Thụ động sẽ mất cơ hội khi tham gia Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương

ANTĐ - Đó là thông điệp được đưa ra tại diễn đàn “Hiệp định TPP (Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương)  - cơ hội và thách thức phát triển ngành công nghiệp Việt Nam” diễn ra ngày 1-3. Các đại biểu tham dự diễn đàn cho rằng, cơ hội từ Hiệp định TPP sẽ vuột mất nếu chúng ta chỉ thụ động chờ đợi đối tác nước ngoài. 

Thụ động sẽ mất cơ hội khi tham gia Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương ảnh 1

Áp lực lớn từ các nước TPP đối với doanh nghiệp Việt Nam

Vừa yếu kém, vừa thụ động

Ông Nguyễn Văn Sưa - Phó chủ tịch Hiệp hội Thép Việt Nam cho biết, không chỉ riêng ngành thép mà ở nhiều ngành nghề, lĩnh vực sản xuất cơ khí, công nghiệp khác, doanh nghiệp nhỏ lẻ, yếu về nguồn tài chính, công nghệ, cùng với đó trình độ quản lý còn hạn chế. Trong bối cảnh hội nhập TPP, một khu vực thị trường rộng lớn với những điều kiện rất gắt gao về xuất xứ, chất lượng…, nếu các doanh nghiệp không tự nâng cao chất lượng sản phẩm, gắn kết với nhau để tạo ra một tập thể mạnh, đủ sức và tầm cạnh tranh với các doanh nghiệp nước ngoài thì khó giữ vững thị trường trong nước và càng khó tiến tới xuất khẩu hàng hoá. 

Theo ông Trần Hoài Nam - Giám đốc Công ty Sao Nam, hàng nước ngoài vào Việt Nam thì dễ, nhưng hàng Việt Nam ra nước ngoài rất khó. Nếu không có trung gian thì không thâm nhập được thị trường nước ngoài. “Vì vậy, Nhà nước cần xây dựng chính sách, mở doanh nghiệp ở nước ngoài để doanh nghiệp Việt Nam cọ sát với thị trường; cập nhật thông tin thường xuyên giúp doanh nghiệp trong nước hiểu thêm về thị trường nước ngoài”- ông Trần Hoài Nam kiến nghị.

Cũng theo đại diện doanh nghiệp này, nếu doanh nghiệp Việt Nam không nâng cao chất lượng hàng hóa, chứng minh được nguồn gốc xuất xứ rõ ràng, thỏa mãn điều kiện nhập khẩu và linh hoạt trong hình thức bán hàng mà chỉ thụ động ngồi chờ nhà buôn nước ngoài vào mua hàng thì rủi ro doanh nghiệp Việt Nam phải chịu, còn lợi nhuận doanh nghiệp nước ngoài sẽ hưởng. 

Trên thực tế, sự yếu kém của ngành công nghiệp Việt Nam đã được nhắc đến nhiều lần. Chẳng hạn như ở ngành công nghiệp ôtô, chính sách ưu đãi phát triển đã có nhiều năm nhưng chỉ tiêu về tỷ lệ nội địa hóa đã không hoàn thành mục tiêu đề ra.

Với lộ trình cắt giảm thuế quan, đến năm 2018, sản phẩm ôtô nhập khẩu từ các quốc gia thành viên ASEAN và ASEAN + 3 (gồm Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản) sẽ giảm xuống mức 5% và 0%, ngành công nghiệp ôtô Việt Nam sẽ chịu áp lực cạnh tranh lớn, chưa kể đến việc bước chân vào thị trường rộng lớn với những cường quốc như TPP.

Thứ trưởng Bộ Công Thương Trần Quốc Khánh nhận định, khi tham gia TPP, nhiều doanh nghiệp trong lĩnh vực công nghiệp có quy mô nhỏ sẽ bị loại khỏi cuộc chơi.

“Bắt tay” để trưởng thành

Tiến sĩ Võ Trí Thành - nguyên Phó viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) cho rằng, để cạnh tranh, tồn tại và phát triển trong TPP, doanh nghiệp Việt Nam cần kết nối và học hỏi. “Có một điều đáng buồn là chúng ta có cách nhìn rất đối nghịch giữa doanh nghiệp FDI và doanh nghiệp trong nước. Cạnh tranh là có, chiến đấu là có, nhưng dù yêu, dù ghét cũng phải bắt tay để học hỏi, kết nối, bởi họ là mạng, chuỗi, là công nghệ mới, tiêu chuẩn mới.

Chúng ta không thể tách họ ra. Có phê phán hay nhìn họ với ánh mắt không thiện cảm cũng phải bắt tay họ. Cái bắt tay chưa chắc đã đem lại thành công, nhưng không bắt tay chắc chắn không thành công” - ông Võ Trí Thành nói. Vị chuyên gia này  cho rằng,  doanh nghiệp Việt Nam cũng cần giải quyết nhóm vấn đề của doanh nghiệp tư nhân, cải thiện môi trường kinh doanh, đặc biệt là giảm bớt thuế, phí để doanh nghiệp không bị nhỏ dần trong hội nhập. 

Theo Thứ trưởng Trần Quốc Khánh, doanh nghiệp Việt Nam bên cạnh việc cần chủ động tìm hiểu về các hiệp định thì phải tiếp tục củng cố, đào tạo, nâng cao trình độ và tay nghề đội ngũ nhân lực. Về dài hạn, các doanh nghiệp trong nước cần bám sát lộ trình và các quy định về mở cửa thị trường của Hiệp định TPP nhằm xây dựng kế hoạch đầu tư, sản xuất hiệu quả, nâng cao năng lực cạnh tranh cũng như tận dụng được cơ hội tham gia chuỗi cung ứng trong khu vực.