Thủ đoạn lừa đảo ngân hàng tinh vi

ANTD.VN - Ngày 9-1, TAND TP Hà Nội mở phiên tòa xét xử sơ thẩm các bị cáo Nguyễn Mạnh Hùng; Nguyễn Thị Thanh Xuân và Đào Thị Liên, bị Viện KSND TP Hà Nội truy tố về tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”.

Các bị cáo tại phiên xử diễn ra ngày 9-1

Theo cáo buộc của Viện KSND TP Hà Nội, năm 2003, Công ty TNHH cơ khí Mạnh Hùng (viết tắt là Cty Mạnh Hùng) được thành lập gồm 2 cổ đông là nguyễn Mạnh Hùng (SN 1973, ở tổ 22, phường Thanh Trì, quận Hoàng Mai, Hà Nội) và Nguyễn Mạnh Hồng (SN 1975, em trai Hùng), trong đó Hùng giữ vai trò là Giám đốc.

Công ty kinh doanh theo mô hình thuê nhân công thị trường, hoạt động không có Kế toán trưởng, Thủ kho, Thủ quỹ. Công ty có 3 kho hàng hóa.

Năm 2010, Hùng thành lập thêm 2 công ty là Công ty TNHH cơ - kim khí Việt Nam (Cty cơ - kim khí) do Đào Thị Liên (SN 1974, ở phường Nguyễn Du, TP. Nam Định, tỉnh Nam Định) là Giám đốc, kiêm  kế toán và và Công ty cổ phần chế tạo thiết bị môi trường (Cty CTTB môi trường) do Nguyễn Thị Thanh Xuân (SN 1981, ở tổ 22, phường Thanh Trì, em gái Hùng) làm Chủ tịch Hội đồng quản trị (HĐQT).

Sau đó, Hùng sử dụng tư cách 2 pháp nhân trên để đăng ký con dấu, in hóa đơn giá trị gia tăng, mở tài khoản tại các ngân hàng. Thực tế, Cty cơ kim khí và Cty CTTB môi trường không có việc góp vốn, không có hoạt động kinh doanh, không có hàng hóa.

Trong thời gian từ tháng 9-2011 đến tháng 1-2012, Nguyễn Mạnh Hùng đã sử dụng tư cách pháp nhân của 3 công ty trên lập hồ sơ khống vay vốn từ các ngân hàng như Ngân hàng TMCP Bảo Việt (BaoViet Bank), Ngân hàng TMCP Nam Á (NamA Bank), Ngân hàng TMCP phát triển TP. HCM (HD Bank) với số tiền lên tới hơn 31 tỷ đồng.

Qua điều tra cho thấy, mọi hoạt động ký kết hợp đồng kinh tế đều do Hùng đứng ra điều hành và quản lý con dấu. Trong quá trình hoạt động sản xuất kinh doanh, Hùng trực tiếp đứng ra lập hồ sơ vay vốn và tự hợp thức hóa bằng các hợp đồng kinh tế mua, bán inox giữa Cty Mạnh Hùng và Cty cơ kim khí và Cty CTTB môi trường do Hùng tự soạn thảo.

Hùng sử dụng các mẫu chữ ký của Đào Thị Liên và Nguyễn Thị Thanh Xuân được khắc sẵn, đóng vào các hợp đồng. Hùng cũng chỉ đạo Liên và Xuân ký khống trên các hóa đơn mua bán hàng.

Để có hàng hóa làm tài sản thế chấp, Hùng thuê nhân công lao động thời vụ làm ra 90 cuộn thép không gỉ (inox) dạng cuộn nguyên đai, nguyên kiện (mới 100%), nhưng bên trong là bê tông đúc, bên ngoài được bọc thép đóng đai, đóng kiện. Hùng tự in tem xuất - nhập khẩu có ghi thông số và dán lên các cục bê tông giả thép không gỉ, chứa ở kho của Cty Mạnh Hùng thể hiện việc mua bán.

Sau khi qua khâu thẩm định của các ngân hàng, lập biên bản bàn giao hàng hóa giữa 3 bên là Cty Mạnh Hùng - Công  ty bảo vệ - Ngân hàng, các ngân hàng giải ngân vào 2 công ty thụ hưởng là Cty cơ - kim khí và Cty CTTB môi trường, Hùng liền sử dụng các dấu khắc sẵn và chuyển cho Liên, Xuân ký để rút tiền.

Ngoài ra, Hùng cũng ký hợp đồng mua bán thép không gỉ với một số công ty khác như Công ty TNHH công nghiệp và thương mại Quyết Thắng, Công ty cổ phần cơ khí thương mại Đại Việt. Với thủ đoạn trên, từ năm 2011 - 2012, các ngân hàng đã giải ngân cho Hùng số tiền hơn 31 tỷ đồng. Trong đó, BaoViet Bank là hơn 19,9 tỷ đồng; NamA Bank hơn 7,6 tỷ đồng và HD Bank là hơn 3,4 tỷ đồng.

Theo dự kiến, phiên tòa diễn ra trong một ngày. Tuy nhiên, sau khi đưa vụ án ra xét xử, chiều 9-1, HĐXX tạm nghỉ ở phần xét hỏi và 8h30 ngày 10-1, tiếp tục làm việc.