Thông tin 30% rau ở một số chợ đầu mối có tồn dư thuốc bảo vệ thực vật: Mẫu kiểm nghiệm đều là rau thô

ANTĐ - Những ngày gần đây, thông tin Cục An toàn thực phẩm (ATTP) công bố kết quả nghiên cứu cho thấy 30% mẫu rau lấy tại một số chợ đầu mối tại Hà Nội có tồn dư thuốc bảo vệ thực vật vượt ngưỡng cho phép khiến nhiều người dân lo lắng. Tuy nhiên, trao đổi với phóng viên Báo ANTĐ ngày 8-10, lãnh đạo Cục ATTP và Chi cục ATVSTP Hà Nội đều khẳng định, khảo sát trên chưa mang đầy đủ tính đại diện.

*Hàm lượng vượt ngưỡng cho phép không quá cao

Mẫu rau lấy tại một số chợ đầu mối ở Hà Nội có tồn dư thuốc bảo vệ thực vật vượt ngưỡng cho phép nhưng khảo sát này chưa đủ tính đại diện (Ảnh minh họa)

Số mẫu chưa đủ nhiều

Mới đây, Phòng Giám sát ngộ độc thực phẩm - Cục ATTP thông tin kết quả xét nghiệm của cơ quan chức năng cho thấy, có tới 40 trong tổng số 120 mẫu rau được lấy tại một số chợ đầu mối ở Hà Nội có tồn dư thuốc bảo vệ thực vật vượt ngưỡng cho phép khoảng trên dưới 10%. Trong số 40 mẫu rau chứa tồn dư thuốc bảo vệ thực vật có 21 mẫu rau ngót, 14 mẫu rau muống và 5 mẫu rau mồng tơi, 38 mẫu là rau sản xuất tại Hà Nội, 2 mẫu trồng ở tỉnh khác. Kết quả cũng cho thấy rau ngót có tồn dư hóa chất cao nhất.

Trước đó, từ tháng 8 đến tháng 12-2014, Cục ATTP cũng đã lấy nhiều mẫu rau tại 150 quầy kinh doanh ở chợ Dịch Vọng Hậu, Long Biên, Minh Khai, Đền Lừ, La Khê, chợ đêm hợp tác xã Văn Quán... để kiểm tra. Kết quả xét nghiệm cho thấy 13 mẫu có tồn dư hóa chất Carbofuran (thuốc sâu hữu cơ) vượt giới hạn cho phép, 12 mẫu có hóa chất Cypermethrin (thuốc trừ sâu diệt ruồi, muỗi, kiến gián); 9 mẫu nhiễm cùng lúc cả 2 loại hóa chất trên.

Theo ghi nhận của phóng viên, nhiều loại rau được bày bán ở các chợ trên địa bàn Hà Nội hầu như không rõ ràng nguồn gốc xuất xứ, không nhãn mác. Thậm chí, dù có dán nhãn mác “rau sạch”, “rau an toàn” thì người dân cũng không có cách nào kiểm soát hay an tâm 100% về chất lượng của các sản phẩm này. Chị Nguyễn Hồng ở khu đô thị Đền Lừ (phường Tân Mai, Hoàng Mai, Hà Nội) chia sẻ trên diễn đàn mạng rằng hầu như cuối tuần nào chị cũng đi chợ đầu mối Đền Lừ mua rau tích trữ cho gia đình sử dụng trong cả tuần. Thế nhưng mấy hôm nay nghe thông tin có đến 30% mẫu rau xanh tại các chợ đầu mối chứa tồn dư thuốc bảo vệ thực vật khiến chị rất hoang mang. 

Trước những lo lắng của người dân, trao đổi với phóng viên Báo ANTĐ ngày 8-10, lãnh đạo Cục ATTP - Bộ Y tế cho biết, thông tin trên là hoàn toàn chính xác, nhưng đó chỉ là một nghiên cứu nhỏ với số mẫu chưa mang tính đại diện. Hơn nữa, các mẫu rau được lấy kiểm nghiệm đều là rau thô, tức rau chưa qua ngâm rửa, sơ chế và hàm lượng chất bảo vệ thực vật vượt ngưỡng cho phép không quá cao. Do vậy, qua nghiên cứu đó chưa đủ để khẳng định thực trạng rau xanh tại các chợ ở Hà Nội hiện nay.

Không chủ quan nhưng cũng đừng quá lo lắng

Đồng quan điểm, ông Trần Ngọc Tụ, Chi cục trưởng Chi cục ATVSTP Hà Nội cho biết, hiện nay vấn đề quản lý, kiểm soát và giám sát chất lượng rau, củ, quả trên địa bàn Hà Nội do Sở NN&PTNT quản lý. Song với vai trò là thường trực Ban chỉ đạo ATVSTP thành phố, Sở Y tế Hà Nội cũng đã nắm được, từ tháng 8 vừa qua, Sở NN&PTNT đã tổ chức đợt thanh tra, kiểm tra chuyên đề, lấy mẫu kiểm nghiệm các sản phẩm thịt, rau, củ, quả những tháng cuối năm với số lượng mẫu lấy kiểm nghiệm rất lớn. Trên cơ sở thanh tra, kiểm tra và kiểm nghiệm rau với số lượng mẫu lớn thì mới có thể đánh giá đúng, khách quan nhất về thực trạng rau xanh trên địa bàn Hà Nội.

Theo ông Lâm Quốc Hùng, Trưởng Phòng Giám sát ngộ độc thực phẩm - Cục ATTP, rau sau khi sơ chế như ngâm, rửa dưới vòi nước sạch, nấu chín, ảnh hưởng của tồn dư thuốc bảo vệ thực vật sẽ giảm đáng kể. Tuy nhiên, cũng không vì thế mà người dân có thể chủ quan. Ông Lâm Quốc Hùng khuyến cáo, qua quan sát bằng mắt thường nếu thấy rau có màu sắc, hương vị lạ thì tuyệt đối không nên ăn. Khi mua nên chọn thực phẩm ở những cửa hàng uy tín, trước khi nấu cần phải sơ chế thật kỹ.

Thời gian tới, Cục ATTP sẽ tuyên truyền sâu rộng về vai trò của người kinh doanh rau, củ, quả, nhấn mạnh vào tầm quan trọng trong quan sát, đánh giá ban đầu của đội ngũ kinh doanh, trước khi rau được lưu hành trong các chợ, sạp hàng và tới tay người tiêu dùng.