“Thủ đô Hà Nội phải làm gương cho cả nước trong công tác chống buôn lậu”

ANTĐ - Đó là chỉ đạo của Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc tại buổi làm việc với UBND TP Hà Nội sáng 14-8 về công tác chống buôn lậu, gian lận thương mại và an toàn giao thông.

Một vụ buôn lậu thực phẩm bị Công an Hà Nội phát hiện, xử lý tháng 8-2014

Giảm ùn tắc và tai nạn giao thông

Đánh giá về tình hình an toàn giao thông trên địa bàn thành phố Hà Nội, Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc biểu dương: “Giao thông ở Hà Nội có tiến bộ rõ rệt. Ùn tắc giao thông giảm hẳn, chỉ còn xảy ra ở một vài nút giao thông, khác hẳn 4-5 năm trước”. 

Theo báo cáo của UBND TP Hà Nội về tình hình an toàn giao thông trên địa bàn, tính đến hết ngày 15-7, toàn thành phố xảy ra 1.107 vụ tai nạn, làm chết 339 người, bị thương 1.016 người. So với cùng kỳ năm 2013, giảm 148 vụ bằng 11,7%, giảm 34 người chết bằng 9,2%, giảm 11 người bị thương bằng 1,1%. Đây là kết quả đáng khích lệ. 

Phát biểu tại buổi làm việc, Thiếu tướng Nguyễn Đức Chung - Ủy viên Ban thường vụ Thành ủy, Giám đốc Công an thành phố Hà Nội cho biết, 6 tháng đầu năm 2014, tình hình an toàn giao thông trên địa bàn thành phố có  nhiều điểm tiến bộ rõ rệt chẳng hạn như số người tham gia giao thông đội mũ bảo hiểm tăng và số người tham gia giao thông đi đúng làn đường cũng đông hơn. Tuy nhiên, ý thức của người tham gia giao thông vẫn còn hạn chế nên có tình trạng người điều khiển xe máy đi trên vỉa hè; lái xe taxi phóng nhanh vượt ẩu, tranh giành khách dẫn đến mất an toàn giao thông. Ngoài ra, số vụ tai nạn giao thông trong nội thành giảm rõ rệt, nhưng ở các huyện ngoại thành: Chương Mỹ, Sóc Sơn, Gia Lâm lại tăng mặc dù tại 298 nút giao cắt tại thôn, làng đã được làm gờ giảm tốc. 

Theo ông Khuất Việt Hùng- Phó Chủ nhiệm Ủy ban An toàn giao thông quốc gia, trong 7 tháng đầu năm 2014, số người chết do tai nạn giao thông giảm gần 10% chứng tỏ sự nỗ lực của CATP Hà Nội và các lực lượng liên quan trong công tác này. 

Xuất phát từ thực trạng trên, Thiếu tướng Nguyễn Đức Chung đề xuất, tới đây sẽ phối hợp với Sở GTVT, Sở VH-TT&DL tập huấn cho hơn 17.000 lái xe taxi về ý thức chấp hành Luật Giao thông, thái độ lịch sự với khách hàng, kết hợp với gắn phù hiệu cho xe taxi. Bên cạnh đó, sẽ lắp camera theo dõi các phương tiện tham gia giao thông, thí điểm là xe ô tô về việc thực hiện quy định đi đúng làn đường. Xe nào vi phạm, đi lấn đường, sai làn nhiều lần sẽ có hình thức xử phạt thích hợp, nhằm tăng cường ý thức của người tham gia giao thông. Hai phương án trên đều nhận được sự đồng thuận, nhất trí cao của các đại biểu tham dự. 

Không bao che, dung túng cho hành vi buôn lậu

Theo Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, nếu Hà Nội chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả có hiệu quả sẽ góp phần làm tăng hiệu quả của công tác này trên cả nước vì Hà Nội là thị trường rất lớn. Tại địa bàn Hà Nội, trên nhiều tuyến phố, chợ, trung tâm thương mại còn có nhiều hàng lậu, hàng giả được buôn bán, tiêu thụ. 

Thiếu tướng Nguyễn Đức Chung cho hay, Hà Nội vừa là nơi sản xuất, vừa là nơi trung chuyển của hàng lậu, hàng giả. Hàng lậu được đưa vào Hà Nội tiêu thụ hoặc vận chuyển tiếp vào phía Nam qua 5 tuyến: Quảng Ninh - Hà Nội; Lạng Sơn - Hà Nội; Cao Bằng - Hà Nội; Lào Cai - Hà Nội. Cùng với đó, rau quả, hàng hóa từ Thái Lan, qua miền Trung về Hà Nội tiêu thụ bằng nhiều con đường, trong đó đáng chú ý là việc vận chuyển hàng lậu thông qua các công ty chuyển phát nhanh. Tuy nhiên, do nắm được thủ đoạn của các đối tượng buôn lậu nên từ đầu năm đến nay,  CATP Hà Nội đã phối hợp với các lực lượng tiến hành nhiều biện pháp ngăn chặn. Từ đầu tháng 7-2014, CATP Hà Nội đã có kế hoạch chống hàng lậu, gian lận thương mại tại chợ Đồng Xuân và Ninh Hiệp - hai chợ đầu mối tập trung nhiều hàng hóa nhập lậu, không có nguồn gốc giấy tờ trên địa bàn. Dự báo từ nay đến cuối năm, tình hình buôn lậu và gian lận thương mại trên địa bàn vẫn diễn biến phức tạp ở tất cả các nhóm hàng hóa, đòi hỏi sự nỗ lực cao của các lực lượng. Nhằm tăng cường hiệu quả của công tác này, Thiếu tướng 

Nguyễn Đức Chung đề xuất nên tổ chức đấu giá sớm hàng hóa tịch thu được để vừa đảm bảo giá trị hàng hóa, vừa đỡ tốn kém cho công tác bảo quản. Bên cạnh đó, cần quản chặt doanh nghiệp qua hóa đơn đầu vào, đầu ra để phát hiện vi phạm kịp thời. 

Tán thành ý kiến trên, Trung tướng Nguyễn Tiến Lực- Phó Tổng cục trưởng, Tổng cục Cảnh sát phòng, chống tội phạm (Bộ Công an) cho rằng cần có thêm sự phối hợp giữa các địa phương vì buôn lậu diễn ra trên toàn tuyến, riêng một địa phương khó mà giải quyết được. Bên cạnh đó, cần tăng cường hoạt động của lực lượng chức năng ở cơ sở. 

Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh: “Không được bao che, dung túng cho vi phạm và Hà Nội cần phát động toàn dân tham gia công tác này. Nếu phát hiện vi phạm cần xử lý nghiêm”.

Tiếp thu ý kiến chỉ đạo của Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Thế Thảo khẳng định Hà Nội sẽ quyết tâm hơn nữa trong công tác chống buôn lậu, gian lận thương mại và an toàn giao thông để làm gương cho cả nước.