Thu đầu mối nhưng bộ máy Nhà nước vẫn cồng kềnh

ANTD.VN - Sau 5 năm cải cách tổ chức bộ máy hành chính Nhà nước, nhiều đầu mối đã được thu gọn nhưng tình trạng “bộ trong bộ” lại có xu hướng gia tăng.

Ủy ban Thường vụ Quốc hội vừa cho ý kiến vào báo cáo Kết quả giám sát việc thực hiện chính sách, pháp luật về cải cách tổ chức bộ máy hành chính Nhà nước giai đoạn 2011 - 2016. Báo cáo chỉ ra một thực trạng đáng lo ngại, đó là dù đã có nhiều nỗ lực tinh giản song bộ máy Nhà nước vẫn đang phình to.

“Bóp ở trên, dưới lại phình ra”

Qua làm việc với 15 bộ, ngành Trung ương và trực tiếp giám sát tại 15 tỉnh, thành phố, Đoàn giám sát tối cao của Quốc hội chỉ ra, kết quả thực hiện chính sách tinh giản biên chế còn rất hạn chế. Tổ chức bộ máy các cơ quan hành chính Nhà nước vẫn cồng kềnh, một số cơ quan chức năng quyền hạn còn trùng lặp, chồng chéo, thiếu hợp lý. 

Số đầu mối đơn vị hành chính tăng lên, xu hướng nâng cấp vụ lên cục diễn ra ở nhiều bộ. Thậm chí, có tình trạng thu gọn đầu mối trong các bộ nhưng lại tồn tại nhiều “bộ trong bộ”, tổng cục, cục nhiều hơn… Chính vì cơ cấu tổ chức bộ, cơ quan ngang bộ có quá nhiều đầu mối đã làm cho số lượng công chức giữ vị trí lãnh đạo quản lý từ cấp phòng trở lên rất lớn, dẫn đến mất cân đối giữa số lượng người giữ chức danh lãnh đạo, quản lý với số công chức tham mưu. 

Bộ trưởng Bộ Nội vụ Lê Vĩnh Tân cũng cho rằng, bộ máy hành chính Nhà nước hiện vẫn còn cồng kềnh. Thực tế, số đầu mối ở các cơ quan quản lý không tăng nhiều nhưng bên trong lại tăng nhiều cục, chi cục, phòng, dẫn đến tình trạng một việc phải trải qua quá nhiều cấp hành chính cho ý kiến, thẩm định, chỉ đạo giải quyết. 

Một trong những nguyên nhân khiến tăng biên chế công chức, tăng số đầu mối trong bộ máy hành chính là do bổ sung chức năng, nhiệm vụ quản lý Nhà nước về ngành, lĩnh vực theo quy định của pháp luật chuyên ngành và việc chia tách, thành lập mới các đơn vị hành chính cấp huyện, xã.

Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Nguyễn Khắc Định chỉ ra, việc bộ máy hành chính Nhà nước vẫn đang phình ra do yêu cầu quản lý tăng nên đội ngũ tăng. Bên cạnh đó, có lý do không chấp hành đúng quy định, đặc biệt do trình độ cán bộ thấp nên đáng lẽ một việc chỉ giao cho một người thì phải cần tới hai người. 

Cũng về vấn đề này, ĐBQH Lê Thanh Vân, Ủy viên Thường trực Ủy ban Tài chính Ngân sách của Quốc hội - thành viên Đoàn giám sát cho rằng, việc sắp xếp lại bộ máy, tinh giản biên chế chưa được thực hiện triệt để. “Nhiều đầu mối ở các bộ ngành, địa phương được thu gọn nhưng số đơn vị trung gian được lập mới lại tăng, lại xuất hiện tình trạng “bộ trong bộ”, tức bóp trên thì dưới lại phình ra, tức mới thay đổi về hình thức tổ chức chứ chưa cấu trúc lại bộ máy theo hướng tinh giản, gọn nhẹ” - ông Lê Thanh Vân phân tích.

Phải phân cấp, phân quyền rạch ròi

ĐBQH Lê Thanh Vân cho rằng, để việc cải cách bộ máy hành chính đạt hiệu quả như kỳ vọng, cần rà soát lại chức năng nhiệm vụ của từng cơ quan trong bộ máy. “Phải cấu trúc lại bộ máy hành chính Nhà nước theo hướng khắc phục tình trạng trùng lắp về chức năng, mới tránh được sự chồng chéo giữa các cơ quan. Việc hình thành nhiều đầu mối trung gian trong bộ máy Nhà nước là do có sự chồng chéo chức năng nhiệm vụ” - ông Lê Thanh Vân nêu quan điểm.

Cũng theo một số ý kiến trong đoàn giám sát của Quốc hội, cải cách hành chính thời gian qua vẫn chưa đạt được hiệu quả như ý muốn là do phân cấp, phân quyền không rõ ràng, nhất là phân công chưa rành mạch trách nhiệm của từng cơ quan trong bộ máy. Cùng đó, nhận thức của người đứng đầu chính quyền các cấp, bộ ngành về vấn đề này chưa đầy đủ, chưa quyết liệt, thậm chí còn nể nang, làm chiếu lệ. 

ĐBQH Lê Thanh Vân nhấn mạnh, cần đề cao trách nhiệm và năng lực của người đứng đầu cơ quan trong việc sắp xếp lại bộ máy, tinh giản biên chế. Ngoài ra, phải tăng cường kiểm tra, giám sát và đổi mới công tác tuyển dụng cán bộ. “Ở bộ ngành, địa phương nào mà người đứng đầu có bao quát được, mạnh dạn phân cấp, phân quyền rõ ràng cho cấp dưới thì ở đơn vị đó, việc cải cách hành chính sẽ được thực hiện tốt hơn” - ông Lê Thanh Vân nói.