Thu hoạch hoa lợi trên đất đã bị cưỡng chế có phạm tội không?

ANTD.VN - Trần Quang A. (SN 1968) có vay của bà Đỗ Thị L. (SN 1970) số tiền 200 triệu đồng, sau khi đến thời hạn trả tiền do A. không thanh toán được nên bà L. đã làm đơn khởi kiện ra tòa án giải quyết. Khi bản án có hiệu lực thì cơ quan thi hành án tiến hành cưỡng chế đối với mảnh đất diện tích 1ha đất trồng cây điều và cà phê của Trần Quang A. 

Thu hoạch hoa lợi trên đất đã bị cưỡng chế có phạm tội không? ảnh 1

(Ảnh minh họa)

Nội dung vụ việc

Sau khi cơ quan thi hành án trưng cầu bán đấu giá mảnh đất này thì ông Đặng Thái T. (SN 1975) là người mua và đã làm thủ tục sang nhượng mảnh đất từ Trần Quang A. cho ông Đặng Thái T. Sau khi sang nhượng mảnh đất này, ông T. cho người vào chăm sóc, phát cỏ trên mảnh đất này thì bị Trần Quang A. ngăn cản, dùng lời lẽ hăm dọa không cho làm vì cho rằng không đồng ý với việc cưỡng chế, bán đất của cơ quan thi hành án. Không những vậy, Trần Quang A. còn tiến hành thu hoạch cà phê và điều trên đất này trong 2 năm liên tiếp với giá trị khoảng 60 triệu đồng. Sau đó, ông Đặng Thái T. đã làm đơn tố cáo hành vi của Trần Quang A.

Vấn đề đặt ra trong vụ việc này là hành vi của Trần Quang A. có phạm tội không, nếu có thì phạm tội gì?

Ý kiến bạn đọc

Phạm tội cưỡng đoạt tài sản 

Hành vi của Trần Quang A. trong vụ việc này đã phạm tội cưỡng đoạt tài sản theo quy định tại Điều 170, Bộ luật Hình sự. Tội cưỡng đoạt tài sản có hành vi khách quan “đe dọa sẽ dùng vũ lực…” là hành vi dọa sẽ gây thiệt hại đến sức khỏe, tính mạng trong tương lai nếu không thỏa mãn yêu cầu chiếm đoạt của người phạm tội. Khác với tội cướp tài sản đe dọa “dùng vũ lực ngay tức khắc” thì tội cưỡng đoạt tài sản là đe dọa “sẽ dùng vũ lực” tức là dùng vũ lực trong tương lai, có khoảng cách về thời gian.

Sự đe dọa này không có tính nguy hiểm như tội cướp. Trong trường hợp này Trần Quang A. đã ngăn cản, dùng lời lẽ để dọa người nhà và cả ông Đặng Thái T. để không cho vào canh tác trên đất của ông T. (theo pháp luật thì đất này thuộc về ông T.). Đồng thời A. đã thu hoa lợi trên đất trong 2 năm, do vậy hành vi của Trần Quang A. đã cấu thành tội cưỡng đoạt tài sản.

Vũ Thị Thà (Yên Mô - Ninh Bình)

Tội không chấp hành án 

Nhìn tổng thể nội dung vụ án thì hành vi của Trần Quang A. quy chung lại là không chịu giao đất cho người khác khi bản án của tòa án có hiệu lực và không đồng ý với việc cưỡng chế bán đất của cơ quan thi hành án. A. vẫn muốn giữ lại đất của mình để canh tác, sản xuất mà không chịu giao lại cho ông T. mặc dù ông Đặng Thái T. là người nhận sang nhượng đất hợp pháp. Hành vi của Trần Quang A. đã có dấu hiệu của tội không chấp hành án. Do vậy cần phải xử lý Trần Quang A. về tội không chấp hành án theo Điều 380, Bộ luật Hình sự.

