Thư ngỏ gửi các nhà văn Trung Quốc

ANTĐ - LTS: Năm 2007, nhà văn Việt Nam Nguyễn Khắc Phục đã viết bức thư ngỏ gửi các nhà văn Trung Quốc sau khi có thông tin Quốc vụ viện Trung Quốc phê chuẩn quyết định cái gọi là thành phố Tam Sa trên vùng biển Hoàng Sa của Việt Nam. Bằng những lời tâm huyết, máu thịt của mình, ông đã gửi tới những người cầm bút như ông tại Trung Quốc kêu gọi sự thức tỉnh của lương tri.

2 trong số 3 tàu hải giám Trung Quốc đã xâm hại lãnh hải Việt Nam, lao vào cắt cáp và cản trở hoạt động của tàu Bình Minh 02 ngày 26-5-2011

Nhưng từ đó đến nay, Việt Nam vẫn luôn bị những mối đe dọa rình rập đến từ Trung Quốc. Biển Đông hiếm khi được yên ả với hàng loạt các hành động khiêu khích của Trung Quốc. Ngày  26-5-2011, tàu Bình Minh 02 của Việt Nam bị làm đứt cáp, ngay sau đó, ngày 30-11-2012, tàu Trung Quốc tiếp tục gây ra hành động tương tự. Và mới đây nhất, Trung Quốc lại dấn thêm một hành động hết sức trắng trợn: đặt giàn khoan Haiyang Shiyou 981 vào vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam cùng với 80 tàu, có cả tàu chiến và máy bay hộ giám đe dọa nghiêm trọng chủ quyền và  khát vọng hòa bình của dân tộc Việt Nam. 

Nhà văn Nguyễn Khắc Phục mong muốn thông qua Báo An ninh Thủ đô gửi tới bạn đọc nội dung bức thư ngỏ mà ông đã viết cách đây 7 năm. 

Báo ANTĐ trân trọng giới thiệu cùng bạn đọc nội dung bức thư này.

Tôi là một công dân bình thường của nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam và làm nghề viết văn, gửi bức thư ngỏ này cho Quý vị, những công dân của nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa và xét trên phương diện nào đó, chúng ta là đồng nghiệp của nhau. Quý vị yêu nước Trung Quốc cũng như tôi yêu nước Việt Nam, điều này thật hiển nhiên và không có gì phải bàn cãi. Chắc Quý vị cũng chia sẻ với tôi nhận thức rất đơn giản nhưng có tính nguyên tắc rằng: Lòng yêu nước của bất kỳ công dân quốc gia nào cũng đáng được trân trọng khi chúng ta coi đất nước mình là một thành viên trong Đại gia đình nhân loại. 

Và cùng là người cầm bút, hẳn Quý vị cũng như tôi, đều hướng tới các giá trị nhân văn cao cả, đều mong muốn dùng tác phẩm của mình góp phần vào việc xây dựng một thế giới tốt đẹp, công bằng, văn minh và nhân dân tất cả các quốc gia đều được sống trong hòa bình, hạnh phúc, được tôn trọng và bình đẳng… Tôi cũng xin bày tỏ chân thành sự kính trọng của tôi đối với đất nước và nhân dân Trung Hoa, nơi đã có một nền văn hóa rực rỡ lâu đời, nơi sản sinh ra những nhà tư tưởng, văn hóa nhân văn vĩ đại. Mà Khổng Phu Tử là một trong những vị đại diện kiệt xuất, đáng kính trọng nhất của nền văn hóa ấy với tinh thần nhân đạo sâu sắc, lý tưởng cao cả về một “thế giới đại đồng” của Người cho đến nay vẫn còn nguyên sức mạnh và cảm hứng thúc giục nhân loại phấn đấu và vươn tới. 

Hẳn Quý vị cũng như bất cứ nhà văn nào trên thế giới (trong đó có tôi) đều ghê sợ, căm ghét và sẵn sàng dùng ngòi bút của mình vạch mặt thói đạo đức giả, thủ đoạn đánh tráo sự thật và lịch sử bằng những lời lẽ hoa mỹ; đặc biệt là thói cậy mạnh hiếp yếu, trịch thượng và khinh miệt người khác, những kẻ tự cho mình cái quyền đứng trên đầu trên cổ thiên hạ, bất chấp đạo lý, công luận và công pháp quốc tế, bất chấp những hậu quả thảm khốc khôn lường mà sự lộng hành của họ có thể gây cho các dân tộc khác, thậm chí cho chính đồng bào của họ… 

Vững tin vào những điều vừa trình bày, tôi viết bức thư ngỏ này gửi tới Quý vị và hy vọng tìm được sự đồng cảm nào đó…

