơ sở sản xuất, bến cảng cần thực hiện việc cân kiểm tra tải trọng xe trước khi cho phép xe vận chuyển hàng trên đường. Ông Trần Đăng Hải, Phó Chánh thanh tra Sở GTVT Hà Nội cho biết, vi phạm về tải trọng là phổ biến bởi liên quan đến giá cước vận tải. Tuy nhiên, việc kiểm tra xử lý hiện còn gặp nhiều khó khăn. “Nhiều người khi bị dừng xe thì khóa cửa bỏ xe lại. Trong khi, xe chở hàng hóa không thể cẩu kéo về được, muốn xử lý phải bốc dỡ hàng hóa, rất phức tạp. Có những xe vi phạm xử lý mất cả 2-3 giờ đồng hồ chưa xong”, ông Hải nói. 

Nêu quan điểm về hệ thống kiểm soát tải trọng, ông Nguyễn Mạnh Hùng, Chủ tịch Hiệp hội ô tô vận tải Việt Nam cho rằng, phải có trạm cân mới kiểm soát được  tình trạng xe chở quá tải. Tuy nhiên, trạm cân phải được đặt ở các đầu mối hàng hóa, đầu mối giao thông và phải đầu tư hiện đại, tự động hóa toàn bộ các khâu hoạt động của trạm để tránh tiêu cực. “Cân và hạ tải phải thực hiện triệt để, công bằng đối với tất cả các xe chở quá tải. Đầu tư trạm cân tốn kém nên Chính phủ không thể đầu tư ngay một lúc trên tất cả các tuyến đường được, song đầu tư trạm nào phải hiện đại hóa thật triệt để trạm đó, quản lý nhân sự thật tốt trạm đó”, ông Hùng cho biết. Cũng theo ông Hùng, khi thực hiện nghiêm túc việc quản lý tải trọng, cước vận tải trên thị trường sẽ trở về giá cước thật của nó. Song đáng ngại nhất là nơi làm nơi không, sẽ không tạo ra được sự công bằng và cạnh tranh lành mạnh.