Thú chơi tao nhã

ANTĐ - Cứ mỗi độ xuân về, người dân Việt từ Kẻ Chợ đến làng quê, ngoài việc chuẩn bị đồ ăn cho những ngày Tết “No ba ngày Tết, ấm ba tháng hè”, mọi người còn tổ chức những trò vui xuân rất phong phú, trong đó có câu đối. 

Dùng thâm ý chặn ngang họng giặc

Trong các thú vui, các cụ đã tổng kết “nhất chữ, nhì tranh, tam thạch, tứ gốm”, chơi chữ được các cụ đặt lên hàng đầu. Bên cạnh các chữ Tâm, chữ Đức, chữ Nhẫn được trân trọng, còn có một thú vui khác rất tao nhã đó là sáng tác câu đối, xin câu đối, viết câu đối. Chắc ai cũng nhớ, câu đối Tết thời xưa: “Thịt mỡ, dưa hành, câu đối đỏ. Cây nêu, tràng pháo, bánh chưng xanh”.

Dân gian còn lưu truyền câu chuyện. Năm ấy, có một cụ bà đến gặp Tam Nguyên Yên Đổ Nguyễn Khuyến để xin câu đối thờ chồng, cụ nói: “Năm hết Tết đến, con kiếm được cơi giầu đem biếu cụ, xin cụ đôi câu đối để thờ ông nhà con”. Cụ Tam Nguyên cười mà bảo rằng: “Bà vừa đọc câu đối đó thôi, đưa giấy hồng ra đây tôi viết hộ”, rồi cụ chỉ sửa câu nói trên đây của bà cụ là:

“Kiếm một cơi giầu đem cúng cụ

Xin đôi câu đối để thờ ông”.

Giang Văn Minh (1573-1638), khi đi sứ nhà Thanh, Đại thần nhà Thanh ra vế đối ngạo mạn:

“Đồng trụ chí kim đài dĩ lục”

(Cột đồng đến nay rêu đã phủ xanh).

Ý muốn nhắc lại chuyện Mã Viện chôn cột đồng ở biên giới và lời nguyền: “Đồng trụ triết, Giao Chỉ triệt”, ý nói cột đồng mà đổ gãy thì dân Giao Chỉ bị diệt vong.

Phó sứ Giang Văn Minh tức thì đáp lại: 

“Đằng Giang tự cổ huyết do hồng”

(Sông Bạch Đằng từ xưa máu còn đỏ), 

Ý nói đến thất bại của phương Bắc, mỗi lần xâm lược Đại Việt đều bị máu đỏ dòng sông.

Người Thanh vừa tức giận, vừa sợ nước Nam có người tài giỏi nên đã giết ông. Nay ở Hà Nội còn một đường phố mang tên ông.

Hồ Xuân Hương, bà chúa thơ Nôm nổi tiếng, vốn ghét sự nghênh ngang, hống hách của bọn quan lại phong kiến. Có lần bà cùng các chị em đang giặt quần áo ven hồ Tây, thấy mọi người chạy nháo nhác và võng lọng của quan đi qua. Bà đã tức cảnh mà đọc rằng:

“Võng điều ông lớn đi trên ấy

Váy đụp chị em giặt dưới này”.

Đoàn Thị Điểm (1705-1746), khi sứ nhà Thanh sang, bà được sắm vai chủ quán bán rượu, sứ Thanh vào uống, thấy quán có nhiều sách, y buông một vế đối trêu ghẹo:

“An Nam nhất thốn thổ, bất tri kỷ nhân canh”. 

(Một tấc đất An Nam không biết có mấy người cày).

Câu này có ý sàm sỡ. Bà liền đối lại: 

“Bắc Quốc chi đại phu, giai do thử đồ xuất”.

(Các đại phu Bắc Quốc đều từ ấy mà ra).

Vua Duy Tân (1900-1945), năm 12 tuổi, được mời dự tiệc ở toà Khâm Sứ Trung Kỳ, có một cố đạo Pháp thạo tiếng Việt, hiểu chữ Hán, hắn ra một vế đối để thăm dò:

“Rút ruột vua tam phân thiên hạ”.

Chữ vương là vua, bỏ nét sổ ở giữa thì thành chữ tam, ám chỉ việc Pháp chia nước ta thành ba kỳ. Duy Tân nghe xong liền ứng khẩu đọc ngay:

“Chặt đầu Tây, Tứ hải giai huynh”.

Chữ Tây nếu bỏ phần trên đầu thì thành chữ tứ. Ý nói nếu đuổi được giặc Pháp thì nước ta lại thống nhất, dân ta bốn bể đều là anh em một nhà.

Lấy tiếng cười luyện trí rèn tài

Thời đại Hồ Chí Minh, Bác Hồ cũng là người sành về câu đối. Hồi còn nhỏ, thầy Vương Thúc Quý sai trò Cung (tên hồi nhỏ của Bác) rót dầu vào đĩa đèn, Người đã sơ ý để dầu dây ra cả đế đèn, thầy liền ra một vế đối:

“Thắp đèn lên dầu vương ra đế”.

Vương và đế ở đây đều có hai nghĩa, vương là dây ra, mà còn có nghĩa là vua; đế là đế chiếc đèn mà cũng có nghĩa là hoàng đế. Trò Cung liền đứng dậy xin phép thầy được đối, rồi cậu đọc:

“Cưỡi ngựa dong, thẳng tấn lên đường”

Tấn và đường ở đây cũng có hai nghĩa, tấn là tiến mà cũng có nghĩa là nhà Tấn; đường là đường đi, nhưng còn có nghĩa là nhà Đường.