         Nguyễn Thái Bình (quận Tân Bình - TP.HCM)

Vi phạm các quy định về sử dụng đất đai

Trong vụ việc này, theo phán quyết của tòa án thì mảnh đất trước đây của Trần Quang A. nay đã thuộc quyền quản lý, sử dụng của ông Đặng Thái T. chứ không phải của Trần Quang A. nữa. Việc A. ngăn cản không cho ông T. vào canh tác là dùng thủ đoạn chiếm lấy đất của người khác làm đất của mình. Điều này đã cấu thành dấu hiệu cơ bản của tội vi phạm các quy định về sử dụng đất đai theo Điều 228, Bộ luật Hình sự. Tuy nhiên nếu muốn xử lý về tội này thì phải gây hậu quả nghiêm trọng (đây là dấu hiệu bắt buộc). Nếu chưa gây hậu quả nghiêm trọng thì Trần Quang A. phải bị xử lý hành chính về hành vi này hoặc đã bị kết án về tội này chưa xóa án tích mà còn vi phạm thì mới xử lý hình sự đối với A. được.

Đinh Quốc Bình (Đông Hà - Quảng Trị)

Bình luận của luật sư

Trong vụ việc này để khẳng định Trần Quang A. có phạm tội hay không và nếu có thì phạm tội gì, trước hết cần đi sâu phân tích, làm rõ những dấu hiệu, hành vi cấu thành các tội phạm liên quan đến các quan điểm cho rằng hành vi phạm tội của Trần Quang A. đã cấu thành. Liên quan đến ý kiến cho rằng hành vi của Trần Quang A. đã cấu thành tội cưỡng đoạt tài sản theo Điều 170, Bộ luật Hình sự.

Theo chúng tôi, hành vi của Trần Quang A. không cấu thành tội này vì chưa thỏa mãn các yếu tố cấu thành tội cưỡng đoạt tài sản. Bởi lẽ: Dấu hiệu đặc trưng cơ bản của tội cưỡng đoạt tài sản là hành vi đe dọa sẽ dùng vũ lực hoặc có thủ đoạn khác uy hiếp tinh thần người khác nhằm chiếm đoạt tài sản. Nhưng hành vi của Trần Quang A. sau khi biết được cơ quan thi hành án dân sự cưỡng chế giao đất cho ông Đặng Thái T., ông T. vào chăm sóc thì Trần Quang A. mới dùng lời lẽ hăm dọa không cho ông T. làm vì cho rằng không đồng ý với việc cưỡng chế, bán đất của cơ quan thi hành án và mảnh đất này vẫn thuộc quyền sở hữu của Trần Quang A., đồng thời thu hoạch cà phê và hồ tiêu trong 2 năm.

Trong thời gian này, ông Đặng Thái T. có đủ điều kiện để đi báo chính quyền địa phương đến để can ngăn Trần Quang A., nhưng ông T. không báo mà lại để cho A. thu hoạch hoa lợi trong một thời gian dài. Như vậy hành vi của Trần Quang A. không thỏa mãn dấu hiệu khách quan của tội cưỡng đoạt tài sản nên không cấu thành tội cưỡng đoạt tài sản.

Đối với quan điểm cho rằng hành vi của Trần Quang A. có dấu hiệu của tội vi phạm các qui định về sử dụng đất đai theo Điều 228, Bộ luật Hình sự năm 2015 nhưng muốn xử lý về hình sự thì phải xử lý hành chính. Theo quan điểm của chúng tôi thì hành vi của Trần Quang A. không có dấu hiệu của tội vi phạm các qui định về sử dụng đất đai. Bỡi lẽ: Dấu hiệu về mặt khách quan của tội này là người phạm tội có hành vi lấn chiếm đất hoặc chuyển quyền sử dụng đất, sử dụng đất trái với các qui định của pháp luật về quản lý và sử dụng đất đai.

