Thông điệp của Giáo hoàng Francis và cánh cửa hòa bình cho Jerusalem

ANTD.VN - Chỉ có đối thoại trực tiếp giữa Israel và Palestine nhằm đi tới thỏa thuận về quy chế đối với Jerusalem mới có thể mở lại cánh cửa hòa bình Trung Đông đã khép chặt lại sau khi chính quyền Tổng thống Mỹ Donald Trump gây sốc với quyết định công nhận thành phố này là Thủ đô của Israel.

Thông điệp của Giáo hoàng Francis và cánh cửa hòa bình cho Jerusalem ảnh 1Làn sóng xung đột bạo lực mới đã bùng phát giữa người Palestine và Israel sau khi Tổng thống Mỹ Donald Trump quyết định công nhận Jerusalem là Thủ đô của Israel

Trong thông điệp Giáng sinh 2017 đưa ra khi phát biểu ngày 25-12 trước hàng chục nghìn người tại Vương cung thánh đường St. Peter ở Vantican, Giáo hoàng Francis đã kêu gọi hòa bình cho Jerusalem và một giải pháp cho 2 Nhà nước nhằm chấm dứt cuộc xung đột giữa  Israel và Palestine. Giáo hoàng cũng kêu gọi người Israel và Palestine nối lại đối thoại để có thể đạt được một giải pháp cho phép cho 2 Nhà nước tồn tại hòa bình trong khuôn khổ đường biên giới được 2 bên nhất trí và quốc tế công nhận.

Đây là lần thứ hai Giáo hoàng Francis có bài phát biểu trước công chúng về vấn đề Jerusalem kể từ khi Tổng thống Mỹ Donald Trump ra quyết định ngày 6-12 vừa qua công nhận Jerusalem là Thủ đô của Israel. Ngay cùng ngày 6-12, Giáo hoàng Francis đã kêu gọi các bên tôn trọng “nguyên trạng” của thành phố Jerusalem vì lo ngại các căng thẳng mới dẫn tới xung đột tại Trung Đông cũng như châm ngòi cho các cuộc xung đột khác trên thế giới.

Mối lo ngại của người đứng đầu Giáo hội đã có thể thấy ngay trên thực tế khi một làn sóng bạo lực mới đã lập tức nổ ra giữa người Palestine với các lực lượng an ninh Israel. Những cuộc biểu tình phản đối biến thành bạo động của người Palestine và những cuộc xung đột với các lực lượng Israel xảy ra gần như hàng ngày tại các vùng lãnh thổ của Palestine từ ngày 6-12 tới nay, làm ít nhất 12 người Palestine thiệt mạng.

Người đứng đầu cơ quan an ninh nội địa Shin Bet của Israel, ông Nadav Argaman ngày 24-12 đã phải lên tiếng thừa nhận rằng việc Tổng thống Mỹ Donald Trump công nhận Jerusalem là Thủ đô của Israel đã khiến cho tình trạng bất ổn gia tăng nhiều hơn.

Theo quan chức này, số vụ tấn công chống Israel đã giảm vào năm 2017 khi chỉ xảy ra 54 vụ tấn công so với 108 vụ trong năm 2016; và lực lượng an ninh Israel đã ngăn chặn được 400 vụ tấn công bằng bom, trong đó có 13 vụ đánh bom liều chết và 9 âm mưu bắt cóc.

Tuy nhiên, người đứng đầu Shin Bet cũng nhấn mạnh rằng, tình hình trở nên bất ổn hơn tại Dải Gaza và khu Bờ Tây bị chiếm đóng trong năm 2018 bởi tuyên bố của Tổng thống Mỹ  Donald Trump.

Căng thẳng không chỉ diễn ra giữa Israel và Palestine mà còn ở nhiều nơi khác trên thế giới, đặc biệt ở khu vực Trung Đông vốn đầy rẫy bất ổn và cả trong quan hệ giữa các quốc gia trên thế giới. Đến nay, ngoài Mỹ và Israel, mới chỉ có duy nhất quốc gia Mỹ Latin Guatemala tuyên bố công nhận Jerusalem là Thủ đô của Israel và cam kết chuyển Đại sứ quán từ Tel Aviv tới Jerusalem.

Chính quyền Tổng thống Mỹ Donald Trump được cho trong thời gian tới sẽ tìm mọi cách để gây sức ép với các quốc gia khác phải công nhận Jerusalem là Thủ đô của Israel, nhất là những nước hiện phụ thuộc và chịu ảnh hưởng lớn từ Mỹ. Đây chính là mầm mống có thể gây bất ổn trong quan hệ quốc tế. Đối chọi với Guatemala, Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan tuyên bố, nước này sẽ mở Đại sứ quán ở Đông Jerusalem, một động thái phản đối quyết định của Mỹ công nhận Jerusalem là Thủ đô của Israel. 

Chính vì thế, lời kêu gọi của Giáo hoàng Francis cũng phản ánh lập trường chung của cộng đồng quốc tế, trong đó có nhiều đồng minh thân cận của Mỹ, cho rằng chỉ có đối thoại trực tiếp giữa giữa Israel và Palestine về quy chế đối với Jerusalem mới là con đường đi tới hòa bình bền vững ở Trung Đông. Để tạo điều kiện đưa hai bên ngồi vào bàn đàm phán, trước hết cần rút lại quyết định công nhận Jerusalem là Thủ đô của Israel.