Thông tin chính thức vụ án hình sự xảy ra tại ngân hàng Đại Tín

ANTD.VN - Chiều 27-9, CQĐT Bộ Công an đã có thông tin chính thức về quyết định khởi tố bị can trong vụ án hình sự liên quan đến hành vi phạm tội của bị can Hứa Thị Phấn và đồng phạm.

Theo đó, CQĐT Bộ Công an (C46) đang điều tra vụ án Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng, Vi phạm quy định về cho vay trong hoạt động của các tổ chức tín dụng liên quan đến hành vi của bà Hứa Thị Phấn và các đồng phạm, theo Quyết định khởi tố vụ án hình sự số 05/HSST/QĐKTVA ngày 09/9/2016 của HĐXX Sơ thẩm giai đoạn I vụ án Phạm Công Danh và đồng phạm. 

Bà Hứa Thị Phấn tại một phiên xét xử

Căn cứ tài liệu, chứng cứ đã thu thập được trong quá trình điều tra vụ án, ngày 25-9-2017, CQĐT Bộ Công an đã ra Quyết định khởi tố bổ sung Quyết định khởi tố vụ án hình sự về tội Lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản quy định tại Điều 140 Bộ luật Hình sự, đồng thời ra các Quyết định và Lệnh tố tụng gồm:

Quyết định thay đổi Quyết định khởi tố bị can đối với 4 bị can: Hứa Thị Phấn, nguyên Cố vấn Cao cấp Hội đồng quản trị Ngân hàng Đại Tín; Bùi Thị Kim Loan, thư ký của bị can Hứa Thị Phấn; Ngô Kim Huệ, nguyên Phó Tổng Giám đốc Ngân hàng Đại Tín, và Lâm Kim Dũng, nguyên Giám đốc Công ty Lam Giang về tội Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng (quy định tại Điều 165 BLHS), sang tội Lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản (quy định tại Điều 140 BLHS).

Cơ quan tố tụng áp dụng biện pháp ngăn chặn Cấm đi khỏi nơi cư trú đối với Hứa Thị Phấn và Lâm Kim Dũng. Đối với 2 bị can Ngô Kim Huệ và Bùi Thị Kim Loan, đã được CQĐT áp dụng biệp pháp ngăn chặn Cấm đi khỏi nơi cư trú, nhưng trong quá trình điều tra vụ án, các bị can này được xác định là đối tượng chính đã có hành vi giúp sức đắc lực cho bị can Hứa Thị Phấn chiếm đoạt và gây thiệt hại cho Ngân hàng Đại Tín trên 6.000 tỷ đồng, nhưng hiện nay 2 bị can này có thái độ khai báo quanh co, không thành khẩn, ngoan cố che giấu hành vi phạm tội của bản thân và bị can Phấn, không hợp tác, gây cản trở nghiêm trọng đến việc điều tra, thu hồi tài sản để khắc phục hậu quả cho Nhà nước.

Vì vậy, CQĐT đã ra Quyết định thay thế biện pháp ngăn chặn từ Cấm đi khỏi nơi cư trú bằng biệp pháp bắt bị can để tạm giam. 

CQĐT cũng đã ra Quyết định khởi tố bị can đối với 14 đối tượng về tội Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng (quy định tại Điều 165 BLHS) gồm: 

Tám đối tượng nguyên là cán bộ, nhân viên Ngân hàng Đại Tín Chi nhánh Sài Gòn và Chi nhánh Lam Giang, gồm: Vũ Thị Như Thảo, nguyên Phó Giám đốc phụ trách kế toán nguồn vốn; Trần Thị Hoàng Nga, kế toán giao dịch; Nguyễn Thị Ngọc Tuyết, kế toán giao dịch; Trần Ngọc Bích, kiểm soát kế toán; Trịnh Thị Hiền Trang, thủ quỹ phụ; Đường Bửu Nhìn, nhân viên kiểm ngân; Trần Điền Ngọc Hân, nhân viên kiểm ngân và Hà Thu Thảo, nhân viên kiểm ngân và áp dụng biện pháp ngăn chặn Cấm đi khỏi nơi cư trú.

Sáu đối tượng thuộc nhóm Phú Mỹ của bị can Hứa Thị Phấn, gồm: Hoàng Văn Toàn, nguyên Chủ tịch Hội đồng quản trị; Ngô Kim Huệ, Ngô Nguyễn Đoan Trang, nguyên Phó Tổng Giám đốc Ngân hàng Đại Tín; Nguyễn Kim Thanh, nguyên Phó Phòng Đầu tư Ngân hàng Đại Tín; Hứa Thị Bích Hạnh, nguyên Phó Phòng Kế hoạch tổng hợp Ngân hàng Đại Tín, nguyên Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty CP Đầu tư Phát triển Phú Mỹ và Lâm Hứa Quỳnh Trinh, nguyên Phó phụ trách Phòng Ngân quỹ Ngân hàng Đại Tín chi nhánh Sài Gòn và chi nhánh Lam Giang và áp dụng biện pháp ngăn chặn Cấm đi khỏi nơi cư trú đối với 2 bị can Nguyễn Kim Thanh và Hứa Thị Bích Hạnh, áp dụng biện pháp ngăn chặn bắt bị can để tạm giam đối với bị can Ngô Nguyễn Đoan Trang và Lâm Hứa Quỳnh Trinh và Ngô Kim Huệ; riêng bị can Hoàng Văn Toàn đã bị áp dụng biện pháp tạm giam trong vụ án theo tội danh khởi tố trước đây.

Viện KSND Tối cao đã phê chuẩn các Quyết định và Lệnh nêu trên của CQĐT Bộ Công an. Ngày 26-9, CQĐT đã tống đạt và thi hành các Quyết định và Lệnh đối với các bị can, đồng thời khẩn trương điều tra mở rộng, thu hồi tài sản để xử lý theo đúng quy định của pháp luật.