"Thu giá" hoặc "thu tiền" cũng phải đảm bảo hài hòa lợi ích các bên

ANTD.VN - Cho rằng từ “thu giá” về mặt từ ngữ chưa được sử dụng phổ biến, Trưởng Ban Dân nguyện của Ủy ban Thường vụ Quốc hội Nguyễn Thanh Hải đề nghị, nếu vẫn muốn dùng chữ “giá” thì phải dùng đầy đủ là “trạm thu giá sử dụng dịch vụ BOT do doanh nghiệp a, b, c cung cấp”…

ĐBQH Nguyễn Thanh Hải trả lời phỏng vấn báo chí bên hành lang Quốc hội sáng 24-5

Sau khi có ý kiến từ dư luận, nhiều ĐBQH cũng đã lên tiếng, trao đổi thông tin về việc đổi tên từ “thu phí” sang “thu giá” tại các trạm BOT.

Sáng nay, 24-5, tại Quốc hội, nói về vấn đề này, Trưởng Ban Dân nguyện Nguyễn Thanh Hải cho rằng, về bản chất thì nói “trạm thu giá” là đúng theo luật, còn về từ ngữ thì từ thu giá chưa từng được sử dụng.

Bà Hải phân tích, khi sử dụng dịch vụ phải trả giá liên quan tới mức độ sử dụng dịch vụ đó là tuân theo nguyên tắc thị trường. Nhưng nếu thế thì tên gọi của nó phải gọi là “trạm bán vé” hay “trạm kiểm soát vé” khi sử dụng dịch vụ BOT do doanh nghiệp cung cấp, cũng giống như đi xem phim thì phải đi mua vé.

“Tôi nghĩ nếu vẫn dùng chữ “giá” thì phải dùng đầy đủ là “trạm thu giá sử dụng dịch vụ BOT do doanh nghiệp a, b, c cung cấp”. Giá đó do doanh nghiệp điều tiết” – Trưởng Ban Dân nguyện của Ủy ban Thường vụ Quốc hội góp ý.

Theo bà Hải, do giá do doanh nghiệp điều tiết nên nếu trạm đông phương tiện qua lại thì lấy thu bù chi sẽ giảm giá giá xuống. Còn nếu trạm ít người qua lại, không đủ bù chi thì doanh nghiệp sẽ tăng giá.

“Tôi nghĩ tên gọi “thu giá” gây ra sự hiểu lầm, nghe không hợp lý với từ ngữ trước nay mình sử dụng” – bà Nguyễn Thanh Hải nói thêm.

Cũng theo bà Hải, dù “thu phí” hay “thu giá” hoặc “thu tiền” cũng cần bảo đảm hài hòa lợi ích nhà nước, nhà đầu tư và người dân. “Tới đây ta còn phải thu hút đầu tư vào con đường khác, nhà đầu tư, nhà nước và người dân cũng phải có lợi. Cần có cơ chế hài hòa” – bà Hải nhấn mạnh.