Thưa Quý vị, là người cầm bút, ít nhiều chúng ta cũng phải tìm hiểu lịch sử của đất nước mình, tất nhiên cũng sẽ thấy ngay một sự thật: Trong quá trình hình thành và phát triển của mình, hầu hết lịch sử các quốc gia, dân tộc đều liên quan đến lịch sử của các quốc gia, dân tộc khác, theo các cách khác nhau và những kết quả tương ứng cũng khác nhau. Mà trong đó, mối quan hệ giữa đất nước của tôi và đất nước của Quý vị đã trải qua hàng nghìn năm, đã trải qua đủ các cung bậc, tình huống, cảm xúc…, trong các hoàn cảnh lịch sử cụ thể, là một thí dụ khá điển hình. Và sau hết là một kết cục tất yếu của lịch sử: Tháng 8-1945, nước tôi giành được độc lập và nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa ra đời. Tương tự, tháng 10-1949, nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa ra đời. Và 2 năm sau, nước tôi và nước Quý vị chính thức đặt quan hệ ngoại giao với nhau. 

Kể từ đó, mối quan hệ Việt-Trung bước vào lịch sử nửa cuối thế kỷ 20 với những diễn biến mạnh mẽ và cũng đầy kịch tính. Tôi cũng như hàng triệu người Việt Nam bình thường không bao giờ quên những gì mà đất nước và nhân dân Trung Quốc đã làm, đã ủng hộ, giúp đỡ Việt Nam trong hai cuộc kháng chiến giành độc lập-tự do và thống nhất đất nước. 

Cũng chính vì thế, làm sao chúng tôi không đau lòng, ngỡ ngàng khi phải đối mặt với sự thật: Ngày 19-1-1974, hải quân Trung Quốc đã dùng nhiều chiến hạm và phi cơ cưỡng chiếm toàn bộ Hoàng Sa. Mà bằng chứng lịch sử đã khẳng định Hoàng Sa là của nước tôi. Trong trận chiến không cân sức này, 58 binh sĩ quân đội Sài Gòn đã ngã xuống. 

Chưa hết, tháng 4-1988, Trung Quốc đã thông qua một nghị quyết thành lập tỉnh Hải Nam, trong đó bao gồm cả Hoàng Sa và Trường Sa của Việt Nam. Trước đó, ngày 14-3-1988, hải quân Trung Quốc dùng vũ lực xâm chiếm các đảo ở Trường Sa. Họ đã bắn chìm ba tàu vận tải của hải quân Việt Nam. 74 chiến sĩ của chúng tôi đã hy sinh khi bảo vệ mảnh đất thiêng liêng của Tổ quốc mình.

Điểm qua một vài sự kiện bi kịch như trên, hẳn Quý vị và tôi có thể dễ hiểu hơn niềm hân hoan của nhân dân hai nước khi diễn ra việc bình thường hóa quan hệ Việt Nam-Trung Quốc năm 1994. Cho đến khi lãnh đạo hai nước cùng nhau đưa ra 16 chữ vàng và 4 tốt, nhân dân Việt Nam và Trung Quốc càng tin vào tương lai tươi đẹp của tình hữu nghị. 

Trích Tuyên bố chung Việt Nam - Trung Quốc sau chuyến thăm Việt Nam của Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc, Chủ tịch nước Cộng hoà Nhân dân Trung Hoa Hồ Cẩm Đào từ ngày 31-10 đến 2-11-2005: “Láng giềng hữu nghị, hợp tác toàn diện, ổn định lâu dài, hướng tới tương lai là phương châm chỉ đạo phát triển quan hệ hai Đảng, hai nước trong thời kỳ mới. Mãi mãi là láng giềng tốt, bạn bè tốt, đồng chí tốt, đối tác tốt là mục tiêu chung của hai Đảng, hai nước và nhân dân hai nước…”.

Bởi nếu thực hiện nghiêm túc, đúng thực chất của “16 chữ vàng” và “4 tốt”, người ta sẽ thấy ở đấy sự hội tụ cả 5 đức lớn mà hàng nghìn năm trước Khổng Phu Tử đã nêu lên làm chuẩn mực hành động của đấng quân tử: Nhân - Lễ - Nghĩa - Trí - Tín! Nói nôm na, làm đúng theo phương châm này, nhân dân hai nước sẽ có cuộc sống thanh bình, hữu hảo (Nhân), cư xử với nhau một cách có văn hóa (Lễ), trân trọng, nâng niu những tình cảm sâu nặng gắn bó số phận hai đất nước (Nghĩa), đó cũng là biểu hiện của sự thức thời (Trí), biết rõ trong thế giới hiện đại, người ta có thể làm gì và cái gì là không thể, cả nhận thức sâu sắc, cập nhật hóa khái niệm Trung-Thứ của Đức Khổng Tử (Ta không muốn cái gì thì đừng làm cái ấy cho người khác), và cuối cùng, đó là sự thành tín, nhất quán giữa nói và làm (Tín)… 

Tiếc thay, sự thật lại không diễn ra như vậy, mà cứ mỗi lần ở đâu đó người ta cao giọng nói về “16 chữ vàng” và “4 tốt” thì y như rằng, ngay sau đó, Trung Quốc lại có những hành động xâm phạm chủ quyền của Việt Nam một cách trịch thượng và đe dọa nguy hiểm an ninh, chủ quyền lãnh thổ của Việt Nam. 

