Thông quan hàng hóa xuất, nhập khẩu: Ách tắc bởi quy định chồng chéo

ANTĐ - Hơn 3 tháng nữa là đến hạn chót về giảm số giờ thông quan cho hàng hóa xuất nhập khẩu, từ 21 ngày xuống còn 13 ngày đối với hàng xuất khẩu và 14 ngày đối với hàng nhập khẩu. Thời gian gấp rút, nhưng hàng hóa vẫn bị ách tắc bởi những quy định chồng chéo, phức tạp, đặc biệt là quy định về kiểm tra, kiểm dịch. 
Thông quan hàng hóa xuất, nhập khẩu: Ách tắc bởi quy định chồng chéo ảnh 1

Thời gian kiểm dịch thực vật kéo dài gây ảnh hưởng lớn đến doanh nghiệp

Gia tăng thủ tục với hàng hóa xuất nhập khẩu

Khảo sát thực tế doanh nghiệp tại nhiều địa phương về thủ tục kiểm tra chuyên ngành xuất nhập khẩu, ông Phạm Thanh Bình - chuyên gia tư vấn hải quan cho biết: “Hơn 1 năm qua, tình hình quản lý chuyên ngành đối với hàng hoá xuất nhập khẩu  vẫn chưa được cải thiện, riêng lĩnh vực kiểm dịch thực vật có sự gia tăng đột biến”. 

Từ ngày 1-1-2015, hàng xuất khẩu phải kiểm dịch thực vật. Đây là nguyên nhân chính khiến cho lượng hàng hóa kiểm dịch trong 6 tháng đầu năm nay tăng cao đột biến so với cùng kỳ 2014. Đại diện Hiệp hội Chuyển phát nhanh (CAPEC) lấy ví dụ, theo quy định, men bia nhập khẩu phải kiểm dịch, nhưng lấy được mẫu rất khó. “Mẫu men bia không thể lấy trong điều kiện bình thường, chúng tôi không biết lấy như thế nào? Có cần phải thực hiện kiểm dịch không?” - đại diện CAPEC băn khoăn. 

Theo Hiệp hội Dệt may Việt Nam (Vitas), thời gian kiểm dịch, hun trùng đối với nguyên vật liệu dệt may rất dài, chi phí cao. Cụ thể, đối với các doanh nghiệp kinh doanh bông, thời gian từ khi gửi công văn xin giấy phép kiểm dịch thực vật tới Cục Bảo vệ thực vật (Bộ NN&PTNT) đến khi có chứng nhận kiểm dịch là 7 ngày; Làm thủ tục xin đăng ký kiểm dịch, hun trùng tại cửa khẩu nhập mất 2 ngày; 1 ngày sau khi nộp kết quả kiểm dịch hàng hóa mới được thông quan.

Tính tổng thể, thời gian cho doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực này thực hiện thủ tục kiểm dịch, hun trùng là 10 ngày. Cùng thực hiện thủ tục này, các doanh nghiệp nhập khẩu nguyên liệu gia công may mặc trung bình mất 10-15 ngày. Ngoài ra, ở một số lĩnh vực khác, dù đối tác nước ngoài không yêu cầu kiểm tra, kiểm dịch song quy định trong nước vẫn buộc doanh nghiệp phải thực hiện. 

Tốn chi phí, gây phiền phức

Ông Nguyễn Hoài Nam- Phó Tổng thư ký Hiệp hội Chế biến và xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP) cho biết, cứ 4 - 6,5 lô hàng thủy sản xuất khẩu lại phải lấy mẫu kiểm dịch một lần, khiến doanh nghiệp không đồng tình. Mặt khác, theo quy định, cơ quan nào yêu cầu kiểm tra, kiểm nghiệm, cơ quan đó phải trả tiền phí. Song thực tế hiện nay, các doanh nghiệp phải thanh toán toàn bộ các loại phí này.

Cho rằng việc kiểm tra chất lượng sản phẩm, kiểm dịch là cần thiết để bảo vệ người tiêu dùng nhưng bà Trịnh Tú Anh - Giám đốc công ty TNHH thương mại và xây dựng An Đô cho hay, nhiều nội dung kiểm tra chỉ mang tính hình thức, gây tốn kém. Mỗi năm, doanh nghiệp này tốn từ 700 triệu - 1 tỷ đồng cho kiểm tra chất lượng. Bà Trịnh Tú Anh thẳng thắn nói: “Kiểm tra nhiều nhưng tôi không thấy thiết thực. Hàng ngày chúng tôi nhập khoảng 10 tấn vải, nhưng phải lấy từ 7-10 mẫu để kiểm tra.

Chi phí cho việc này khoảng 10 triệu đồng. Nếu cứ kiểm tra thế này chỉ tạo điều kiện cho buôn lậu, vì vừa tốn kém, vừa phiền phức”. Theo kết quả khảo sát gần đây, hoạt động kiểm tra được thực hiện rất nhiều nhưng tỷ lệ các trường hợp không đạt yêu cầu xuất nhập khẩu luôn ở mức dưới 1% tổng số các lô hàng xuất nhập khẩu. “Kết quả này cho thấy, việc kiểm tra như hiện nay là quá mức cần thiết”- ông Phạm Thanh Bình nhấn mạnh.

Trong bối cảnh Chính phủ quyết liệt yêu cầu giảm thời gian thông quan hàng hóa xuất nhập khẩu thì sự gia tăng thủ tục đối với hàng hóa xuất nhập khẩu là một nghịch lý.  Chi phí gia tăng thì năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp sẽ kém đi, bởi hàng hóa giá cao, thời gian chờ đợi dài. Mục tiêu giảm thời gian thông quan hàng hóa của Việt Nam để đạt tiêu chuẩn ASEAN-6 cuối năm nay như Nghị quyết 19/2015/NĐ-CP của Chính phủ sẽ không dễ dàng đạt được. 

Kết quả khảo sát doanh nghiệp mới đây cũng cho thấy, 70,6% doanh nghiệp được khảo sát cho biết thời gian cấp giấy phép, chứng nhận hợp quy là 7-15 ngày; 44,4 % doanh nghiệp được khảo sát cho biết thời gian kiểm tra chuyên ngành từ 7-15 ngày; thời gian kiểm tra chất lượng mặt hàng thép, dây thép theo hiện quy định tại thông tư 44/TTLT-BCT-BKHCN ngày 31-12-2013 kéo dài 2-4 tuần; thời gian hoàn thành thủ tục quản lý chuyên ngành đối với mặt hàng thiết bị điện tử viễn thông nhập khẩu khoảng 15 ngày...