Thớt nghiến “băm nát” rừng Phong Quang

ANTĐ - Thớt nghiến đã làm hàng trăm nghìn hécta rừng bị “băm nát” không thương tiếc, trong đó có rừng đặc dụng Phong Quang (Hà Giang) đang bị lâm tặc ngày đêm rình mò nhằm chặt hạ. 

Rừng đặc dụng Phong Quang với tổng diện tích gần 9.000ha. Trong đó, phần lớn diện tích rừng ở khu vực giáp biên với những cây nghiến cổ thụ vài trăm năm tuổi. “Rừng vàng” Phong Quang đã và đang bị chặt hạ để tuồn những thớt nghiến sang Trung Quốc.

Tận mắt những cây nghiến cổ

Từ mặt đường lớn vào bản Phìn Sảng, xã Minh Tân (Vị Xuyên) chỉ dài chưa đến 10 cây số nhưng đi xe máy cũng phải mất cả tiếng đồng hồ vì đường dốc, toàn đá hộc trơn trượt. Ở Phìn Sảng, có trạm biên phòng thuộc Đồn biên phòng Thanh Thủy cắm chốt. Tổ công tác có 6 chiến sỹ biên phòng và 3 cán bộ thuộc Hạt kiểm lâm rừng đặc dụng Phong Quang tăng cường.

Thớt nghiến “băm nát” rừng Phong Quang ảnh 1

Vì tiền mà hàng trăm hécta rừng nghiến bị chặt hạ

Thượng úy Hoàng Tô Long, Trạm trưởng Trạm kiểm soát biên phòng cùng một chiến sỹ đưa chúng tôi ngược dốc qua vùng đệm để vào lõi của khu rừng rộng 9 nghìn hécta này. Rừng Phong Quang với hệ thực vật đa dạng từ nhóm tứ thiết đến hoàng đàn, gù hương, lát. Nhưng điểm nổi bật nhất của rừng Phong Quang chính là nghiến. Nghiến có lẽ là loài cây sống khỏe với số lượng lớn nhất trong khu rừng này.

Có những cây nghiến mà chúng tôi ướm thử phải 10 người ôm mới xuể phần rễ. Người ta tạm gọi đó là những cây nghiến cổ thụ. Còn những cây nghiến dăm người ôm trong rừng Phong Quang không phải là hiếm. Những rễ cây thọc sâu xuống đất rồi nhô lên phá tung tảng đá lớn phía trên cũng dễ để thấy về một khu rừng nguyên sơ đến mức nào. Đó là chưa kể đến những phần rêu đã “ăn đời ở kiếp”, sống ký sinh vào nghiến cả trăm năm để lại những mảng bám dày vài đốt ngón tay.

Thớt nghiến “băm nát” rừng Phong Quang ảnh 2

Kiểm lâm Hà Giang đã thu giữ khá nhiều thớt nghiến khi lâm tặc
 đang vận chuyển qua biên giới

Chặt hạ làm thớt

Tôi và Thượng úy Hoàng Tô Long dừng chân tại nơi mà rất nhiều cây nghiến đã bị đốn hạ. Nghiến nằm ngả nghiêng, ngang dọc trong rừng. Có những cây lâm tặc mới chỉ đốn ngã, chưa kịp cưa cắt đem đi. Có những cây đã bị khai thác chỉ còn trơ lại những khúc sần sùi. Có những cây to dễ đến vài trăm năm tuổi, có những cây mới chỉ ngót ngét trăm năm. Lại có những cây bị chặt hạ nhưng đổ xuống vực núi nên lâm tặc không dám mạo hiểm xuống cưa cắt.

Thớt nghiến “băm nát” rừng Phong Quang ảnh 3

Thượng úy Long nhận định: “Phần nhiều gỗ nghiến bị cưa ra thành những vanh thớt có độ dày khoảng 30cm để dễ dàng vận chuyển ra ngoài. Địa bàn các thôn Hoàng Lỳ Pả, Thượng Lâm, Tà Lèng được coi là điểm nóng của tình trạng khai thác này. Thời kỳ cao điểm tại Thượng Lâm có tới vài ba chục người vào rừng cắt gỗ vận chuyển bán sang Trung Quốc qua khu vực mốc 246”.

Anh Đặng Đình Công, cán bộ pháp chế Hạt kiểm lâm rừng đặc dụng Phong Quang cung cấp cho chúng tôi số liệu tháng 12-2014 với 58 đối tượng vi phạm. Những người vận chuyển thớt nghiến sang Trung Quốc chủ yếu là bà con địa phương. Khi được thuê với một số tiền nhỏ, họ sẵn sàng gùi thớt qua biên giới. Một người, một ngày cũng gùi được vài ba cái thớt từ rừng sang phía bên kia biên giới.  

Trong suốt quãng đường mà Thượng úy Long đưa chúng tôi đi, đâu đâu cũng có những hình ảnh khai thác gỗ nghiến. Có những cây nghiến đã bị cưa chặt cả chục năm nay, có những cây bị cưa dăm năm về trước, có những cây vết cưa còn mới tinh.

Từ những cây nghiến đó, chúng tôi dễ dàng nhận ra đủ kiểu khai thác mà lâm tặc đã thực hiện. Cây to quá không thể dùng rìu hay cưa thì chúng đốt gốc. Đây là cách khai thác truyền thống của lâm tặc, khi lửa cháy ngấm vào trong gốc thì cây sẽ tự đổ.

Những cây gỗ này khi đổ xuống, chúng không thể cưa ngang cây mà xẻ khoét từng miếng nhỏ rồi lấy miếng gỗ ra. Thường mỗi khoanh gỗ bị khoét có độ dày và rộng đủ để làm hai tấm thớt. Cứ thế, chúng khoét dần cho tới khi cây nghiến trơ lại phần tạp như con cá trơ lại phần xương. Với thủ đoạn tinh vi này, lâm tặc đã triệt hạ hàng trăm cây nghiến cổ thụ và vận chuyển gỗ ra ngoài, vượt qua biên giới một cách dễ dàng. 

Lực lượng kiểm lâm thiếu

Ông Nguyễn Việt Hưng, Hạt trưởng Hạt kiểm lâm rừng đặc dụng Phong Quang cho biết, việc người dân ồ ạt lên rừng chặt nghiến là do lái buôn Trung Quốc trả giá thớt nghiến quá cao. Họ còn trang bị cho người dân cưa xăng để sẵn sàng phá rừng. Theo ước tính của ông Hưng, ở các thôn “điểm nóng” từng có khoảng 70% các gia đình có cưa máy. 

Chính quyền tỉnh Hà Giang đã tăng cường lực lượng kiểm lâm phối hợp với biên phòng và dân quân địa phương cùng giữ rừng nhưng không hoặc ít có tác dụng. Một phần vì chênh lệch lực lượng, phần nữa bởi lâm tặc luôn biết cách chọn địa bàn hoạt động. Chúng luôn cử người cảnh giới, thấy bóng dáng kiểm lâm hoặc biên phòng là tháo chạy.

“Minh Tân là xã nghèo nhất huyện Vị Xuyên, lại có trên 5 nghìn ha rừng thuộc khu đặc dụng Phong Quang. Vì cái nghèo nên bà con thường bị kẻ xấu dụ dỗ phá rừng vì cái lợi trước mắt”, ông Phàn Văn Hạc, Chủ tịch UBND xã Minh Tân nói.