Thu hẹp dần khoảng cách

ANTĐ - Chương trình mục tiêu quốc gia việc làm và dạy nghề giai đoạn 2012-2015 đã đi qua gần nửa chặng đường, nhưng kết quả gặt hái được là quá ít ỏi so với kỳ vọng. Việc làm và dạy nghề vẫn lúng túng tìm lối thoát, nhất là trong bối cảnh kinh tế đình trệ hiện nay. Một chương trình quốc gia khá quy mô và bài bản được coi là sẽ tạo ra sự đột phá mạnh mẽ về việc làm, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực trên thị trường lao động cả nước hiện vẫn chưa thấy tín hiệu và triển vọng sáng sủa. 

Chính phủ đã đồng ý tăng cường nguồn nhân lực chất lượng cao để đáp ứng yêu cầu phát triển cơ sở dạy nghề, hỗ trợ giáo viên đi học và nghiên cứu tại nước ngoài để về nước dạy nghề; đồng thời chủ trương tiếp nhận giáo trình phù hợp với doanh nghiệp nước ngoài đầu tư tại Việt Nam. Trong một tổng kết mới được Tổ chức Lao động quốc tế công bố, giai đoạn 2002-2007, Việt Nam có mức tăng năng suất lao động hơn 5%/năm, giúp tốc độ phát triển kinh tế tăng khá nhanh. Tuy nhiên, từ năm 2007-2012 tốc độ tăng năng suất lao động giảm còn 3,3%/năm. So với một số nước láng giềng có mức thu nhập trung bình, năng suất lao động của Việt Nam chỉ bằng 1/5 của Malaysia, 2/5 của Thái Lan. Còn năng suất lao động của Singapore cao hơn Việt Nam tới 15 lần, Nhật Bản và Hàn Quốc cao hơn 11 lần.

Theo nhận định của Giám đốc Tổ chức Lao động quốc tế, nguyên nhân của thực trạng này là xuất phát từ giáo dục và kỹ năng. Rất nhiều công ty phải đào tạo lại lao động khi tuyển dụng lao động từ tốt nghiệp đại học hoặc trường dạy nghề. Rất nhiều doanh nghiệp kêu ca về kỹ năng của người lao động rất yếu như làm việc theo nhóm, kỹ năng tự chủ, sáng tạo. Muốn đi từ sản xuất đại trà và chi phí thấp hiện nay lên trình độ sản xuất có giá trị gia tăng cao hơn, vị chuyên gia này khuyến nghị, Việt Nam cần đào tạo đội ngũ lao động có tay nghề tốt hơn và kỹ năng cao hơn.

Để tạo bước đột phá mạnh mẽ, cần thắt chặt mối quan hệ giữa các cơ sở đào tạo và giới doanh nghiệp. Đại diện các doanh nghiệp phải thường xuyên đến gặp gỡ, trao đổi với học viên và giáo viên các trường dạy nghề. Ngược lại, họ cũng phải trở thành những thành viên của doanh nghiệp. Kinh nghiệm ở Malaysia, tại các khu công nghiệp đã thành lập trung tâm đào tạo kỹ năng dưới hình thức hợp tác công tư. Tại đây, các doanh nghiệp đa quốc gia đào tạo và hỗ trợ kỹ thuật cho lao động của các doanh nghiệp trong nước. Đây là nguồn cung lao động cho các công ty. Ở đây, Chính phủ đóng vai trò tạo điều kiện cho trung tâm đào tạo hoạt động hiệu quả vì nó có lợi cho doanh nghiệp, người lao động, vừa có lợi cho sản xuất, xuất khẩu của quốc gia. 

Nước ta đã có Luật Giáo dục và Luật Dạy nghề, song trong thực tế mỗi luật dường như đi một con đường riêng. Khoảng cách giữa giáo dục và dạy nghề ngày càng doãng rộng ra không chỉ gây khó cho nhu cầu nguồn nhân lực hiện tại mà cả cho tương lai. Sửa đổi cả hai bộ luật này chính là để thu hẹp khoảng cách, khắc phục cả kỹ năng cứng và mềm của đội ngũ lao động.