Thủ lĩnh Taliban tới Trung Quốc gặp Ngoại trưởng Vương Nghị

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN -  Ngày 28-7, một phái đoàn Taliban do người đồng sáng lập lực lượng này dẫn đầu đã hội đàm với Ngoại trưởng Vương Nghị tại Trung Quốc. Động thái diễn ra khi nhóm quân Talian đang kiểm soát khoảng 50% diện tích Afghanistan, nước giáp biên giới Tân Cương của Trung Quốc và Mỹ tiếp tục không kích hỗ trợ lực lượng an ninh Afghanistan.

Ông Mullah Abdul Ghani Baradar, người đồng sáng lập Taliban, người cũng là người đứng đầu văn phòng chính trị của Taliban ở Qatar, đã gặp Ngoại trưởng Vương Nghị ở thành phố Thiên Tân vào ngày 28-7.

Đây là lần đầu tiên một thành viên cấp cao của tổ chức này đến thăm Trung Quốc kể từ khi Taliban chiếm được một số khu vực quan trọng ở các tỉnh Badakhshan và Kandahar của Afghanistan.

Ông Mullah Abdul Ghani Baradar - người đồng sáng lập Taliban ở Afghanistan và trưởng đoàn đàm phán đang ở thăm Trung Quốc

Ông Mullah Abdul Ghani Baradar - người đồng sáng lập Taliban ở Afghanistan và trưởng đoàn đàm phán đang ở thăm Trung Quốc

Taliban đã gọi các cuộc không kích của Mỹ nhằm hỗ trợ lực lượng an ninh Afghanistan gần đây là vi phạm thỏa thuận Doha - thỏa thuận hòa bình giữa Mỹ và Taliban được ký vào tháng 2 năm ngoái, mở đường cho việc rút quân của Mỹ, dự kiến ​​hoàn thành vào cuối tháng 8 và cuối cùng là đàm phán nội bộ Afghanistan.

Cũng trong ngày 28-7, Afghanistan và Trung Quốc dự kiến ​​sẽ là trọng tâm của các cuộc đàm phán tại New Delhi giữa Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken và các quan chức Ấn Độ.

Bắc Kinh đã theo dõi sát sao tiến trình rút quân của Mỹ khỏi Afghanistan. Tại cuộc gặp với những người đồng cấp Afghanistan và Pakistan vào tháng 6-2021, ông Vương Nghị hứa sẽ “đưa Taliban trở lại chính trường” và đề nghị tổ chức các cuộc đàm phán hòa bình nội bộ Afghanistan.

Trước đó, vào năm 2019, Trung Quốc đã tiếp đón phái đoàn đại diện Taliban gồm 9 thành viên tới Bắc Kinh gặp đại diện đặc biệt của nước này ở Afghanistan.

“Bất kể Taliban có trở thành một chính phủ hay không, họ vẫn là lực lượng chủ chốt ảnh hưởng đến sự phát triển chính trị và an ninh của Afghanistan. Taliban có thể kiềm chế một số tổ chức khủng bố khác ở Afghanistan. Trung Quốc có thể thông qua Taliban đưa ra những ràng buộc nhất định đối với các tổ chức khủng bố khác, điều này có ích cho an ninh của Trung Quốc và an ninh khu vực”, ông Yan Wei, giáo sư quan hệ quốc tế tại Đại học Tây Bắc Trung Quốc nhận định.