Thông điệp mạnh mẽ về TPP

ANTD.VN - Tổng thống Mỹ Barack Obama và lãnh đạo 11 quốc gia khác đã cùng ký kết Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP), thể hiện quyết tâm hiện thực hóa hiệp định này cho dù Tổng thống đắc cử Mỹ Donald Trump tuyên bố không ủng hộ.

Lãnh đạo 12 quốc gia thành viên TPP trong cuộc gặp bên lề Hội nghị cấp cao APEC ở Peru

Tại cuộc gặp bên lề Hội nghị Cấp cao Diễn đàn Hợp tác Kinh tế châu Á - Thái Bình Dương (APEC), các nhà lãnh đạo 12 nước thành viên ký kết Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) đã tái khẳng định thúc đẩy các thủ tục trong nước, như đưa ra quốc hội phê chuẩn để hiệp định có hiệu lực. Đây được xem là động thái thể hiện nỗ lực thực thi thỏa thuận thương mại tự do này, trong bối cảnh Tổng thống đắc cử Mỹ Donald Trump không ủng hộ.

Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe nhấn mạnh: “Nếu các nước thành viên ngừng thủ tục trong nước, thì hiệp định TPP sẽ chết hoàn toàn. Điều này sẽ dẫn đến việc không thể kiềm chế chủ nghĩa bảo hộ”. Thể hiện quyết tâm cao độ muốn thực thi TPP, Nhật Bản đã trở thành quốc gia đầu tiên phê chuẩn hiệp định này sau khi ông Donald Trump đắc cử Tổng thống Mỹ. Vì thế, đây còn được xem là thông điệp thể hiện quyết tâm của các thành viên gửi tới chủ nhân tương lai của Nhà trắng.

TPP chính thức ký kết ngày 4-2-2016 tại New Zealand và được xem là hiệp định thương mại tự do (FTA) lớn nhất toàn cầu trong vòng 20 năm qua. Với 12 thành viên gồm Mỹ, Australia, Brunei, Canada, Chile, Nhật Bản, Malaysia, Mexico, New Zealand, Peru, Singapore và Việt Nam, có quy mô kinh tế chiếm 40% GDP và 30% thương mại toàn cầu.

Điều quan trọng nhất, TPP được kỳ vọng trở thành hình mẫu cho phát triển thương mại khu vực và thế giới với yêu cầu cao hơn trong bối cảnh lực lượng sản xuất phát triển rất nhanh và hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng.  12 quốc gia sáng lập TPP kỳ vọng hiệp định này sẽ giúp nâng cao mức sống của người dân, giảm nghèo, khuyến khích sự minh bạch, hiệu quả điều hành cũng như cải thiện việc bảo vệ người lao động, môi trường, mang lại lợi ích to lớn cho tất cả các thành viên.

Với nước Mỹ, hơn cả một hiệp định thương mại tự do, TPP còn là một nhân tố quan trọng trong chiến lược xoay trục hướng về châu Á-Thái Bình Dương mà chính quyền Tổng thống Obama đặt ưu tiên hàng đầu trong suốt 2 nhiệm kỳ qua. Bởi cùng với điều chuyển binh lực từ Đại Tây Dương sang Thái Bình Dương, chính quyền Tổng thống Obama muốn dùng TPP trở thành hạt nhân gắn kết hợp tác và lợi ích kinh tế với các quốc gia nằm quanh đại dương này.

TPP đang trên đường hiện thực hóa khi các quốc gia thành viên đã hoặc lên kế hoạch phê chuẩn thì gặp trở lại lớn từ ông Donald Trump, người đã lên tiếng phản đối hiệp định này lúc tranh cử. Tiến trình đi vào cuộc sống của TPP gặp trắc trở lớn nếu Tổng thống đắc cử Donald Trump giữ nguyên quan điểm này khi chính thức nắm quyền từ tháng 1 tới. 

Tuy nhiên, chính ông Trump đã “nói lại” nhiều cam kết sau khi đắc cử. Vì thế, việc các nhà lãnh đạo 12 nước thành viên TPP thể hiện quyết tâm hiện thực hóa hiệp định này bên lề APEC đã truyền đi một thông điệp mạnh mà Tổng thống đắc cử Trump khó có thể bỏ qua.