Thông điệp cứng rắn từ Bình Nhưỡng và Washington

ANTD.VN - Những động thái được cho nhằm thể hiện lập trường không khoan nhượng của Triều Tiên trong đàm phán phi hạt nhân hóa liên tiếp được phát đi từ Bình Nhưỡng với điểm đến là Washington.

Thông điệp cứng rắn từ Bình Nhưỡng và Washington ảnh 1Nhà lãnh đạo Kim Jong-un trong chuyến thị sát một loạt nhà máy chế tạo cơ khí quan trọng của Triều Tiên

Trong lần xuất hiện công khai đầu tiên trước người dân Triều Tiên được phản ánh trên truyền thông nhà nước trong 3 tuần qua, nhà lãnh đạo Kim Jong-un đã tới thị sát một số nhà máy cơ khí chế tạo và các cơ sở kinh tế tại tỉnh Jagang ở miền Bắc giáp giới với Trung Quốc. Lần gần đây nhất nhà lãnh đạo tối cao của Triều Tiên xuất hiện là khi Bình Nhưỡng phóng thử các vật thể bay tầm ngắn ngày 9-5 vừa qua.

Không phải ngẫu nhiên mà nhà lãnh đạo Kim Jong-un đã thực hiện chuyến đi thị sát các Nhà máy Máy kéo Tổng hợp Kanggye, Nhà máy Cơ khí chính xác Kanggye, Nhà máy Công cụ cơ khí Jangjagang và Nhà máy Cơ khí tổng hợp 8-2. Lên tiếng trong chuyến đi tới những nhà máy quan trọng trong lĩnh vực kinh tế của Triều Tiên, nhà lãnh đạo Kim Jong-un đánh giá cao việc các nhà máy đã góp phần tăng cường năng lực phòng thủ đất nước, đồng thời yêu cầu cần phải có “kế hoạch hiện đại hóa cao hơn, qua đó vươn lên tầm cao tiến bộ của thế giới”.  

Việc nhà lãnh đạo Kim Jong-un thị sát các cơ sở chế tạo cơ khí quan trọng của Triều Tiên diễn ra trong bối cảnh nước này đang phải chịu lệnh cấm vận và trừng phạt của quốc tế do chương trình hạt nhân gây tranh cãi. Trong khi đó, ai cũng thấy rõ Mỹ xem trừng phạt như là thứ “vũ khí” lợi hại để gây áp lực buộc Triều Tiên phải nhân nhượng trên bàn đàm phán cũng như thực thi phi hạt nhân hóa.

Bởi thế, theo giới phân tích, chuyến thị sát các cơ sở sản xuất trọng yếu của ông Kim Jong-un được cho muốn khẳng định rằng Triều Tiên vẫn trụ vững trước mọi sự bao vây, cấm vận. Cũng rất đáng chú ý khi không lâu trước chuyến thị sát của nhà lãnh đạo Kim Jong-un, nhật báo Rodong Sinmun, cơ quan ngôn luận của Đảng Lao động Triều Tiên, đã đăng bài xã luận quan trọng nhấn mạnh tới tinh thần tự lực tự cường và một nền kinh tế quốc gia độc lập là yếu tố then chốt giúp thúc đẩy sự phát triển và quyết định số phận của quốc gia này. 

Chuyến thị sát của nhà lãnh đạo Kim Jong-un còn được cho nhằm chuyển tải “thông điệp kép” khi những địa điểm mà ông Kim đến thăm có Nhà máy Cơ khi tổng hợp 8-2 được cho là nơi chế tạo bệ phóng tên lửa đạn đạo xuyên lục địa (ICBM) của Triều Tiên. Do đó, việc ông Kim Jong-un tới đây đã làm dấy lên dư luận về khả năng Triều Tiên có thể tiến hành vụ thử tên lửa ICBM mới trong bối cảnh đàm phán hạt nhân với Mỹ bế tắc bởi đây chính là địa điểm Bình Nhưỡng đã phóng tên lửa ICBM Hwasong-14 vào ngày 28-7-2017 và ông Kim Jong-un từng trực tiếp giám sát.

Thông điệp cứng rắn vừa phát đi từ Bình Nhưỡng đã nhận được phản hồi cứng rắn không kém từ Washington khi Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo ngày 3-6 bất ngờ tuyên bố rằng Triều Tiên “có thể” đã vi phạm các nghị quyết của Liên hợp quốc khi tiến hành các vụ phóng tên lửa hồi đầu tháng 5 vừa qua. Đánh giá này của quan chức phụ trách chính sách đối ngoại của Mỹ thay đổi hẳn so với tuyên bố của Tổng thống Donald Trump đưa ra ngay sau 2 vụ phóng thử tên lửa của Triều Tiên rằng ông coi các vụ phóng thử tên lửa này là “điều rất bình thường” và cũng không coi đó là hành động “phá vỡ niềm tin” của Bình Nhưỡng.

Thái độ và lập trường cứng rắn từ cả hai phía Mỹ và Triều Tiên trong bối cảnh tiến trình đàm phán phi hạt nhân hóa đang bị “đóng băng” đã khiến dư luận không khỏi lo lắng về khả năng tiến trình này có thể quay về điểm xuất phát, đẩy bán đảo Triều Tiên trở lại thời kỳ đối đầu căng thẳng trước đây.