Thủ đô tí hon Malé - thiên đường giữa đại dương

ANTD.VN - Sau chừng 15 phút lênh đênh trên đại dương, Malé hiện ra xinh xắn như một thị trấn ven biển với hàng trăm thuyền bè neo đậu. Một trong những thủ đô tí hon nhất thế giới, với diện tích cả thủ đô rộng không bằng một khu phố. 

Malé là một trong những thủ đô tí hon nhất thế giới, với diện tích rộng không bằng một khu phố 

Bác thổ dân đứng tuổi tên Ahmed đã đứng chờ sẵn trên bờ, chẳng ngại chi mặt trời đang xối gần đứng đỉnh đầu. Mới đầu, vì còn chưa biết độ tí xíu của thành phố này nên tôi ngạc nhiên hỏi xe đâu, bụng cứ đinh ninh sẽ có một xe 24 chỗ đậu sẵn sàng ngoài bến. Bác guide bản địa cũng ngạc nhiên không kém bảo ta đi bộ thôi chứ. Đi bộ ư, mà trời nắng chang chang thế kia? Nhưng chỉ vài phút sau, tôi hiểu chẳng có chiếc xe 24 chỗ nào có thể len lỏi trên hòn đảo chật chội này. 

Đi dạo “đại lộ” về đêm

Ahmed bắt đầu dẫn bầu đoàn thê tử đi hàng một trên con phố chính của đảo. Nếu như thường, chả cần tới Paris hay New York mà chỉ là Bangkok, Phnom Penh thôi thì con phố này cũng sẽ phải là một đại lộ thênh thang gần chục làn đường với cổng chào, tượng đài, vòng xoay, vì ở cuối đường ấy có Tòa Quốc hội, Dinh Tổng thống và Bộ Hồi giáo.

Nhưng trong thành phố bé tí tẹo như chơi đồ hàng này, đường chính cũng chỉ hon hon bằng ngõ Hạ Hồi và vỉa hè thì rộng chưa đầy mét. Đi dạo “đại lộ” về đêm, các đôi đừng hòng mà khoác tay nhau tình tứ tản bộ, cứ gọi là xếp hàng một mới đủ chỗ, mà còn phải đi nhanh lên cho người khác còn đi, ề à trên vỉa hè là tắc hết cả đường. Tắc một chỗ thì cả thủ đô tắc, biết chưa. 

Cả hòn đảo có 5,8km2 thôi mà gần 200.000 người đổ về sinh sống (chiếm gần nửa dân số cả quốc gia), khiến mật độ dân cư của Maldives đông thứ 11 thế giới, cũng chỉ xếp sau mấy quốc gia li ti khác là Monaco, Gibraltar, Malta, Bermude, và nếu xét về mật độ thủ đô có lẽ chăng là đông nhất thế giới. Ấy thế nên vừa đặt chân lên đảo là tôi rơi vào một vùng nắng chói chang và nườm nượp người qua lại.

Có lẽ chỉ duy nhất khúc đường “hành chính” này là vắng vẻ, vì phàm ngoài khách du lịch và lính cảnh vệ ra chẳng ai có việc gì phải ra vào khu vực sang trọng này.  Nếu “đại lộ” Malé nhỏ xinh như một con ngõ thì tòa quốc hội cũng phải “xinh xắn” không kém. Vỉa hè quốc hội rộng một mét, hàng rào cũng cao cũng chừng ấy và bên trong mảnh sân con có chiếc xe hơi đang đậu cạnh vài cây dừa tí hon. Nhà quốc hội của Cộng hòa Maldives còn bé xinh hơn cả văn phòng ủy ban nhân dân quận Cầu Giấy chỗ tôi ở. 

Đi thêm ít mét sẽ đến Dinh Tổng thống, con đường nới rộng đôi chút để trông ra một vườn hoa bé xinh với vài chiếc taxi đang kiên nhẫn đón khách. Dinh, tất nhiên cũng phải tương ứng với tỉ lệ của thành phố, nó mà to như Phủ Chủ tịch, Điện Kremlin hay Nhà Trắng thì sẽ thành gã khổng lồ bước chân lên đất của người tí hon. Dinh của ngài Abdulla Yameen nhỉnh hơn cư xá của một đại sứ chút đỉnh, với hai hàng cột thấp nạm đá xanh vàng tươi vui rực rỡ.

