Thu hút FDI đang trượt mục tiêu

Phần lớn doanh ngiệp FDI cho biết môi trường chính sách hiện nay không hỗ trợ họ đạt được thành công.

Thu hút FDI đang trượt mục tiêu

Phần lớn doanh ngiệp FDI cho biết môi trường chính sách hiện nay không hỗ trợ họ đạt được thành công.

Ông Edmund Malesky, Trưởng nhóm nghiên cứu Chương trình năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI 2010) trình bày quan điểm về ý kiến “Vậy Việt Nam đang giới thiệu mình như thế nào?”.

Những hạn chế

Khu vực doanh nghiệp FDI chưa thể trở thành nguồn lực cạnh tranh của đất nước khi mới chỉ đóng góp khoảng 20% GDP, trên 50% kim ngạch xuất khẩu mỗi năm. Đa số doanh nghiệp hoạt động trong những lĩnh vực có giá trị gia tăng thấp và chủ yếu làm thầu phụ cho các công ty đa quốc gia lớn hơn.

Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

Theo thống kê của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), đầu ra chủ yếu của các doanh nghiệp FDI là dành cho xuất khẩu. Thậm chí, sản lượng bán ra thị trường nội địa cũng phần lớn dành cho khách hàng nước ngoài.

Sự liên kết giữa doanh nghiệp trong nước với khu vực FDI rất yếu. Chỉ có 38% sản phẩm trung gian trong chuỗi sản xuất FDI được mua từ các cơ sở trong nước.

Trong khi đó, mặc dù đạt mức lợi nhuận bình quân tương đương 11% vốn đầu tư được cấp phép, nhưng năm 2009 đã có khoảng 19% số doanh nghiệp FDI báo cáo lỗ. Có ý kiến cho rằng lỗ có thể do việc chuyển giá giữa nội bộ các doanh nghiệp này với công ty mẹ.

Không hẳn đã rẻ

Các doanh nghiệp FDI phải tiêu tốn khoảng 8% tổng chi phí kinh doanh cho đào tạo lao động. Điều này cho thấy, chi phí lao động tại Việt Nam không rẻ như tính toán ban đầu của nhà đầu tư.

Một yếu tố khác là ưu đãi thuế. So sánh giữa các địa bàn đầu tư khác nhau, 59% số doanh nghiệp FDI cho rằng ưu đãi là như nhau, 12% cho biết địa phương mà doanh nghiệp lựa chọn đầu tư có ưu đãi tốt hơn, nhưng cũng có đến 29% cho biết địa phương khác mới có gói ưu đãi tốt hơn.

Như vậy, 88% nhà đầu tư nước ngoài sẽ không đánh đổi ưu đãi thuế để đầu tư vào một địa điểm không thuận lợi.

Tập trung vào yếu tố điều hành

VCCI chỉ ra rằng, nếu Việt Nam muốn thu hút đầu tư vào lĩnh vực công nghệ cao, tạo ra nhiều giá trị gia tăng thì cần chú trọng hơn đến chất lượng giáo dục đại học và các yếu tố quản trị điều hành như bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ, kiểm soát tham nhũng và đảm bảo thực thi hợp đồng…

Lý do là các nhà đầu tư công nghệ cao quan ngại nhiều hơn đến chất lượng lao động và chất lượng cơ sở hạ tầng bởi nhiều hơn các nhà đầu tư sản xuất trung bình.

“Các doanh nghiệp FDI dù lãi hay lỗ nhìn chung không cho là do tác động chính sách hay lao động tại Việt Nam. Phần lớn họ nghĩ môi trường chính sách hiện nay không hỗ trợ họ đạt được thành công”, Edmund Malesky nhấn mạnh.

theo vneconomy