Ngày 3-12-2007, Việt Nam lên tiếng phản đối Quốc vụ viện Trung Quốc vừa phê chuẩn việc thành lập thành phố hành chính cấp huyện Tam Sa (thuộc tỉnh Hải Nam), trực tiếp quản lý ba quần đảo trên Biển Đông, trong đó có hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa của Việt Nam... 

Thưa Quý vị nhà văn Trung Quốc, như trên tôi đã trình bày, làm đúng và thành thực thì “16 chữ vàng” và “4 tốt” sẽ hội tụ cả 5 đức Nhân - Lễ - Nghĩa - Trí - Tín, còn làm ngược lại thì đương nhiên là hủy hoại cả 5 đức

lớn ấy. 

Chúng tôi biết rõ, nước chúng tôi bé, nhân dân chúng tôi còn nghèo, tàu chiến, máy bay của chúng tôi vừa ít hơn, vừa lạc hậu hơn hải quân, không quân của các cường quốc, nhưng điều ấy không ngăn cản chúng tôi đứng lên bảo vệ chủ quyền thiêng liêng của đất nước mình. Hẳn Quý vị chưa quên rằng trong lịch sử, không phải chỉ một lần, Việt Nam đã từng phải đương đầu với những kẻ xâm lược hùng mạnh hơn mình gấp bội. Và kết quả của những cuộc kháng chiến bảo vệ đất nước ấy của nhân dân Việt Nam hẳn Quý vị cũng không phải không biết. Nhân dân Việt Nam chỉ mong muốn yên ổn làm ăn, hữu hảo với tất cả các nước, đặc biệt là với các nước láng giềng, trong đó có đất nước Trung Hoa. Nhưng nhân dân chúng tôi cũng sẵn sàng hy sinh tất cả, muôn người như một đoàn kết để chống lại bất cứ hành động ngang trái nào làm nhục chúng tôi và xâm phạm chủ quyền lãnh thổ, an ninh quốc gia của mình.

Thưa Quý vị, vạn bất đắc dĩ chuyện xấu nhất xảy ra thì ai sẽ là người gánh chịu? Trước hết là phụ nữ, trẻ em, những người dân hiền lành, lương thiện của cả các bên. Là các nhà văn, hẳn Quý vị sẽ hình dung ra bao tấn thảm kịch và cái giá xương máu phải trả cho bất kỳ tham vọng bất chính nào.

Nhân dân chúng tôi không muốn thế. Và nhân dân các nước khác cũng không muốn thế. Nhưng khi bị đẩy đến lựa chọn sinh tử, bất kỳ dân tộc nào, quốc gia nào biết tự trọng cũng phải chiến đấu bảo vệ danh dự và quyền lợi chính đáng của mình. Và nhất định nhân loại tiến bộ, lương tri loài người và đạo lý, công pháp quốc tế sẽ đứng bên dân tộc ấy, đất nước ấy.

Vài lời tâm huyết, thành thực giãi bày với Quý vị, tôi chỉ ao ước mong được Quý vị lắng nghe, cùng ngẫm nghĩ và sẽ đưa ra hành động thích hợp, vì mục tiêu công chính và nhân đạo, trên cương vị của mình - những nhà văn chính trực và công tâm, yêu hòa bình, công lý, bênh vực lẽ phải.

Trân trọng cảm ơn Quý vị!  

Kính thư

Bất chấp sự phản đối của Việt Nam và dư luận 

quốc tế, thậm chí cả dư luận bên trong Trung Quốc, Trung Quốc đã lần lượt thực hiện các bước đi ngang nhiên nhằm khai sinh ra cái gọi là “Thành phố Tam Sa”. Ngày 21-6-2012, Quốc vụ viện Trung Quốc đã chính thức phê chuẩn quyết định thành lập thành phố Tam Sa để quản lý hơn 200 đảo nhỏ, bãi cát và rạn san hô ở Hoàng Sa, Trường Sa của Việt Nam, và hơn 2.000.000 km vuông vùng biển xung quanh. Việt Nam nhiều lần phản đối các hoạt động nói trên của Trung Quốc, yêu cầu Trung Quốc tôn trọng chủ quyền của Việt Nam, chấm dứt và hủy bỏ các hành động sai trái nhằm duy trì hòa bình và ổn định trên Biển Đông.