Xế bên đường là giáo đường cổ, cũng nhỏ xíu như thế với khu mộ của hoàng gia trong vườn. Nếu như những ngôi mộ vua chúa của triều đại Silla ở kinh đô cổ Gyeongju, Hàn Quốc khiến tôi giật mình vì nó được đắp to như một quả đồi thì mộ Sultan Ibrahim Iskandhar I (trị vì vương quốc từ năm 1648 đến 1687 và đã xây dựng giáo đường này vào năm 1658) lại khiêm tốn như bất kỳ một thường dân nào, trong một lăng mộ tí hon xây hình ngôi nhà.  

Thoạt đầu tôi không chắc Cộng hòa Maldives có các bộ tương ứng với các quốc gia khác không nhưng hóa ra cũng đầy đủ cả trên hòn đảo dài 2km. 16 bộ tất cả, Bộ Môi trường và Năng Lượng, Bộ Nông - Ngư nghiệp, Bộ Nhà ở và Cơ sở hạ tầng, Bộ Phát triển Kinh tế, Bộ Tài chính và Ngân sách, Bộ Giao thông và Truyền thông, Bộ Thanh niên và Thể thao… Đặc biệt đảo quốc còn có một bộ rất đặc biệt là Bộ Hồi giáo, và trong 6 trường đại học có thêm Đại học Hồi giáo. Tòa nhà của Bộ Hồi giáo kia, nối liền một trục với Dinh Tổng thống, một công trình tạm gọi là hoành tráng so với đảo. Khoảng không “thênh thang” trước bộ (cùng một tòa với trung tâm Hồi giáo quốc gia) có thể được coi như một quảng trường. 

Trên đường về tôi nhìn thấy một tòa nhà khác, trông có vẻ bệ vệ và kín đáo.

- Bộ Quốc phòng đấy - Ahmed bảo.

- Ôi dào, đất nước các anh thì cần gì đến Bộ Quốc phòng. 

Tôi nhăn mặt thốt lên khiến Ahmed bật cười. Trong suốt những ngày di chuyển từ đảo này qua đảo khác ở “thiên đường du lịch”, càng lúc tôi càng thấy cuộc sống giữa lòng đại dương thật ngộ nghĩnh và dễ thương, bụng còn tự nghĩ liệu họ có cần đến cảnh sát và quân đội không nữa. 

Mắc kẹt trong đám đông ở khu vực chợ cá Ahmed chẳng biết Việt Nam là nước nào, còn chưa nghe tên bao giờ. Câu duy nhất mà anh tò mò hỏi tôi là thu nhập trung bình của người Việt Nam được bao nhiêu một tháng. Người Maldives cũng có vẻ vội vã trong mưu sinh chứ không nhàn tản mấy khi. Khắp nơi tôi chẳng thấy ai được ngồi cà phê mà thanh thản ngắm Ấn Độ Dương qua cửa sổ rực nắng.

Thảy đều cuống quýt và bận rộn. Chủ yếu họ sử dụng xe máy để lọt qua những con hẻm chằng chịt. Đông dân nhưng Malé không có mấy nhà chung cư. Các cư xá đều chỉ vài ba tầng và ken kít mọi mét đất có thể. Sát giờ cơm trưa, dường như mọi con đường đều dẫn đến… chợ cá. Người Maldives phải nhập khẩu thịt nhưng cá biển thì ê hề trong kho báu vô tận trời cho. 

Không có những loài sinh vật biển kỳ dị như chợ cá ở Busan, chợ cá Malé nhỏ hơn và ít loài, không thấy bạch tuộc, tôm, cua, sò, hàu mà chủ yếu vẫn là cá. Những thân cá ngừ khổng lồ nằm phơi mình trong khay, chen giữa lũ cá hanh đỏ, cá nhồng và cá mú. Cá được xẻ thành từng khúc tươi rói đỏ hồng hứa hẹn một đĩa cá nướng ngọt lịm trên bàn ăn tối. Một chàng trai chở cô gái trang điểm cầu kỳ ngồi yên sau xe máy. Họ đang mắc kẹt trong đám đông ở khu vực chợ cá. Mãi tôi mới bắt gặp một cô gái trẻ suốt từ lúc lên đảo. Chúng tôi nhìn nhau chăm  chăm vài giây vẻ tò mò.

