Kỳ họp thứ 5, HĐND TP khóa XIV:

Thông qua mức học phí mới

ANTĐ - Ngày 11-7, HĐND TP Hà Nội đã thảo luận và thông qua 3 quy hoạch về sử dụng đất, thoát nước và thủy lợi. Cũng trong chiều qua, HĐND TP đã thông qua mức học phí mới trên địa bàn toàn thành phố, áp dụng từ năm học 2012-2013. Các mức học phí mới phần lớn đều giảm so với trước đây. Chẳng hạn, các quận nội thành trước đây thu 70.000-80.000 đồng/học sinh/tháng thì nay giảm xuống còn 40.000 đồng/học sinh/tháng.

Mức học phí cả 3 cấp học ở Hà Nội sẽ ở mức thấp kịch khung theo đề xuất mới


Chưa “sờ” tới các địa chỉ sai phạm

Góp ý vào bản Quy hoạch sử dụng đất tới năm 2020, ĐB Nguyễn Thị Tuyến (Chương Mỹ) nêu thực trạng yếu kém trong quản lý đất đai tại các nông, lâm trường đang gây bức xúc lớn. ĐB Nguyễn Thị Tuyến nói: “Vi phạm rất lớn, chuyển nhượng, mua bán trái phép diễn ra phổ biến. Quy hoạch phải làm rõ công tác quản lý ở các địa chỉ này, tránh để hở những “khoảng trống” dễ phát sinh tiêu cực”.

Nhấn mạnh yêu cầu bảo vệ đất lúa, ĐB huyện Chương Mỹ yêu cầu TP làm rõ hơn kế hoạch sử dụng gần 42.000 ha đất (chuyển đổi mục đích sử dụng từ nông nghiệp sang phi nông nghiệp). Bà nói: “Vấn đề này trong quy hoạch chưa rõ trong khi bảo tồn đất sản xuất nông nghiệp là yêu cầu cấp thiết. Do đó, chuyển sang mục đích sử dụng khác phải biết rõ tính khả thi tới đâu”.

Cũng quan tâm tới vấn đề này, ĐB Nguyễn Hoài Nam (Hai Bà Trưng) nói: “Chuyển đất nông nghiệp sang phát triển đô thị là tất yếu. Song phải cân nhắc rất kỹ nếu lấy đất làm khu công nghiệp (KCN). Theo tôi, chỉ nên lấy đất vùng bán sơn địa hoặc đất bạc màu, không canh tác được. Phải thận trọng vì nếu đã chuyển sang công nghiệp thì sau này không thể phục hồi làm nông nghiệp được. Nhiều địa phương đang khốn khổ vì phát triển KCN chạy theo thành tích, số lượng, lợi ích nhóm, mang cả đất lúa 2 vụ làm KCN. TP phải rà soát kỹ để không rơi vào tình cảnh tương tự...”.

Sau khi nghe Phó Chủ tịch UBND TP Vũ Hồng Khanh giải trình, HĐND TP đã thông qua Nghị quyết về Quy hoạch sử dụng đất đến năm 2020 và Kế hoạch sử dụng đất 5 năm (2011-2015). Cùng ngày, HĐND TP đã thông qua các Nghị quyết về Quy hoạch thoát nước Thủ đô Hà Nội tới năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 và Quy hoạch hệ thống thủy lợi đến năm 2020, định hướng năm 2030.

Học phí mới thấp kịch khung

Theo tờ trình của UBND TP Hà Nội, đối với các bậc học nhà trẻ; mẫu giáo, THCS; THPT; bổ túc THPT; bổ túc THCS, học phí tại khu vực thành thị là 40.000 đồng/học sinh/tháng; khu vực nông thôn 20.000 đồng/học sinh/tháng. TP cũng đề xuất thông qua chính sách cho phép học sinh ở 13 xã miền núi khó khăn thuộc Ba Vì, Thạch Thất, Quốc Oai, Mỹ Đức và Phúc Thọ được miễn học phí và hỗ trợ chi phí học tập. Các mức học phí đề xuất này phần lớn đều giảm so với trước đây. Chẳng hạn, các quận nội thành trước đây thu 70.000-80.000 đồng/học sinh/tháng thì nay giảm xuống còn 40.000 đồng/học sinh/tháng.

Thảo luận nội dung này, ĐB Nguyễn Tuấn Thịnh (Chương Mỹ) nói: “Tiểu học đã miễn học phí, nên chăng xem xét miễn luôn học phí với khối mầm non, nhà trẻ?”. ĐB Trần Thị Vân Hoa (Phú Xuyên) lo lắng: “Giảm học phí là tốt nhưng không biết thành phố lấy nguồn ở đâu để bù vào số kinh phí bị hụt đi? Liệu hoạt động của các trường có bị ảnh hưởng gì không?”. ĐB Phạm Xuân Tài (Thường Tín) cho rằng, vấn đề không phải học phí tăng hay giảm mà là quản lý các khoản thu khác trong nhà trường. Ông nói: “Chúng tôi đi giám sát mới thấy các khoản thu này mỗi nơi thu một kiểu, không theo nguyên tắc nào...”.

Trấn an các ĐB HĐND TP, Phó Chủ tịch UBND TP Nguyễn Thị Bích Ngọc phân tích: “Học phí không thể thấp hơn được nữa. UBND TP đã bàn bạc rất kỹ và đưa ra các mức học phí thấp nhất trong khung học phí được Chính phủ quy định tại Nghị định 49/NĐ-CP. Hà Nội không thể định ra mức học phí nằm ngoài khung này”. Đại diện UBND TP giải trình rằng, TP luôn xác định giáo dục là quốc sách hàng đầu và ưu tiên ngân sách chi cho giáo dục. “ĐB yên tâm là không lo thiếu chi phí cho các trường hoạt động. Khi học phí giảm, tổng kinh phí phải bù ra là 27 tỷ đồng/năm. TP sẽ bớt các chi tiêu khác đi cho các cháu học tập. Ngân sách sẽ bù đủ để các trường hoạt động bình thường...”.