Thông qua Nghị quyết tăng giá viện phí, học phí

ANTĐ - Cũng trong ngày làm việc sáng qua 6-7, HĐND TP Hà Nội đã thảo luận và thông qua Nghị quyết quy định về cơ chế tài chính đối với các cơ sở giáo dục công lập chất lượng cao và Nghị quyết điều chỉnh giá một số dịch vụ khám, chữa bệnh áp dụng cho sơ sở y tế công lập trên địa bàn TP Hà Nội. 

Ảnh minh họa: internet

Học phí chất lượng cao, tối đa 3 triệu đồng/tháng 

Nghị quyết ban hành quy định về cơ chế tài chính áp dụng đối với các cơ sở giáo dục công lập chất lượng cao trên địa bàn Thủ đô đã thu hút sự quan tâm thảo luận của nhiều đại biểu. Nghị quyết đã được đa số các đại biểu thông qua (tỉ lệ 84,2%). Tuy nhiên khi thảo luận, một số đại biểu còn có ý kiến băn khoăn về cơ chế chuyển tiếp đối với các cơ sở giáo dục chất lượng cao. Đại biểu Lê Văn Hoạt, Phó Chủ tịch HĐND TP Hà Nội bày tỏ lo ngại về việc khả năng đóng học phí đối với những học sinh khó khăn. Đại biểu này đề nghị: “Cần có cơ chế hỗ trợ từ ngân sách để các em có thể học tiếp, thành phố cần nghiên cứu để ghi vào nghị quyết hoặc UBND TP có hướng dẫn việc chuyển tiếp này”. Giải đáp cho băn khoăn trên, Phó Chủ tịch UBND TP Nguyễn Thị Bích Ngọc khẳng định thành phố có đủ chỗ học cho đối tượng phổ cập và xây dựng các mô hình trường phù hợp với các tầng lớp nhân dân và hoàn toàn theo nguyên tắc tự nguyện. Việc nâng cao chất lượng giáo dục là mục tiêu chung của thành phố. Thành phố chỉ công nhận những trường công lập đảm bảo nguyên tắc đủ điều kiện để chuyển thành cơ sở giáo dục chất lượng cao.

Cụ thể, mức trần học phí tại trường chất lượng cao như sau: Trường mầm non và Tiểu học, năm học 2013-2014 tối đa 2.900.000 đồng/học sinh/tháng; năm học 2014-2015 tối đa 3.200.000 đồng/học sinh/tháng; trường THCS và THPT năm học 2013-2014 tối đa 3.000.000 đồng/học sinh/tháng; năm học 2014-2015 tối đa 3.400.000 đồng/học sinh/tháng.

819 dịch vụ khám chữa bệnh tăng giá 

Khung giá viện phí hiện nay được xây dựng dựa trên cơ sở giá tính từ thời điểm 1995 đến nay đã 18 năm đã lỗi thời. Việc tiếp tục duy trì khung giá cũ khiến các bệnh viện gặp nhiều khó khăn, không thể đáp ứng đòi hỏi nâng cao chất lượng dịch vụ. Nhiều bệnh nhân bảo hiểm y tế phải chấp nhận từ bỏ quyền lợi và đăng ký theo diện tự nguyện. Tại kỳ họp này, HĐND  đã thông qua Nghị quyết về giá viện phí mới với 819 dịch vụ khám, chữa bệnh sẽ được điều chỉnh giá. Trong đó, điều chỉnh giá 5 dịch vụ khám bệnh, kiểm tra sức khỏe, 9 dịch vụ ngày giường bệnh, 373 dịch vụ kỹ thuật, 333 phẫu thuật, thủ thuật… Quy định tạm thời giá cho 99 dịch vụ phẫu thuật, thủ thuật mới. Mức giá được xây dựng trên cơ sở có lộ trình phù hợp với điều kiện cụ thể của từng loại bệnh viện, điều kiện kinh tế xã hội, thu nhập của người dân, khả năng cân đối quỹ bảo hiểm y tế. Theo tính toán của UBND TP, mức tăng giá các dịch vụ bình quân khoảng 2 lần so với mức giá đang áp dụng tại các bệnh viện công của Hà Nội. 

Nghị quyết này có hiệu lực sau 10 ngày kể từ ngày ban hành. Các quy định của Nghị quyết được áp dụng từ ngày 1-8-2013. Đối với những người bệnh đang điều trị nội trú tại các cơ sở KBCB thuộc TP Hà Nội trước ngày Nghị quyết này có hiệu lực vẫn thực hiện mức thu tại Quyết định số 6889/QĐ-UBND ngày 31-12-2009 của UBND TP và các văn bản hiện hành khác đến khi người bệnh xuất viện. 

Lãnh đạo UBND TP khẳng định sau quá trình điều chỉnh tăng giá viện phí sẽ thực hiện các giải pháp phát triển y tế chuyên sâu, giảm quá tải, đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị để nâng chất lượng khám chữa bệnh.

Cũng trong ngày làm việc hôm qua, các đại biểu đã thảo luận về danh mục phố cổ, làng cổ, làng nghề truyền thống tiêu biểu, biệt thự cũ, công trình kiến trúc xây dựng trước năm 1954 và di sản văn hóa phi vật thể trên địa bàn Thủ đô. Tuy nhiên do còn nhiều ý kiến khác nhau nên HĐND quyết định chưa thông qua danh mục này.