Thu nhập cao cũng đăng ký thất nghiệp

ANTĐ - Do tình hình sản xuất, kinh doanh những tháng đầu năm còn khó khăn và hầu hết các nhận định chuyên môn về triển vọng nền kinh tế đất nước trong năm 2012 chưa sáng sủa nên số người đăng ký bảo hiểm thất nghiệp (BHTN) tăng nhanh chóng.

Nhiều lao động thất nghiệp tìm kiếm công việc mới đầu năm

Người hưởng thất nghiệp tăng 2,8 lần

Tại Trung tâm giới thiệu việc làm (TTGTVL) Hà Nội, những tuần đầu tiên của năm 2012 số người đến đăng ký BHTN có dấu hiệu tăng mạnh. Tính từ đầu tháng 2 đến 21-2, Trung tâm này đã tiếp nhận 1.055 người lao động đến đăng ký BHTN, nâng tổng số đăng ký từ đầu năm đến nay lên 2.522 người. Dù là tháng có thời gian nghỉ Tết Nguyên đán kèo dài nhưng số lượng người lao động trên địa bàn Hà Nội đăng ký thất nghiệp vẫn tăng đến 2,8 lần so với tháng 2 -2010. Cũng trong thời gian này, có 1.969 người nộp hồ sơ hưởng BHTN, trong đó có 1.585 người có quyết định hưởng BHTN, nghĩa là số đã thất nghiệp thực sự. Như vậy, không chỉ người đăng ký BHTN tăng cao mà số thất nghiệp từ đầu năm đến nay cũng tăng.

Bà Nguyễn Thị Kim Loan, Trưởng phòng BHTN - TTGTVL Hà Nội cho biết, trong số hồ sơ đăng ký BHTN từ đầu năm đến nay thì lao động làm việc ở các công ty TNHH vẫn chiếm tỷ lệ đăng ký cao nhất (58,4%), tiếp đến là công ty cổ phần (21,5%). Thực tế đây là loại hình doanh nghiệp đang gặp nhiều khó khăn nhất trong bối cảnh kinh tế hiện nay. Tương tự, lao động phổ thông là đối tượng đăng ký thất nghiệp nhiều nhất, chiếm khoảng 70% và họ cũng là người dễ bị thất nghiệp nhất…

Nguyên nhân số đăng ký thất nghiệp tăng mạnh được phòng BHTN của thành phố lý giải là do tình hình sản xuất, kinh doanh của các doanh nghiệp vẫn còn khó khăn, nhiều doanh nghiệp vẫn đang tiếp tục tiết giảm lao động, đặc biệt là các doanh nghiệp gia công hàng xuất khẩu bị bó hẹp thị trường, đơn hàng ít… Một nguyên nhân khách quan nữa là trong tháng 1, tại Hà Nội có tới 200 lao động của công ty TNHH thương mại và xây dựng Thủy Lộc (nhà phân phối độc quyền mỹ phẩm SHISEIDO) bị thất nghiệp do công ty này xảy ra tranh chấp về sản phẩm với một công ty của Nhật Bản. Dự báo trong thời gian tới, số người đăng ký thất nghiệp sẽ vẫn tiếp tục tăng vọt so với năm 2011.

Liệu có kẽ hở?

Điều đáng chú ý là số lao động có trình độ, thu nhập cao đăng ký thất nghiệp và được hưởng BHTN từ đầu năm đến nay cũng đã tăng lên đáng kể. Thống kê cho thấy, chỉ tính riêng trong tháng 2, tại Hà Nội đã có gần 100 người trình độ đại học, cao đẳng, có thu nhập cao (từ 5 triệu đồng trở lên, trong đó có cả những người thu nhập đến 20-30 triệu đồng/ tháng) được hưởng BHTN, chiếm hơn 12% so với tổng số người có quyết định hưởng trong tháng. Theo tìm hiểu, đa phần số có thu nhập cao đăng ký BHTN là những người làm việc trong các dự án, theo hợp đồng của dự án hoặc làm việc trong các tổ chức nước ngoài. Đây là những đối tượng được hưởng lương cao nhưng công việc nhiều áp lực, dễ thay đổi công việc, dễ thất nghiệp tạm thời khi hết thời hạn hợp đồng.

Việc tham gia BHTN và được hưởng trợ cấp thất nghiệp là quyền lợi của mọi người lao động, không phân biệt người có thu nhập thấp hay thu nhập cao. Tuy nhiên, chẻ nhỏ vấn đề, không ít người thắc mắc “liệu có hay không tình trạng lách luật để được hưởng BHTN?”. Đơn cử như trường hợp một cán bộ dự án hưởng lương cao, khi thời hạn dự án hay hợp đồng còn khoảng 12 tháng nữa mới tham gia BHTN và khi dự án kết thúc thì đương nhiên anh ta sẽ được hưởng khoản trợ cấp 3 tháng theo quy định, dù có thể chỉ 1 tháng sau đó anh ta đã tìm được công việc mới. Theo tính toán, một người tham gia BHTN ở mức thu nhập cao nhất theo quy định (không quá 20 lần thu nhập tối thiểu, tương đương khoảng 16 triệu đồng) thì mỗi tháng chỉ phải đóng 160.000 đồng (người tham gia đóng 1%). Như vậy, sau 12 tháng, người này phải đóng khoảng 2 triệu đồng, còn số tiền mà anh ta sẽ được hưởng trợ cấp thất nghiệp có thể lên đến gần 30 triệu đồng (hưởng 60%

thu nhập đóng BHTN mỗi tháng)…