“Thú mỏ vịt” Su-34: “Át chủ bài” tấn công của không quân của Nga

ANTĐ - Song song với việc sản xuất hàng loạt và cung cấp cho quân đội, tập đoàn chế tạo máy bay thống nhất (UAC) sẽ thực hiện việc hiện đại hóa máy bay Sukhoi Su-34, đưa nó trở thành nòng cốt trong lực lượng máy bay tấn công chiến thuật của Nga.

Trả lời phỏng vấn báo”Rossiyskaya Gazeta" số ra hôm 13-5, chủ tịch UAC - ông M.Pogosyan cho biết: "Trong tương lai gần, máy bay ném bom mới sẽ là tổ hợp chính được Không quân sử dụng. Do đó, việc trang bị Su-34 cho quân đội trong năm nay sẽ là một bước tiến quan trọng trong sự phát triển chương trình”.

Ông còn nhấn mạnh, việc mua sắm số lượng lớn máy bay Su-34 đã đánh dấu sự hoàn thành kế hoạch tuyệt vời về chế tạo tổ hợp hàng không mới và trang bị cho không quân Nga. “Tôi tin rằng đây là một thành công rất lớn đối với các khách hàng và Tập đoàn "Sukhoi” cùng với các cơ cấu hợp tác trong dự án Su-34" - ông M.Pogosyan nói.

Tính đến hết năm 2013, không quân Nga có 32 chiếc Su-34, năm 2014, Nga có kế hoạch trang bị thêm 16 chiếc. Trong chuyến thăm Nhà máy chế tạo máy bay Novosibirsk, Tư lệnh Không quân Nga, Trung tướng Viktor Bondarev cho biết, Nga sẽ sắm ít nhất 150 chiếc Su-34 và có thể gia tăng số máy bay ném bom này lên 200 chiếc, xây dựng ít nhất 5 phi đội máy bay ném bom tiền tuyến loại này”.

“Thú mỏ vịt” Su-34: “Át chủ bài” tấn công của không quân của Nga ảnh 1

Su-34 sẽ trở thành nòng cốt trong lực lượng máy bay tấn công chiến thuật của Nga


Trên thực tế, Su-34 đã được trang bị cho lực lượng không quân Nga ngay từ cuối năm 2012 nhưng có sự chậm trễ trong việc ban hành các quyết định có liên quan. Vì vậy, thời điểm chính thức công nhận Su-34 (biệt danh “Thú mỏ vịt”) được triển khai hàng loạt trong lực lượng tác chiến của không quân Nga là vào năm 2013.

Hiện nay, Không quân Nga không sử dụng khái niệm máy bay tiêm kích bom như một số nước, nên Su-34 được xếp loại máy bay ném bom tiền tuyến (phân biệt với các máy bay ném bom chiến lược như: Tu-22M3, Tu-95, Tu-160 và cường kích như Su-24, Su-25, Su-39…).

Su-34 (NATO gọi là Fullback) nguyên là sản phẩm của công ty chế tạo hàng không liên hợp Novosibirsk, hiện công ty này đã chính thức sát nhập và trở thành một thành viên của Tập đoàn công nghệ hàng không nổi tiếng Sukhoi của Nga.

“Thú mỏ vịt” Su-34: “Át chủ bài” tấn công của không quân của Nga ảnh 2

Radar của Su-34 có khả năng phát hiện mục tiêu trên không ở cự ly 250 km, lập bản đồ số mặt đất cự ly tới 150 km


Su-34 có trọng lượng cất cánh thông thường là 39 tấn, trọng lượng cất cánh tối đa 45 tấn, tải trọng vũ khí tối đa 8 tấn với 12 giá treo vũ khí các loại, nó có thể bay với vận tốc 1900km/h, trần bay cao tối đa 18km. 

Ngoài bom và tên lửa ra, Su-34 còn được trang bị 1 khẩu pháo 30mm, chuyên dụng cận chiến trên không với tiêm kích địch. Radar đa nhiệm Leninets B-004 đóng vai trò là hệ thống tấn công và cả kiêm luôn chức năng cảnh báo sớm. Nó sử dụng loại radar quét mảng pha bị động, có khả năng phát hiện mục tiêu trên không ở cự ly 250 km, lập bản đồ số mặt đất cự ly tới 150 km.

