Thủ khoa thất nghiệp: Thực tế khắc nghiệt chứ không phải phép màu

ANTD.VN - Thủ khoa Bùi Thị Hà đã trở thành người “nổi tiếng” bất đắc dĩ khi danh hiệu của Hà lại trở thành đề tài để dư luận đánh giá, thậm chí thẳng thừng chê bai bản thân cựu sinh viên ngành Sư phạm này. 

Sinh viên cần giao tiếp xã hội nhiều hơn, mở rộng các mối quan hệ tìm kiếm mọi cơ hội nghề nghiệp để có thêm lựa chọn

Thực tế, Bùi Thị Hà không phải trường hợp cá biệt khi được đưa lên các phương tiện truyền thông đại chúng về tình trạng thủ khoa thất nghiệp. Mỗi năm, Hà Nội tuyên dương trên 100 thủ khoa tốt nghiệp đại học và đã được thực hiện 15 năm nay. Trong đó, không phải thủ khoa nào cũng được trải thảm đỏ vào những vị trí hàng đầu. Không ít trường hợp thủ khoa phải ngồi nhà vài năm, làm những công việc tay ngang không liên quan đến chuyên môn của mình.

Thủ khoa thế hệ trước: Những bài học

Năm 2016, Bùi Thị Hà là 1 trong 100 thủ khoa xuất sắc được vinh danh tại Văn Miếu - Quốc Tử Giám (Hà Nội). Cầm tấm bằng xuất sắc trở về quê với ước mong cháy bỏng trở thành cô giáo dạy Văn nhưng suốt 1 năm mong ngóng, đợi chờ, thấp thỏm, hy vọng, Hà vẫn không tìm ra cơ hội nào hiện thực ước mơ. Câu chuyện của Hà gây ra những cuộc khẩu chiến căng thẳng trên mạng xã hội cũng như trên nhiều mặt báo. Tuy nhiên, có thể khẳng định đây không phải là thủ khoa duy nhất thất nghiệp.

Vào đúng những ngày này cách đây 2 năm, dư luận ồn ào vì câu chuyện của Chu Thị Yến, thủ khoa đầu vào lẫn đầu ra của trường ĐH Giao thông Vận tải năm 2015. Yến cũng là một trong 132 thủ khoa xuất sắc được vinh danh tại Văn Miếu - Quốc Tử Giám năm đó, thế nhưng sau 3 tháng loay hoay tìm việc, rải hồ sơ ở nhiều công ty, Yến thất vọng, trở về quê Bắc Giang để phụ mẹ.

Thủ khoa trường ĐH Thương mại năm 2013 Đồng Thị Ngân cũng làm xôn xao dư luận khi cầm trong tay tấm bằng tốt nghiệp xuất sắc ngành Tài chính ngân hàng, là một trong 123 thủ khoa xuất sắc năm 2013 nhưng trong suốt 3 năm, Ngân không xin được công việc đúng ngành nghề, đành phải xin làm những công việc phổ thông để trang trải cuộc sống.

Trước đó, năm 2013, người ta cũng từng bàn tán sôi nổi về trường hợp của La Văn Ngọ, thủ khoa đầu ra của trường ĐH Giao thông Vận tải phải chật vật đủ nghề từ phát tờ rơi tới chạy bàn để kiếm sống trước khi được lãnh đạo Bộ GTVT quyết định nhận vào Viện Khoa học Công nghệ Giao thông Vận tải.

Đây là những câu chuyện có thật mà mỗi thủ khoa cần lấy làm bài học cho mình để có thể thấy thực tế khắc nghiệt phải đối mặt thay vì chỉ biết ôm thành tích học tập cao của mình mà trông chờ vào phép màu trong công việc sau cánh cổng đại học.

