Thông tư: Quy định quy trình thu thập vân tay của người đề nghị cấp hộ chiếu có gắn chíp điện tử và người đăng ký xuất cảnh, nhập cảnh bằng cổng kiểm soát tự động

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc

ANTD.VN - Lời tòa soạn: Ngày 16-10-2020, Bộ Công an ban hành Thông tư số 110/2020/TT-BCA quy định quy trình thu thập vân tay của người đề nghị cấp hộ chiếu có gắn chíp điện tử và người đăng ký xuất cảnh, nhập cảnh bằng cổng kiểm soát tự động. Ngày 5-11-2020, Bộ Công an ban hành Thông tư số 117/2020/TT-BCA sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 13/2016/TT-BCA ngày 10-3-2016 của Bộ trưởng Bộ Công an quy định thực hiện nhiệm vụ bảo vệ phiên tòa của lực lượng Công an nhân dân. Cả 2 Thông tư này có hiệu lực thi hành lần lượt là ngày 30-11-2020 và 1-1-2021. Báo An ninh Thủ đô Cuối tuần giới thiệu toàn văn nội dung 2 Thông tư mới.

Nguyên tắc thu thập vân tay phải bảo đảm chính xác, đồng nhất giữa thông tin của người được thu thập vân tay với thông tin trong Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư

Nguyên tắc thu thập vân tay phải bảo đảm chính xác, đồng nhất giữa thông tin của người được thu thập vân tay với thông tin trong Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư

Căn cứ Luật Xuất cảnh, nhập cảnh của công dân Việt Nam ngày 22 tháng 11 năm 2019;

Căn cứ Luật Nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh, cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam ngày 16 tháng 6 năm 2014 và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh, cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam ngày 25 tháng 11 năm 2019;

Căn cứ Nghị định số 01/2018/NĐ-CP ngày 06 tháng 8 năm 2018 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Công an;

Căn cứ Nghị định số 77/2020/NĐ-CP ngày 01 tháng 7 năm 2020 của Chính phủ quy định việc quản lý, khai thác thông tin trong Cơ sở dữ liệu quốc gia về xuất nhập cảnh; dịch vụ công trực tuyến phục vụ cấp, quản lý, kiểm soát hộ chiếu của công dân Việt Nam; kiểm soát xuất nhập cảnh bằng cổng kiểm soát tự động;

Theo đề nghị của Cục trưởng Cục Quản lý xuất nhập cảnh,

Bộ trưởng Bộ Công an ban hành Thông tư quy định quy trình thu thập vân tay của người đề nghị cấp hộ chiếu có gắn chíp điện tử và người đăng ký xuất cảnh, nhập cảnh bằng cổng kiểm soát tự động.

Điều 1. Phạm vi điều chỉnh

Thông tư này quy định về quy trình thu thập vân tay của người đề nghị cấp hộ chiếu có gắn chíp điện tử và người đăng ký xuất cảnh, nhập cảnh bằng cổng kiểm soát tự động.

Điều 2. Đối tượng áp dụng

Thông tư này áp dụng đối với các trường hợp quy định tại khoản 1 Điều 10 Nghị định số 77/2020/NĐ-CP ngày 01 tháng 7 năm 2020 của Chính phủ quy định việc quản lý, khai thác thông tin trong Cơ sở dữ liệu quốc gia về xuất nhập cảnh; dịch vụ công trực tuyến phục vụ cấp, quản lý, kiểm soát hộ chiếu của công dân Việt Nam; kiểm soát xuất nhập cảnh bằng cổng kiểm soát tự động; các cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan.

Điều 3. Nguyên tắc thu thập vân tay

1. Việc thu thập vân tay được thực hiện trực tiếp, một lần bằng thiết bị, phần mềm, vật tư chuyên dụng hoặc từ Cơ sở dữ liệu về căn cước công dân đáp ứng được yêu cầu thu thập, số hóa, lưu trữ, chia sẻ vân tay trên hệ thống điện tử để phục vụ việc kiểm tra, xác định danh tính của một cá nhân trong cấp hộ chiếu có gắn chíp điện tử và khi xuất cảnh, nhập cảnh bằng cổng kiểm soát tự động.

2. Bảo đảm chính xác, đồng nhất giữa thông tin nhân thân của người được thu thập vân tay với thông tin trong Cơ sở dữ liệu quốc gia về xuất nhập cảnh, Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư.

3. Ảnh vân tay thu thập của người đề nghị cấp hộ chiếu có gắn chíp điện tử và người đăng ký xuất cảnh, nhập cảnh bằng cổng kiểm soát tự động phải bảo đảm các tiêu chuẩn sau để nhận dạng tự động:

a) Tuân thủ tiêu chuẩn ISO/IEC 19794-4 với điểm chất lượng tối thiểu là 50;

b) Số điểm trích chọn đặc trưng tối thiểu 60 điểm;

c) Tâm của vân tay sai lệch với tâm của ảnh tối đa 32 điểm ảnh;

d) Mật độ ảnh phải đạt tối thiểu 500 điểm/inch;

đ) Ảnh được nén theo chuẩn WSQ;

e) Ảnh phải đạt 256 mức xám.

Điều 4. Quy trình thu thập vân tay

1. Vân tay được thu thập bằng máy quét chuyên dùng thì thực hiện như sau:

a) Thu thập vân tay chụm của 4 ngón bàn tay phải; vân tay chụm của 4 ngón bàn tay trái; vân tay của 2 ngón cái; vân tay lăn 10 ngón.

b) Trường hợp nếu không thu thập được đủ 10 vân tay thì mô tả và nhập thông tin về tình trạng vân tay không thu thập được.

