Thu hút 17 tỷ USD cam kết đầu tư, Hà Nội đã chứng tỏ những cải cách mạnh mẽ

ANTD.VN - Với hơn 17 tỷ USD cam kết đầu tư tại hội nghị “Hà Nội 2018: Hợp tác đầu tư và Phát triển”, Hà Nội đã chứng tỏ những cải cách mạnh mẽ trong môi trường đầu tư, kinh doanh. Phóng viên Báo An ninh Thủ đô đã có cuộc trao đổi với chuyên gia kinh tế Nguyễn Minh Phong xung quanh vấn đề này.

- Thưa ông, Hà Nội vừa tổ chức thành công hội nghị “Hà Nội 2018: Hợp tác đầu tư và Phát triển” và nhận được nhiều đánh giá tích cực. Dưới góc nhìn của chuyên gia, ông đánh giá thế nào về môi trường kinh doanh của Hà Nội trong những năm gần đây?

- TS Nguyễn Minh Phong: Môi trường đầu tư của Hà Nội xét một cách tổng thể, nhất là từ góc độ quản lý Nhà nước có cải thiện hơn rất nhiều trong những năm gần đây. Điều này thể hiện rõ trong thành công về rút ngắn thời gian đăng ký thành lập doanh nghiệp, điện tử hóa trong đăng ký thành lập doanh nghiệp, thuế, hải quan… Đặc biệt, nếu tháng 8 tới Hà Nội thực hiện miễn phí thành lập và dịch vụ doanh nghiệp nữa thì quá tốt. Hà Nội sẽ đi đầu trong công tác này.

Bên cạnh đó, Hà Nội đang có phong trào lập nghiệp, khởi nghiệp mạnh mẽ hơn so với mặt bằng chung toàn quốc, những phàn nàn của doanh nghiệp đã giảm bớt. Vậy nên Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc mới nói “Hà Nội không vội được đâu” trước đây phải chuyển thành “Hà Nội không vội không xong”. Nỗ lực của chính quyền Hà Nội đã được ghi nhận và thể hiện rõ. Đây cũng là điểm nhấn trong môi trường kinh doanh của Hà Nội.

- Có thể hiểu, đội ngũ lãnh đạo của TP Hà Nội rất quyết liệt, quyết đoán trong việc cải thiện môi trường kinh doanh, thu hút đầu tư, thưa ông?

- Cán bộ lãnh đạo của thành phố đã tiếp cận các vấn đề phức tạp và có tư duy thông thoáng, tiến bộ và thể hiện quyết tâm lớn. Tất cả sự quyết tâm đó đã chuyển thành tiêu chuẩn, quy chuẩn và phân công trách nhiệm rõ ràng để cấp dưới thực hiện.

- Nhiều địa phương trên cả nước đã tổ chức các hội nghị xúc tiến đầu tư. Tuy nhiên, với hơn 17 tỷ USD cam kết đầu tư vào Hà Nội, đây có thể coi là một kỷ lục?

- Nghị quyết 35 của Chính phủ đã quy định tất cả các địa phương phải tổ chức xúc tiến đầu tư. Hơn 17 tỷ USD đầu tư vào Hà Nội theo biên bản ghi nhớ đã ký kết cũng là con số rất ấn tượng. Kết quả này cho thấy các doanh nghiệp trong nước và quốc tế vẫn coi Hà Nội là điểm đến hấp dẫn.

- Hội nghị “Hà Nội 2018: Hợp tác đầu tư và Phát triển” nhấn mạnh vai trò của việc liên kết vùng, quan điểm của ông về vấn đề này như thế nào?

- Trong vấn đề liên kết vùng, tôi cho rằng Hà Nội nên chủ động mời gọi các địa phương khác tham gia. Hà Nội có nhiều năng lực có thể làm ở đỉnh cao. Tuy nhiên, cơ sở pháp lý Nhà nước chưa thật rõ nên liên kết vùng mới chủ yếu được nói đến trên giấy tờ hoặc một số hoạt động thăm hỏi, trao đổi kinh nghiệm… Nếu liên kết tốt, Hà Nội có nhiều thế mạnh, hỗ trợ các địa phương thì quá tốt.

- Ông có góp ý gì cho thành phố để cải thiện môi trường kinh doanh tốt hơn nữa?

- Ở góc độ quan sát cá nhân, tôi  thấy Hà Nội có 2 điều cần làm tốt hơn nữa. Một là điều kiện tiếp cận đất với doanh nghiệp. Doanh nghiệp cần được tiếp cận đất đai công khai minh bạch thông qua đấu giá, đấu thầu. Hà Nội cần làm tốt hơn nữa việc này trong xu thế đất đai ngày càng hạn hẹp và đây là một điều khó khăn.

Hai là giới công chức trung gian tính từ phòng đăng ký doanh nghiệp đến các phòng, ban bên dưới chưa có nhiều thay đổi. Sau khi thành phố ra quyết định nào đó, đội ngũ công chức trung gian này phải biến thành hành động, thành tiêu chuẩn, quy chuẩn, quy trình, quy trách nhiệm với từng vị trí công tác. Ở khâu quản lý doanh nghiệp chưa có các quy chuẩn này nghĩa là họ vẫn hoạt động theo kiểu cũ. Nếu làm tốt thì sẽ khích lệ doanh nghiệp hơn.

- Xin cảm ơn ông!