Buồng lái của Su-34 được trang bị các thiết bị điện tử rất hiện đại, thiết kế theo kiểu hai phi công ngồi cạnh nhau (một lái, 1 điều khiển hỏa lực và dẫn đường) tạo thuận lợi trong tác chiến. Su-34 được trang bị các màn hình hiển thị đa chức năng, cung cấp thông tin đa chiều về các tình huống.

Su-34 có khả năng đảm nhận nhiệm vụ tác chiến trong mọi điều kiện thời tiết, trong cả ngày lẫn đêm, sử dụng toàn bộ các vũ khí tiến công chính xác để đánh phá các mục tiêu trên biển và dưới mặt đất, đặc biệt là khả năng tấn công đa mục tiêu trong một thời điểm.

“Thú mỏ vịt” Su-34: “Át chủ bài” tấn công của không quân của Nga ảnh 3

Khả năng tấn công đa mục tiêu trong một thời điểm là thế mạnh của Su-34


Ưu điểm tiếp theo của Su-34 là nó có khả năng mang theo lượng nhiên liệu lớn (gần 7 tấn) đảm bảo cho hành trình xa tới 4.000km (bán kính tác chiến 1.600km), sau khi được tiếp dầu nó có thể bay tới 7.000km (bán kính tác chiến trên 3.000km), ngang ngửa loại máy bay ném bom chiến lược H-6 của Trung Quốc.

Đại diện của công ty Sukhoi cho biết Su-34 được thiết kế không phải để thay thế cho các loại máy bay cường kích (máy bay tấn công mặt đất) như: Su-24, Su-25…, hiện loại máy bay cường kích số 1 của Nga là Su-39 và một số loại thế hệ trước như: Su-25UB và Su-25T sẽ đảm nhận nhiệm vụ đó.

Các loại máy bay cường kích có tầm hoạt động ngắn, trần bay thấp, mang theo các loại vũ khí đặc dụng để tiêu diệt các mục tiêu định sẵn như: chống radar, chống tăng, phá hủy trận địa hỏa lực… trong tác chiến đối đầu cấp chiến thuật.

Su-34 sẽ không tham gia nhiều vào các nhiệm vụ đó, Nga sẽ sử dụng Su-34 tương tự như các loại máy bay ném bom tầm trung chiến lược, nó sử dụng các vũ khí điều khiển chính xác, chuyên thực hiện các nhiệm vụ tấn công tầm trung trong lãnh thổ đối phương, tập trung vào các mục tiêu trọng điểm như sân bay, cầu đường, đầu não chỉ huy phía sau của địch.

“Thú mỏ vịt” Su-34: “Át chủ bài” tấn công của không quân của Nga ảnh 4

Su-34 được đánh giá thuộc loại máy bay chiến đấu thế hệ 4+


Trước đây, khi Su-34 chưa ra đời, các máy bay cường kích Nga phải đảm nhận nhiệm vụ này nhưng hiệu quả tác chiến không cao vì bán kính tác chiến không quá 1.000km, tốc độ kém và trần bay thấp nên không thể thoát khỏi các hệ thống phòng không của địch.

Hiện các máy bay cường kích đã được giải phóng khỏi các nhiệm vụ đó, tập trung cho nhiệm vụ tác chiến yểm trợ mặt đất, nơi các trận địa phòng không dã chiến tính năng còn kém. Còn Su-34, với các tính năng ưu việt của mình, nó đã ngay lập tức trở thành nòng cốt trong lực lượng ném bom tiền tuyến của Nga.

Tuy thiên về tính năng tấn công mặt đất nhưng Su-34 cũng được trang bị hệ thống tên lửa đối không, đối hải tương đối mạnh, đảm bảo cho nó có thể độc lập tác chiến đánh trả các máy bay tiêm kích của địch bay lên đánh chặn mà vẫn hoàn thành nhiệm vụ ném bom mặt đất.

Su-34 đã tích hợp được những điểm mạnh của tất cả các loại máy tiêm kích trên thế giới như: tốc độ cao, khả năng tác chiến linh hoạt của tiêm kích đánh chặn; tầm bay xa, trần bay cao của máy bay ném bom tầm trung, hơn đứt các tiêm kích đa năng về khả năng tấn công mặt đất, vượt qua các tiêm kích bom ở tính năng tác chiến trên không, trên biển.