Năm 1941, hồi mới về nước xây dựng căn cứ địa, cuộc sống còn kham khổ, Bác trồng một khóm khoai môn trước cửa, ngày Tết đến, Bác ra một vế đối: “Trồng môn trước cửa”, “môn” có hai nghĩa: vừa là cây khoai môn, vừa là cửa. Đồng chí Phùng Chí Tài, lúc đó làm cận vệ của Bác đã đối lại là: “Bắt ốc sau nhà”, “ốc” cũng có hai nghĩa: vừa là con ốc, vừa có nghĩa là nhà. Bác khen chú Tài đối thế là được.

Nhân việc này, Bác dạy làm câu đối là tập ứng xử nhanh, đó là dịp để rèn luyện óc thông minh và sự nhanh trí, vốn là một trong những điều kiện cần có của những người làm công tác ngoại giao.

Khi hoạt động ở Trung Quốc, có lần Bác được mời đến dự bữa tiệc do chủ nhiệm chính trị chiến khu 4 là Hầu Chí Minh chiêu đãi. Nguyễn Hải Thần cũng là khách mời hôm đó, đã ra vế đối “Hầu Chí Minh, Hồ Chí Minh, lưỡng vị đồng chí, chí giai minh” (Hầu Chí Minh, Hồ Chí Minh, hai vị đồng chí, chí đều sáng). Bốn chữ chí và ba chữ Minh ở đây có nghĩa khác nhau).

Trong khi chủ và khách chưa ai lên tiếng, Bác đã đứng dậy đọc: “Nhĩ cách mạng, ngã cách mạng, đại gia cách mạng, mạng tất cách”. (Anh làm cách mạng, tôi làm cách mạng, nhiều nhà làm cách mạng, cách mạng sẽ thành). Các chữ “cách” và “mạng” ở đây cũng có nghĩa khác nhau.

Tết Đinh Hợi, Tết Độc lập đầu tiên, Bác Hồ đã có thơ chúc Tết. Để đọc bài thơ đó, Bác phải đi bộ đến trụ sở Đài tiếng nói Việt Nam ở chùa Trầm thuộc địa phận Hà Đông.

Được tin Bác Hồ sẽ đến, sư cụ chủ trì chùa Trầm đứng đón Bác ngay ở cửa hang, cụ chắp tay vái chào Bác và xin Bác một câu đối để đón xuân, cụ đã chuẩn bị sẵn giấy và bút mực. Bác Hồ vui vẻ chấm bút lông vào nghiên mực, Người viết:

“Kháng chiến tất thắng

Kiến quốc tất thành”.

Người giữ được nguyên bản đôi câu đối này cho đến ngày nay là cụ Lê Quang Lân - nhân viên của Đài tiếng nói Việt Nam.

Thời kháng chiến, cán bộ chiến sĩ trong quân đội ta, trong gian khổ ác liệt, hy sinh, nhưng cứ mỗi độ xuân về họ cũng không quên thú vui chơi chữ của dân tộc - nhiều người có những câu đối rất hay.

Năm 1960, sau Đại hội Đảng, hiệu sách nhân dân Tràng Tiền có một câu đối: “Người tìm sách, sách tìm người, sách với người thân yêu bầu bạn.

Đảng vì dân, dân vì Đảng, Đảng cùng dân khăng khít chân tay”.

Hiện nay còn một số câu đối của lính ta, mà chưa có người đối được. Nhân dịp đón xuân Giáp Ngọ, xin nêu lên mời các đồng chí và các bạn gần xa cùng vui.

Thời kháng chiến chống Pháp có vế đối là:

“Cán bộ bộ binh, bận bộ đồ nâu đi bộ về Bộ”.

Cái hóc búa của vế đối này là chữ “bộ”. Bộ trong cán bộ hay bộ binh là danh từ ghép. Bộ trong bộ đồ nâu là quán từ, bộ trong đi bộ là động từ, còn chữ Bộ cuối thì lại là Bộ Tổng chỉ huy.

Thời kháng chiến chống Mỹ cứu nước, có bốn vế đối là:

“Đêm ba mươi, thương lính phòng không, cô dân quân chống lầy kéo pháo”. Cái khó của câu đối này là: “Lính phòng không còn có nghĩa là lính chưa vợ, chống lầy kéo pháo còn có nghĩa là lấy chồng kéo pháo”.

“Pháo thủ pháo tầm xa, nếu đánh gần phải cần thêm thủ pháo”. Ba chữ “pháo” ở đây cũng có nghĩa khác nhau, cặp từ thủ pháo, pháo thủ cũng có nghĩa rất khác nhau.

“Mười hai ngày tháng mười hai, hai năm rõ mười, bê năm hai rơi hàng chục”. Cái thú vị của vế đối này là số từ lặp lại (12 ngày, tháng 12). B52 là danh từ riêng, mà hai năm rõ mười (5x2=10), số 10 này lại được lặp lại “hàng chục”. 

Một số câu đối trên đây, người viết bài này sưu tầm trong dân gian chưa tìm được tác giả, vậy kính mong ai là tác giả, hoặc ai biết xin vui lòng chỉ giáo cho.