Mà hành vi lấn chiếm đất có nghĩa là lấy thêm đất liền kề với đất của mình nhằm mục đích mở rộng diện tích, còn chiếm đất là dùng thủ đoạn chiếm lấy đất của người khác làm đất của mình mà trước đó mình không hề có. Tuy nhiên trong vụ việc này, mảnh đất có diện tích 1ha trồng cây điều và cà phê trước đây là thuộc sở hữu của Trần Quang A. nên Trần Quang A. không đồng ý giao cho ông Đặng Thái T. nên mới chiếm để sản xuất và thu hoa lợi trên đất. Như vậy đối chiếu theo các dấu hiệu khách quan của tội vi phạm các qui định về sử dụng đất đai thì Trần Quang A. không thỏa mãn các dấu hiệu như đã phân tích nêu trên nên không phạm tội vi phạm các qui định về sử dụng đất đai.

Dựa trên nội dung của vụ việc, quan điểm của chúng tôi xét thấy hành vi của A. có dấu hiệu phạm vào tội không chấp hành án theo Điều 380, Bộ luật Hình sự. Theo đó dấu hiệu pháp lý đặc trưng của tội không chấp hành án là: Về chủ thể của tội phạm này, đó là những người có nghĩa vụ phải chấp hành bản án hoặc quyết định của Tòa án đã có hiệu lực pháp luật. Những người này có thể đương sự trong vụ án dân sự, người bị kết án trong vụ án hình sự… và nghĩa vụ đó được xác lập bằng bản án hoặc quyết định của tòa án.

Còn về mặt khách quan thì tội không chấp hành án thể hiện dưới dạng hành vi không chấp hành bản án, quyết định của tòa án đã có hiệu lực pháp luật. Các hành vi này thường được thể hiện ở dạng không hành động như: không bồi thường cho người bị thiệt hại; không giao lại nhà, tài sản chiếm giữ trái phép; không đóng góp phí tổn nuôi con sau ly hôn; không phân chia tài sản chung… theo quyết định của tòa án đã có hiệu lực pháp luật. Hành vi không chấp hành án được thực hiện dưới dạng hành động (như phân tán tài sản, xô xát, giằng co, chửi bới, xúc phạm danh dự của cán bộ thi hành án khi họ thực hiện cưỡng chế thi hành án…). 

Trở lại nội dung vụ án nêu trên thì hành vi của Trần Quang A. khi đã được cơ quan thi hành án dân sự làm đầy đủ các thủ tục như kê biên, định giá, bán đấu giá và cưỡng chế giao đất cho ông Đặng Thái T. là người được mua trúng đấu giá, ông T. đã làm thủ tục quyền sở hữu nhưng A. vẫn tiếp tục ngăn cản, đe dọa không chịu giao, vẫn giữ đất để sản xuất thu hoạch hoa lợi trên đất không thực hiện quyết định cưỡng chế của cơ quan thi hành án dân sự để giao đất cho ông T. Như vậy, Trần Quang A. đã không thực hiện đúng nghĩa vụ giao đất cho gia đình ông T. và đã có dấu hiệu của tội không chấp hành án.

Tuy nhiên, tại Điều 380, Bộ luật Hình sự quy định, người nào có điều kiện mà không chấp hành bản án hoặc quyết định của tòa án đã có hiệu lực pháp luật mặc dù đã bị áp dụng biện pháp cưỡng chế theo quy định của pháp luật hoặc đã bị xử phạt vi phạm hành chính hành vi này mà còn vi phạm.

Như vậy, về mặt khách quan hành vi không chấp hành bản án hoặc quyết định của tòa án chỉ bị coi là phạm tội nếu thỏa mãn cả 2 điều kiện là: “Có điều kiện thi hành án mà không chịu thi hành” và “Đã áp dụng biện pháp cưỡng chế hoặc đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi này mà còn vi phạm”. Trong vụ việc này, hành vi của Trần Quang A. trước khi xem xét xử lý hình sự cần xử lý hành chính. Nếu đã bị xử lý hành chính mà Trần Quang A. vẫn không chấp hành thì mới xử lý hình sự về tội không chấp hành án.

Luật sư Đoàn Mạnh Hùng (Văn phòng Luật sư Hùng Mạnh)