Nam thanh nữ tú trên đảo tối thứ bảy đi chơi đâu nhỉ? Ừ thì họ hẹn hò trong rạp Schwack với phòng chiếu tí hon hơn trăm chỗ ngồi. Họ sẽ đi dạo trong công viên Sultan nhỏ bé. Đôi nào muốn vừa đi dạo vừa cãi nhau thì ắt đi hết trăm vòng quanh thủ đô mới ngã ngũ “kẻ thắng người thua”, và rồi sẽ kết thúc bằng một nụ hôn làm lành ở quảng trường lộng gió trước tòa nhà Shaheedh Hussain Adam. Trong một đô thị nhỏ nhắn nhường này, người ta chắc không dám làm điều gì khuất tất, bởi đại dương bao quanh sẽ nhìn thấy hết và vì thế chẳng thể nào mà giấu đi đâu được. 

Nhà văn Di Li 

Resort ở Madives đích thị là chốn thiên đường

Văn hóa nghệ thuật ở Maldives dường như ít phát triển. Đây là điều phổ biến ở các quốc gia đạo Hồi khiến cho đời sống Maldives càng trở nên nhàm tẻ và chật chội. Không mua sắm, thời trang. Không âm nhạc, vũ trường. Không sân khấu, kịch nghệ. Không triển lãm, hội họa. Không cà phê, ăn vặt. Không phim trường, studio. Nếu có vài quán bar nghèo nàn về ý tưởng ở Malé thì cũng chỉ có thể tìm thấy khách du lịch ở đó. 

Trong khoảnh khắc hình dung cuộc sống trên đảo, tôi chợt thấy nỗi tù túng bủa vây và nom mình mới thực may mắn làm sao. Tôi bỗng nhớ quá những dặm dài ngút mắt trên các bóng đường bất tận tỏa khắp Hà Giang, Mộc Châu, Sa Pa, Phú Yên, Đà Lạt, Bạc Liêu, Châu Đốc, Đồng Tháp và tuốt xuống tận mũi Cà Mau. Mà chí ít thì cũng làm một cuốc xe máy ghé Đường Lâm, Ba Vì. Làm sao tôi có thể sống nổi trên diện tích chưa đầy 6 cây số vuông.

Chiều dài 2 kilomet sẽ bó đời tôi lại. Ở nơi này, hễ cứ muốn đi đâu xa hơn vài cây số, người ta sẽ phải ra bến cảng, trèo lên phà rồi mất từ nửa tiếng tới vài tiếng vượt biển để la cà sang những hòn đảo khác. Nhưng dịch chuyển cũng đâu có gì khả dĩ, bởi Malé đã là nơi phồn vinh và sầm uất nhất của quần đảo rồi. Sang tới Hulhumalé, Maafushi và càng đi xa nữa thì thậm chí nỗi đơn điệu và cảm giác bó giò càng thít chặt. 

Tôi biết nhiều cô gái đồng hương sang Maldives sinh sống tới mấy năm trời nhưng hơn nghìn ngày không biết gì hơn ngoài cát trắng và nước biển. Họ nhận được hợp đồng làm việc ở một resort nào đó trên đại dương, tức không gian của họ sẽ thu hẹp trong thế giới rộng dài chừng cây số. Họ cũng chẳng có việc gì phải đi ra khỏi đảo và khi kết thúc hợp đồng thì mua vé máy bay thẳng về nước, không buồn ghé qua Malé, nơi có lẽ đã nghe đồn không có cả một plaza lớn để giải trí.

Cuộc sống kiểu Robinson vẫn thu hút hàng vạn nhân công từ các quốc gia đang phát triển đến đóng góp nhân lực cho ngành công nghiệp du lịch của Maldives. Cả thế giới đổ tới nơi thiên đường này để du hí, nhưng xem ra ngoài resort, Maldives chẳng còn gì. Người ta đến đây chỉ vì biển. Ừ nhưng thế cũng có nghĩa - resort ở Madives đích thị là chốn thiên đường.