Thu gọn bộ máy nhưng hiệu quả phải cao hơn

ANTĐ - Ngày 4-1, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang, Trưởng Ban  chỉ đạo xây dựng Đề án “Tiếp tục đổi mới, hoàn thiện hệ thống chính trị từ Trung ương đến cơ sở” đã có cuộc làm việc với lãnh đạo TP Hà Nội.

Tinh gọn bộ máy chính quyền sẽ nâng cao hiệu quả công việc cũng như tạo điều kiện tốt nhất cho người dân

 (Trong ảnh: Niềm nở với người dân tại bộ phận một cửa huyện Từ Liêm, Hà Nội)

Thay mặt Ban Thường vụ Thành ủy, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Hà Nội Nguyễn Công Soái đã trình bày việc thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 (khóa X) “Về đổi mới, kiện toàn tổ chức bộ máy các cơ quan đảng, định hướng về đổi mới tổ chức bộ máy nhà nước, MTTQ và các đoàn thể chính trị - xã hội”, Nghị quyết Trung ương 5 (khóa IX) “Về đổi mới và nâng cao chất lượng hệ thống chính trị ở cơ sở xã, phường, thị trấn”.

Theo đó, chức năng, nhiệm vụ của các cơ quan chuyên môn thuộc UBND TP đã từng bước được xác định lại rõ ràng hơn, giảm được sự chồng chéo; hiệu lực, hiệu quả hoạt động chỉ đạo, quản lý của bộ máy chính quyền từ thành phố đến quận, huyện, thị xã ngày càng được nâng lên. Tuy nhiên, việc thực hiện công tác quy hoạch và bố trí cán bộ theo quy hoạch ở một số nơi còn bất cập. Việc phối hợp giữa các cơ quan, đơn vị thực hiện nhiệm vụ chuyên môn có lúc chưa thường xuyên, đồng bộ. Một số cơ quan, đơn vị trực thuộc sau hợp nhất còn cồng kềnh. Việc sáp nhập 3 Sở (Thể dục thể thao, Du lịch, Văn hóa thông tin) thành Sở VH-TT&DL không phát huy được, thậm chí làm giảm tiềm năng, thế mạnh của du lịch Thủ đô. Việc sáp nhập Ban Tôn giáo vào Sở Nội vụ cũng gây khó khăn nhất định cho công tác lãnh đạo, chỉ đạo và giải quyết vấn đề tôn giáo của thành phố...

Về thực hiện Nghị quyết Trung ương 5 (khóa IX), Hà Nội đã đạt được những thành công đáng khích lệ, tạo ra bước chuyển biến mới về chất lượng hoạt động của hệ thống chính trị ở xã, phường, thị trấn. Tuy vậy, hiệu lực quản lý của chính quyền cơ sở trên các lĩnh vực như quản lý đất đai, đô thị, trật tự xây dựng, trật tự an toàn giao thông… có việc đạt hiệu quả chưa cao. Một số cán bộ còn biểu hiện đùn đẩy, né tránh trách nhiệm hoặc buông lỏng quản lý, vi phạm kỷ luật phải xử lý gây bức xúc dư luận. 

Phát biểu kết luận cuộc làm việc, Chủ tịch nước đánh giá, nhìn tổng thể, bộ máy của TP Hà Nội đã tinh gọn hơn trước đây. Vai trò, vị trí, hiệu quả, chất lượng hoạt động đã tăng lên dù sau khi mở rộng địa giới hành chính, TP phải đối diện với khối lượng công việc khổng lồ có tính phức tạp cao hơn trước đây. Đi vào từng bộ phận cụ thể, Chủ tịch nước cho rằng, ở khối cơ quan Đảng, cơ cấu là tương đối phù hợp. Tuy vậy, TP cũng còn không ít khó khăn phải xử lý. Chẳng hạn như công tác phát triển Đảng ở doanh nghiệp ngoài quốc doanh; việc sinh hoạt Đảng ở nơi cư trú còn hình thức, hiệu quả thấp; tiêu chí đánh giá, phân loại Đảng viên, cơ sở Đảng còn có vấn đề...

Chủ tịch nước dành nhiều thời gian để nói về bộ máy tổ chức khối chính quyền, “nơi còn hàng loạt vấn đề cần phải giải đáp”. Chủ tịch nước chỉ ra một số vấn đề lớn như chế độ, chính sách đối với cán bộ, công chức còn có độ vênh; mô hình chính quyền đô thị, chính quyền nông thôn chưa rõ; việc hợp nhất, sáp nhập các sở, ngành; sự thiếu thống nhất trên bình diện quốc gia về mô hình tổ chức xã phường thị trấn và cơ cấu bên dưới; vai trò giám sát của các đoàn thể... Kiểm tra thực tế hiện nay ở cấp cơ sở cho thấy, còn rất nhiều hạn chế trong quản lý đô thị, đất đai, môi trường, giao thông...

Chủ tịch nước nhấn mạnh vấn đề biên chế của cán bộ ở cấp cơ sở. Chủ tịch nước khẳng định: “Đây là vấn đề đại sự. Hiện nay, bộ máy rất đông nhưng chưa thực sự mạnh. Nhiều xã phường có tới 300-400 cán bộ nhưng vẫn kêu thiếu. Tới đây, phải làm rõ chức năng, nhiệm vụ của từng vị trí cán bộ, không thể để chồng chéo, nhùng nhằng như giai đoạn trước đây...”. Đồng chí Trương Tấn Sang cho rằng, tinh gọn bộ máy song phải đảm bảo hiệu lực, hiệu quả hoạt động cao lên. Đồng chí cũng chỉ ra cốt lõi của vấn đề: “Số lượng biên chế phải đi đôi với trình độ, chất lượng. Hiện nay, số lượng thì ngày một phình ra trong khi đời sống lại chưa đảm bảo. Do đó, câu chuyện không thể né tránh là tiền lương cho cán bộ, công chức, viên chức. Phải làm sao để cán bộ sống được bằng tiền lương”. Chủ tịch nước lưu ý, phải tính toán kỹ lưỡng khâu kiểm tra, giám sát để giảm tiêu cực trong bộ máy, hạn chế được những cán bộ thoái hóa, biến chất, rời xa dân...