Phải biết hòa nhập thực tế

Bùi Thị Hà tâm sự khát vọng được trở thành cô giáo đã giúp em nỗ lực vượt lên hoàn cảnh khó khăn của gia đình và bản thân để xuất sắc trở thành thủ khoa đầu ra của trường ĐH Sư phạm Hà Nội 2 vào năm 2016. Tốt nghiệp ra trường, ấp ủ nguyện vọng về quê cống hiến nhưng không tìm được việc. Nữ thủ khoa đã viết tâm thư gửi Bí thư Tỉnh ủy Hà Giang bày tỏ ý nguyện xin được việc làm vì hoàn cảnh gia đình khó khăn.

“Ngay sau đó, Phó Chánh văn phòng tỉnh Hà Giang cũng xuống tận nhà hỏi thăm, động viên em đợi khi nào có đợt thi tuyển giáo viên sẽ gọi. Thế nhưng em chờ 1 năm qua vẫn không có đợt. Em không biết sẽ đợi đến bao giờ?”, Hà kể. Nữ thủ khoa tâm sự: “Bây giờ việc chính của em là đi bán hoa quả ở chợ thành phố Hà Giang, buổi tối em vẫn đi dạy kèm để kiếm thêm thu nhập. Thời gian rảnh em phụ giúp mẹ nuôi lợn, trồng rau”.

Ông Vũ Văn Sử, Giám đốc Sở GD-ĐT tỉnh Hà Giang cho biết: “Hà là một trường hợp đặc biệt, học giỏi và gia đình có hoàn cảnh khó khăn. Sau khi em ra trường, tôi đã đích thân tới tận nhà để động viên và chúc mừng em. Tuy nhiên, em vẫn phải chờ có đợt thi tuyển tới đây. Hiện việc thi tuyển công chức theo Nghị định của Chính phủ và không đặc cách đối với thủ khoa, tất cả đều công bằng. Nhưng tôi tin với khả năng của mình em sẽ thi đỗ và đóng góp cho ngành Giáo dục tỉnh nhà”.

Trước những chia sẻ của Bùi Thị Hà, không ít ý kiến tiêu cực, chê bai về sự thụ động của một thủ khoa chỉ biết đến học mà thiếu sự năng động, linh hoạt. Cũng nhiều người đổ lỗi do chính sách tuyển dụng của nhiều cơ quan Nhà nước không trân trọng, tận dụng tài năng… Tuy nhiên, bên cạnh đó cũng có không ít bạn đọc, thầy cô chân thành giúp Bùi Thị Hà cũng như sinh viên tốt nghiệp nói chung phân tích hướng đi khi chưa được nhận vào biên chế.

Thầy Trịnh Quỳnh, giáo viên trường THPT Lương Thế Vinh (Nam Định) chia sẻ: “Tôi biết có nhiều người học Sư phạm nhưng ra làm việc ở các lĩnh vực khác, kỹ năng nghề nghiệp của họ rất tốt cộng với kiến thức đã học họ hoạt động trong lĩnh vực giáo dục rất thành công. Tôi cũng biết có nhiều người học Ngoại thương, học Bách khoa... cũng đi dạy, điều đáng nói là kỹ năng của họ rất tốt, có khả năng trình bày, thu hút học trò bằng những hoạt động truyền cảm hứng. Bản thân tôi trước khi đi dạy thời sinh viên cũng đã đặt mình vào rất nhiều công việc ngoài Sư phạm như Báo chí - Xuất bản - Dịch thuật, thậm chí là… bán hàng. Tôi thấy tất cả những kỹ năng tôi học được tôi đều vận dụng trong chính nghề nghiệp của mình”. 

Thầy Quỳnh chia sẻ bản thân rất thông cảm với hoàn cảnh của nhiều sinh viên Sư phạm, nhưng theo thầy các bạn sinh viên, trong đó có Bùi Thị Hà cần giao tiếp xã hội nhiều hơn, mở rộng các mối quan hệ tìm kiếm mọi cơ hội nghề nghiệp để có thêm lựa chọn khi đó, những suy nghĩ và hành động sẽ trưởng thành hơn và có nhiều hướng đi mới.

