"Thủ đô bạo lực" ở Guatemala

ANTĐ - Tình trạng bạo lực đang diễn ra tràn lan ở Guatemala. Đây là quốc gia nguy hiểm thứ 8 trên thế giới với 19 người bị giết hại mỗi ngày. Bên cạnh đó, tình trạng buôn bán vũ khí, ma túy cũng đang ở mức báo động cao.

"Thủ đô bạo lực" ở Guatemala ảnh 1Một người đàn ông bật khóc khi nhìn thấy thi thể của anh trai bị thành viên băng đảng giết hại

Cứ 90 phút có 1 người thiệt mạng 

Guatemala City là một trong 26 thành phố nguy hiểm nhất thế giới. Tính trung bình, 90 phút trôi qua bằng quãng thời gian của một trận bóng đá có một người bị sát hại vì bạo lực. Saul Martinez, nhiếp ảnh gia nổi tiếng sinh ra ở Guatemala, lớn lên và thành danh ở Long Island, New York đã thực hiện bộ ảnh về tình trạng bạo lực ở Guatemala gây ấn tượng mạnh với cộng đồng quốc tế. Dường như, bạo lực đã trở thành một phần quen thuộc của Guatemala City và nhiều người dân, trong đó có cả trẻ em không cảm thấy sợ hãi khi nhìn thấy xác chết hay súng đạn.

Một bức ảnh chụp lại hình ảnh cậu bé liếc nhìn về phía xác chết của người phụ nữ trẻ. Đôi giày cao gót của cô thò ra dưới tấm che thi thể màu xanh, xung quanh vẫn còn loang lổ vết máu. Tuy nhiên, những hình ảnh đó không làm cậu bé cảm thấy sợ hãi. Tấm hình khác ghi lại cảnh một cặp vợ chồng trẻ tay trong tay đi trên phố, trong khi đó, ở góc xa, cảnh sát đang khám nghiệm hiện trường vụ giết người, cắt đầu phi tang. Một người đàn ông với đôi bàn tay đầy máu, khóc nức nở sau khi nhìn thấy xác chết của anh trai mình - một tài xế xe buýt bị thành viên băng đảng giết hại. Một cặp vợ chồng ôm nhau khóc khi nhìn thấy thi thể con trai bị sát hại vì gia đình không trả tiền chuộc theo yêu cầu của các băng đảng.

Nhiếp ảnh gia Saul Martinez cho biết, hiện trường vụ giết người đã trở nên quá quen thuộc với người dân ở Guatemala City. “Họ coi đó như một “show” diễn đáng xem. Họ tụ tập rất đông quanh hiện trường để theo dõi quá trình điều tra của cảnh sát. Trong quá trình tác nghiệp, những hình ảnh thi thể bị mất các bộ phận cơ thể đã ám ảnh tôi. Những người dân thường đã bị sát hại bởi các băng đảng”, Saul Martinez nói. Tôi đã nói chuyện với một thành viên băng đảng và anh ta nói rằng, không ai muốn giết người nhưng nếu không trở thành thành viên của băng đảng thì bản thân cũng như gia đình sẽ bị giết hại. 

“Khi bạn bật tivi vào buổi sáng, bạn sẽ thấy ngay những thông tin về tội phạm. Mọi thứ trở nên bình thường vì tình trạng bạo lực diễn ra quá thường xuyên. Đã có lần, tôi yêu cầu những đứa trẻ tránh xa khu vực hiện trường có xác chết nhưng chúng nói rằng, chúng không sợ vì thường xuyên nhìn thấy cảnh tượng bạo lực tương tự”, Martinez nói.

Các băng đảng tội phạm hoành hành

Nhiếp ảnh gia Martinez cho biết, ở Guatemala City đang xuất hiện nhiều vụ dùng súng uy hiếp để cướp ĐTDĐ trên đường phố và bản thân Martinez cũng bị cướp điện thoại hai lần.

Guatemala là quốc gia nguy hiểm thứ 8 trên thế giới tính trên số liệu về vụ giết người. Trong năm 2014, đã có 6.072 vụ giết người xảy ra. Số người “biến mất” tăng 207% trong 4 năm, từ 2009 - 2013.

Một trong những nguyên nhân dẫn đến tình trạng bạo lực ở Guatemala là sự hoành hành của các băng đảng tội phạm. Ủy ban Nhân quyền Guatemala cho biết, có khoảng 14.000 thành viên băng đảng hoạt động trong nước. Băng đảng lớn nhất là Mara Salvatrucha (MS-13) và Mara-18 (18th Street). Phương châm hoạt động của MS-13 là “hiếp dâm, kiểm soát, giết hại”. Các thành viên của MS-13 tiến hành xăm, kể những câu chuyện về tội ác mà họ đã thực hiện lên khắp cơ thể. MS-13 được mô tả như băng đảng đường phố bạo lực nhất ở Guatemala với “ngành nghề” hoạt động chính là buôn bán cocaine vào Mỹ, mại dâm, cướp tài sản, giết người và buôn lậu vũ khí.

MS-13 và Mara-18 là đối thủ cạnh tranh quyết liệt. Thành viên các băng đảng khi bị bắt giữ được bố trí tại các nhà tù riêng để tránh xung đột. Một số khu dân cư ở Guatemala City bị kiểm soát bởi các băng nhóm tội phạm và chúng đã xây bức tường bê tông kiên cố để ngăn cách lãnh thổ với chính quyền. Các băng đảng thường tìm kiếm, lôi kéo, ép buộc trẻ em từ 8 tuổi trở lên tham gia thực hiện các công việc như thông tin, vận chuyển hoặc thu tiền vì nếu bị bắt, các em sẽ bị xử lý nhẹ hơn. Alma, một cựu thành viên Mara-18 tiết lộ, cô phạm tội giết người lần đầu tiên khi mới 15 tuổi và sau đó quyết định rời bỏ băng đảng, quay lại cuộc sống lương thiện. Tuy nhiên, do gia đình gặp khó khăn nên Alma buộc phải quay lại băng đảng để tìm kiếm sự giúp đỡ. “Tôi cảm thấy như mình không bao giờ nhận được tình yêu từ bất cứ ai. Tôi tìm thấy tình cảm gia đình khi sống cùng các thành viên trong băng đảng. Tất cả đều giống như tôi, thiếu thốn tình yêu và sự chăm sóc của gia đình”, Alma nói. 

Tình trạng sử dụng súng ở Guatemala cũng khá phổ biến. Ước tính, khoảng 60% dân số nước này có sở hữu súng. Đây cũng là yếu tố khiến các vụ bạo lực, giết người xảy ra tràn lan ở Guatemala. Theo đánh giá của các chuyên gia an ninh, nguyên nhân dẫn đến tình trạng bạo lực ở Guatemala là do đói nghèo, thiếu kiểm soát vũ khí và thực thi pháp luật yếu. Sau cuộc nội chiến đẫm máu kéo dài 36 năm, ½ số dân Guatemala (tổng số hiện có 8 triệu dân) sống trong nghèo đói.