Thứ nhất tu tại gia

ANTĐ - Không hiểu người ta có bán loại lịch ghi các ngày lễ hội trong năm không nhỉ? Một năm 365 ngày mà có tới những hơn tám nghìn cái lễ hội thì nhớ sao hết, đi sao nổi.

- Phú quý sinh… lễ hội! Có lẽ nước mình phải được ghi vào kỷ lục guinness về lễ hội nhất thế giới. Tôi chẳng có ý báng bổ lễ hội, tín ngưỡng nhưng của đáng tội, năm trước trót nghe vợ rủ rê đi lễ hội mà đến tận bây giờ vẫn còn thấy ớn cả người. 

- Nghe nói năm nay ngành văn hóa, du lịch đã ra quân và ra tay siết chặt trật tự lễ hội; sẽ không còn những biến tướng, kinh doanh, thương mại hóa; sẽ quét sạch mọi loại “rác thải” buôn thần bán thánh, thô tục hóa những chốn linh thiêng.

- Tôi vẫn cứ bán tín bán nghi, chỉ sợ không đủ quân mà rải ra, không đủ tay mà siết cho chặt. Nhiều lúc tôi cứ tự hỏi, không hiểu vì sao mấy năm nay dân ta “bỗng dưng” đua nhau, chen lấn nhau đến chùa chiền, lễ bái lắm thế. 

- Ngoài chuyện cầu khẩn, xin xỏ những thứ mà thần thánh, trời phật không thể có đâu mà “xin – cho” dễ thế, người ta còn ước nguyện tìm lại niềm tin, củng cố đức tin ở trong lòng vốn đã trống rỗng.

- Tôi có được đọc một bài báo nói rằng, ở nhiều nước châu Âu đang diễn ra tình trạng các nhà thờ “phá sản” biến thành nơi dịch vụ công cộng như thư việc, phòng học, cơ sở y tế… Đến mức, nhiều nhà thờ phải rao lên mạng internet “bán” miễn phí tượng thánh, đồ thờ tự.

- Kinh tế suy thoái, nợ công chồng chất, thất nghiệp đầy đường, tất nhiên tôn giáo, tín ngưỡng, nhà thờ cũng phải “xả thân” cứu rỗi chúng sinh chứ. “Có thực mới vực được đạo”.

- Điều ấy chỉ đúng một phần nhỏ thôi. Người ta giải thích rằng, trong một thế giới bằng phẳng, cả nhân loại đã “nối mạng” thì niềm tin vững chắc nhất là ở trong sâu thẳm lòng người chứ không phải cứ đến nhà thờ, chùa chiền, lễ hội… mà tìm kiếm. 

- Tưởng có gì mới mẻ, cha ông ta đã từng dạy rằng: Tu nhân tích đức là tự trong tâm, từng giờ, từng ngày, suốt đời. “Thứ nhất tu tại gia, thứ nhì tu chợ, thứ ba tu chùa”.