Thủ khoa thất nghiệp: Thực tế khắc nghiệt chứ không phải phép màu ảnh 2

Hãy quan tâm tới thông tin tuyển dụng của đơn vị ngoài Nhà nước

“Sư phạm - ngành mà bạn Bùi Thị Hà học dự báo về dư sinh viên tốt nghiệp không có việc làm trong tương lai sẽ lên con số hàng vạn. Chưa nói đến nơi thừa, nơi thiếu, môn thừa, môn thiếu…, các nhà hoạch định chính sách về đào tạo cần giải quyết bài toán này. Về bản thân các sinh viên, các bạn đừng câu nệ mình phải là công chức, viên chức Nhà nước. Hãy quan tâm tới thông tin tuyển dụng của các đơn vị ngoài Nhà nước. Nếu bạn giỏi thì có thể đến với những đơn vị lớn, còn chưa giỏi có thể tìm đến các đơn vị nhỏ. Những năm đầu tiên đi làm, dù ở đơn vị nào thì bạn cũng nên nghĩ là mình đang đi học. Bởi vậy, đừng quá quan trọng để đi tìm những nơi trả lương cao. 

Các bạn đừng câu nệ quá về nghề mình đã học. Nếu nghĩ thế thì bạn vẫn có thể tìm ra nhiều con đường tìm việc làm và có thể làm tốt. Đôi khi việc làm chỉ cần có liên quan tới nghề được học là quý rồi. Thay bằng xin việc, các bạn có thể khởi nghiệp nếu bạn có ý tưởng sáng tạo. Ngoài ra, có những bạn do chọn nghề không hợp với tính cách của mình nên không xin được việc và có khi đã xin được việc mà phải xin nghỉ việc hoặc bị đơn vị chấm dứt lao động - đây cũng là bài học cho các bạn lớp 12 lưu ý khi chọn nghề cho mình”.

TS. Lê Thống Nhất (Tổng Giám đốc Công ty CP Trường học lớn Việt Nam)

Thủ khoa thất nghiệp: Thực tế khắc nghiệt chứ không phải phép màu ảnh 3

Thủ khoa chưa đáp ứng đúng đòi hỏi thị trường lao động

“Từng đi và nghiên cứu nhiều nền giáo dục khác nhau, tôi biết ở nước ngoài, thủ khoa tốt nghiệp một trường đại học sẽ được chào đón từ khi biết sinh viên đó có khả năng trở thành thủ khoa. Vì sao lại như vậy? Bởi lẽ, thủ khoa chính là sản phẩm tốt nhất, giá trị cao nhất của một trường đại học. Còn ở ta thì thủ khoa không được chào đón như vậy? Vì sao?

Vì sản phẩm tốt nhất nhưng lại không đúng đòi hỏi của thị trường lao động, điều này chứng tỏ ở đâu đó trường đại học đào tạo không đáp ứng nhu cầu xã hội. Từng phỏng vấn nhiều ứng viên ở những vị trí khác nhau, tôi thấy rằng sinh viên Việt Nam khá thụ động, không ít sinh viên vô cùng rụt rè. Có những trường hợp đã tốt nghiệp đại học ở ngưỡng tuổi gần 30 nhưng khi đi xin việc bố mẹ vẫn phải dắt đi.

Thậm chí, nhiều phụ huynh còn xin được ngồi cùng con trong buổi phỏng vấn để có cơ hội nói đỡ cho con. Việc thiếu cập nhật chương trình đào tạo chuyên môn ở trường cùng tình trạng bao bọc, che chở quá kỹ của cha mẹ khiến sinh viên Việt Nam khó đối mặt, giải quyết các vấn đề thực tiễn trong quá trình tìm kiếm việc làm”. 

TS. Đàm Quang Minh (Hiệu trưởng trường ĐH Thành Tây)