2. Trường hợp vân tay thu thập được theo trình tự quy định tại khoản 1 Điều này không bảo đảm tiêu chuẩn để phục vụ việc nhận dạng tự động thì thực hiện thu thập vân tay bằng cách lăn mực, sau đó được quét lại để lưu trữ hoặc khai thác từ Cơ sở dữ liệu về căn cước công dân (nếu có) và ghi chú cụ thể trong hồ sơ thu thập vân tay.

3. Quy trình thu thập vân tay quy định tại khoản 1, 2 Điều này không áp dụng đối với trường hợp không thể thu thập được vân tay nào để phục vụ nhận dạng tự động.

4. Cán bộ thu thập vân tay phải ghi chú và ký xác nhận, chịu trách nhiệm về dữ liệu của các vân tay thu thập được hoặc lý do không thể thu thập được.

Điều 5. Cơ quan thu thập vân tay

1. Cơ quan tiếp nhận Tờ khai cấp hộ chiếu thu thập vân tay của người đề nghị cấp hộ chiếu có gắn chíp điện tử.

2. Đơn vị kiểm soát xuất nhập cảnh tại cửa khẩu nơi có cổng kiểm soát tự động tổ chức thu thập vân tay các trường hợp quy định tại khoản 1 Điều 10 Nghị định số 77/2020/NĐ-CP ngày 01 tháng 7 năm 2020 của Chính phủ quy định việc quản lý, khai thác thông tin trong Cơ sở dữ liệu quốc gia về xuất nhập cảnh; dịch vụ công trực tuyến phục vụ cấp, quản lý, kiểm soát hộ chiếu của công dân Việt Nam; kiểm soát xuất nhập cảnh bằng cổng kiểm soát tự động.

Điều 6. Lưu trữ dữ liệu vân tay

1. Dữ liệu vân tay được lưu trữ trên hệ thống điện tử dưới dạng ảnh theo tiêu chuẩn của Tổ chức Hàng không dân dụng quốc tế (ICAO).

2. Việc lưu trữ dữ liệu vân tay theo cơ chế bảo mật thông tin cá nhân và đáp ứng khả năng truy cập, khai thác của các cơ quan, tổ chức có thẩm quyền.

3. Dữ liệu vân tay được lưu trữ tại cơ quan, đơn vị quy định tại Điều 5 Thông tư này và Cơ quan quản lý Cơ sở dữ liệu quốc gia về xuất nhập cảnh.

Điều 7. Chia sẻ, khai thác dữ liệu vân tay

1. Cơ quan, đơn vị quy định tại Điều 5 Thông tư này phải cung cấp dữ liệu vân tay đã thu thập cho Cơ quan quản lý Cơ sở dữ liệu quốc gia về xuất nhập cảnh.

2. Cơ quan quản lý Cơ sở dữ liệu quốc gia về xuất nhập cảnh chia sẻ dữ liệu vân tay cho các cơ quan, đơn vị quy định tại Điều 5 Thông tư này để kiểm tra, đối chiếu.

3. Cơ quan quản lý Cơ sở dữ liệu quốc gia về xuất nhập cảnh là đầu mối kết nối, chia sẻ dữ liệu vân tay với các cơ quan quản lý cơ sở dữ liệu chuyên ngành khác và các cơ quan, đơn vị phù hợp với chức năng, nhiệm vụ.

4. Cơ quan, đơn vị khai thác dữ liệu vân tay phải chịu trách nhiệm bảo đảm an ninh, an toàn và bảo mật thông tin theo quy định của pháp luật.

Điều 8. Tổ chức thực hiện

1. Cơ quan tiếp nhận tờ khai đề nghị cấp hộ chiếu, đơn vị kiểm soát xuất nhập cảnh tại cửa khẩu có cổng kiểm soát tự động chủ động bố trí cán bộ; đề xuất thiết bị, phần mềm, vật tư chuyên dụng, kết nối, bảo mật đường truyền phục vụ việc thu thập, lưu trữ, chia sẻ, khai thác dữ liệu vân tay và phổ biến, hướng dẫn thực hiện Thông tư.

2. Cơ quan quản lý căn cước công dân có trách nhiệm phối hợp trong việc chia sẻ dữ liệu vân tay trong Cơ sở dữ liệu căn cước công dân phục vụ việc so sánh, đối chiếu thông tin về dữ liệu vân tay, nhân thân của người đề nghị cấp hộ chiếu có gắn chíp điện tử và người đăng ký xuất cảnh, nhập cảnh bằng cổng kiểm soát tự động.

3. Cục Quản lý xuất nhập cảnh chủ trì, phối hợp với các đơn vị có liên quan xây dựng quy trình kết nối, chia sẻ, khai thác dữ liệu vân tay trong Cơ sở dữ liệu quốc gia về xuất nhập cảnh phục vụ công tác bảo vệ an ninh quốc gia, bảo đảm trật tự, an toàn xã hội.

4. Cục Quản lý xuất nhập cảnh chủ trì, phối hợp với các đơn vị liên quan đề xuất bổ sung kinh phí; trang cấp các thiết bị, phần mềm, vật tư chuyên dụng, kết nối, bảo mật đường truyền phục vụ việc thu thập, lưu trữ, chia sẻ, khai thác dữ liệu vân tay trong Bộ Công an.

Điều 9. Hiệu lực thi hành và trách nhiệm thi hành

1. Thông tư này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 30 tháng 11 năm 2020.

2. Trong quá trình thực hiện, nếu có khó khăn, vướng mắc, Công an các đơn vị, địa phương, cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan báo cáo về Bộ Công an (qua Cục Quản lý xuất nhập cảnh) để có hướng dẫn kịp thời.