Thông tin xấu độc làm hại doanh nghiệp: Làm sao ngăn chặn?

ANTD.VN - Trong thời đại mạng xã hội phát triển mạnh như hiện nay, khi thông tin xấu, độc, sai sự thật có thêm không gian để lan nhanh và tác oai, tác quái thì mức độ tổn thương của doanh nghiệp niêm yết càng lớn.

Kết thúc phiên giao dịch chứng khoán ngày 2-12, vốn hóa của Vinamilk (mã VNM) “bốc hơi” 5.573 tỷ đồng sau tin đồn thất thiệt về hoạt động của doanh nghiệp này bất chấp việc Vinamilk đã nhanh chóng gửi thông tin bác bỏ. Đây không phải là lần đầu tiên Vinamilk phải đối mặt với các thông tin chưa rõ ràng, gây thiệt hại rất lớn cho doanh nghiệp này.

Không riêng Vinamilk phải điêu đứng với những tin đồn thất thiệt mà rất nhiều doanh nghiệp niêm yết khác trên thị trường chứng khoán cũng từng rơi vào hoàn cảnh bi đát tương tự. Trong thời đại mạng xã hội phát triển mạnh như hiện nay, khi thông tin xấu, độc, sai sự thật có thêm không gian để lan nhanh và tác oai, tác quái thì mức độ tổn thương của doanh nghiệp niêm yết càng lớn.

Xét trên bình diện chung, đây không chỉ là thiệt hại về kinh tế của một vài doanh nghiệp mà nhiều khi còn có thể gây ra hiệu ứng dây chuyền, tác động hết sức tiêu cực tới thị trường chứng khoán, thậm chí là cả nền kinh tế. Và tất nhiên, hệ quả tiếp theo có thể là những bất ổn xã hội kéo dài mà không ai có thể đo lường hết được mức độ thiệt hại. Rõ ràng, những vụ việc như thế này cần đặt dưới lăng kính an ninh, an toàn về thông tin để thấy rõ được tính chất nguy hiểm và tác hại khôn lường của nó.

Đôi khi, khủng hoảng chỉ xuất phát từ một giả thuyết mơ hồ, một dòng tin giả hoặc số liệu thiếu căn cứ nào đó, được “rửa” qua một dòng trạng thái (status) của một KOL (Key Opinion Leader - những người có sức ảnh hưởng trên mạng) trên mạng xã hội Facebook. Gần như 100% những thông tin tiêu cực dạng này đều núp dưới chiêu bài vì cộng đồng, vì xã hội… nhưng không loại trừ, đứng phía sau chính là những đối thủ kinh doanh muốn loại trừ nhau đã chơi trò cạnh tranh “bẩn”, “ném đá giấu tay” để hạ bệ nhau. Đã có những trường hợp tự rêu rao là “vì cộng đồng” sau đó bị “bóc phốt”, lộ rõ bộ mặt “đánh đấm” nhưng không nhiều. Phần lớn các trường hợp rất khó chứng minh mối liên hệ giữa “bóng tối” và “ánh sáng”.

“Bây giờ chúng ta phải chuyển sang sống trên mạng và dọn dẹp rác ở trên ấy” - Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng đã nói như vậy. Quả thực, khi đã tham gia môi trường mạng, chúng ta không thể tránh khỏi việc giẫm phải “rác”, vấn đề là ứng xử với nó như thế nào?

Luật An ninh mạng đã có hiệu lực; chế tài xử lý đối tượng tung thông tin xấu, độc đã rõ. Quản lý nhà nước về lĩnh vực này gần đây đã được nâng cao hiệu quả, hiệu lực; nhiều đối tượng vi phạm đã bị xử lý. Nhưng thực tế cho thấy vẫn chưa đáp ứng được yêu cầu.

Tin giả, tin độc trên mạng là vấn đề toàn cầu. Tất cả các nước đều phải tìm cách giải quyết. Nước mới nhất trong khu vực ASEAN có quy định xử lý an ninh mạng là Singapore, với chế tài rất nghiêm: Mức phạt với hành vi vi phạm có thể lên tới hàng chục triệu USD; đối tượng vi phạm có thể bị xử lý hình sự. Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng cho biết, Việt Nam cũng đang nghiên cứu, xây dựng những chế tài nghiêm khắc như vậy để ngăn chặn hành vi phát tán “rác” trên mạng.

Dù sao, chế tài cũng chỉ là một mặt của vấn đề, để hoạt động trên mạng xã hội lành mạnh, giảm tác động xấu thì giáo dục là giải pháp căn cơ. Mỗi người dân cần được “trang bị” khả năng phân biệt thông tin sai, thông tin giả, có khả năng đấu tranh, phản biện với những thứ “rác” đó. Đương nhiên, “bộ lọc” của mỗi người mỗi khác nên sự giám sát, vào cuộc của cơ quan chức năng và quan trọng hơn là sự minh bạch, kịp thời của thông tin là rất quan trọng. Với những vụ việc như của Vinamilk, rất cần cơ quan chức năng làm rõ động cơ, mục đích của những người tung thông tin suy diễn, sai sự thật; xử lý nghiêm minh nếu có vi phạm để làm gương.

Cùng với đó, hơn ai hết, chính những doanh nghiệp, tập thể, cá nhân bị xâm hại về an ninh, an toàn thông tin phải quyết liệt hơn trong việc bảo vệ bản thân. Thực tế, vẫn hiếm có những trường hợp sẵn sàng đấu tranh tới cùng với những đối tượng tung tin giả, tin độc mà phần lớn vẫn chờ đợi cơ quan Nhà nước. Xin nhắc lại, đây là vấn đề hóc búa mang tính toàn cầu và nếu cứ chờ đợi thì chắc chắn những vụ việc “bốc hơi” nghìn tỷ sẽ còn tái diễn!