Thành tựu của Việt Nam trong “vai trò kép” Ủy viên không thường trực Hội đồng bảo an LHQ và Chủ tịch ASEAN 2020 (1):

Thông điệp của đối tác tin cậy và có trách nhiệm

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN - Tháng 10-2020, thế giới kỷ niệm 75 năm thành lập Liên hợp quốc (LHQ) - diễn đàn đa phương lớn nhất toàn cầu. Đây là dịp để chúng ta nhìn lại thành tựu đối ngoại đa phương của Việt Nam, nhất là trong năm 2020 khi lần đầu tiên Việt Nam đồng thời đảm nhiệm “vai trò kép” là Ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an LHQ và Chủ tịch ASEAN 2020.
Việt Nam được thế giới coi là hình mẫu trong xóa đói, giảm nghèo

Việt Nam được thế giới coi là hình mẫu trong xóa đói, giảm nghèo

Dấu mốc lịch sử trong đối ngoại đa phương

Sự kiện Việt Nam bước vào năm 2020 với việc cùng một lúc bắt đầu đảm nhiệm chức trách Ủy viên không thường trực Hội đồng bảo an LHQ nhiệm kỳ 2020-2021 và Chủ tịch ASEAN 2020 có thể coi là dấu mốc lịch sử trong lịch sử ngoại giao Việt Nam. Tuy nhiên, sự trùng hợp hai vai trò này trong cùng một thời điểm này không phải là điều bất ngờ bởi đây là kết quả tất yếu từ những nỗ lực không mệt mỏi trong hàng thập kỷ của Việt Nam.

Trước hết, đó là kết quả của chính sách đối ngoại rộng mở, đa phương hóa, đa dạng hóa các mối quan hệ quốc tế và chủ động, tích cực hội nhập quốc tế, đúng như đánh giá của Tổng bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng nêu trong thông điệp ngay sau khi Việt Nam trúng cử Ủy viên không thường trực Hội đồng bảo an LHQ với số phiếu kỷ lục 192/193. Tổng bí thư, Chủ tịch nước nhấn mạnh đây là “vinh dự lớn lao, khẳng định đường lối đối ngoại đúng đắn của Đảng và Nhà nước ta”.

Đường lối đối ngoại rộng mở do Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ VI của Đảng (12-1986) đề ra đã được các Đại hội và các Hội nghị Trung ương, Bộ Chính trị từ khóa VI đến khóa XII tiếp tục bổ sung, phát triển thành đường lối đối ngoại “Đa dạng hóa, đa phương hóa trong quan hệ đối ngoại; chủ động và tích cực hội nhập quốc tế; là bạn, là đối tác tin cậy và thành viên có trách nhiệm của cộng đồng quốc tế”. Đường lối đó đã góp phần giữ vững môi trường hòa bình, phục vụ tốt nhiệm vụ phát triển kinh tế, xã hội, đảm bảo quốc phòng, an ninh, nâng cao vị thế và uy tín của Việt Nam trong khu vực và trên thế giới.

Trên cơ sở thông điệp “là bạn, là đối tác tin cậy và thành viên có trách nhiệm của cộng đồng quốc tế”, Việt Nam đã tham gia tích cực vào tiến trình hợp tác quốc tế và khu vực, đưa các quan hệ quốc tế đã được thiết lập đi vào chiều sâu, ổn định, bền vững, đồng thời hội nhập sâu hơn và đầy đủ hơn vào các thể chế kinh tế toàn cầu, khu vực và song phương. Kết quả của chính sách đúng đắn đó là hiện nay chúng ta có quan hệ ngoại giao với 187 quốc gia, xây dựng quan hệ đối tác chiến lược và toàn diện với 25 nước, trong đó bao gồm cả 5 thành viên thường trực HĐBA LHQ...

Việc Việt Nam được bầu là Ủy viên không thường trực HĐBA LHQ, giữ vai trò Chủ tịch ASEAN 2020 còn là sự ghi nhận quan trọng, đánh giá cao của cộng đồng quốc tế đối với vai trò và đóng góp xứng đáng của Việt Nam vào công việc quốc tế và khu vực; thể hiện vị thế, uy tín ngày càng cao của Việt Nam trên trường quốc tế.

Các nước tin cậy Việt Nam vì Việt Nam được biết đến là một đất nước phải trải qua 2 cuộc chiến tranh, hiểu rất rõ giá trị của hòa bình và yêu chuộng hòa bình, luôn phấn đấu hết mình đóng góp cho sự tiến bộ của nhân loại trên thế giới. Không những thế, Việt Nam còn được quốc tế coi là hình mẫu trong công cuộc xóa đói giảm nghèo.

Chủ trương lớn, giàu tính nhân văn trong mục tiêu xóa đói giảm nghèo không chỉ thể hiện truyền thống tốt đẹp của dân tộc Việt Nam, mà còn là một trong những nỗ lực thực hiện mục tiêu Thiên niên kỷ, phát triển bền vững mà LHQ thúc đẩy trên toàn cầu. Chính bằng quyết tâm đó, Việt Nam đã sớm hoàn thành Mục tiêu phát triển Thiên niên kỷ về xóa nghèo vào năm 2006, về đích trước 10 năm so với thời hạn mà LHQ đề ra là năm 2015.

Tâm thế của một Việt Nam yêu chuộng hòa bình, đổi mới và hội nhập

Đảm nhiệm vai trò thành viên không thường trực Hội đồng bảo an LHQ và Chủ tịch ASEAN 2020 là một vinh dự lớn lao, song cũng là trách nhiệm hết sức nặng nề. Trước những nhiệm vụ quan trọng cộng đồng quốc tế giao phó, Việt Nam luôn nỗ lực hết mình để hoàn thành trọng trách, đúng như lời khẳng định của Tổng bí thư, Chủ tịch nước

Nguyễn Phú Trọng: “Việt Nam đã và sẽ tiếp tục thực hiện nhất quán đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, đa phương hoá, đa dạng hoá quan hệ đối ngoại, chủ động và tích cực hội nhập quốc tế; là bạn, là đối tác tin cậy và thành viên có trách nhiệm của cộng đồng quốc tế; thúc đẩy tuân thủ Hiến chương LHQ và luật pháp quốc tế, góp phần tích cực vào những nỗ lực chung của cộng đồng quốc tế vì hòa bình, hợp tác và phát triển”.

Với chủ đề “Việt Nam: Đối tác tin cậy vì hòa bình bền vững” trong nhiệm kỳ Ủy viên không thường trực HĐBA LHQ 2020-2021, Việt Nam muốn truyền đi thông điệp sẽ nỗ lực thúc đẩy hợp tác đa phương, tăng cường hiệu quả phương thức giải quyết các vấn đề toàn cầu. Mục tiêu trước tiên là đóng góp phát huy vai trò hàng đầu của HĐBQ LHQ là duy trì hòa bình và an ninh quốc tế, ưu tiên thúc đẩy các nỗ lực ngăn ngừa xung đột, giải quyết khủng hoảng.

Mục tiêu đó sẽ được thực hiện thông qua việc triển khai các nhiệm vụ cụ thể gồm: Ngăn ngừa xung đột, ngoại giao phòng ngừa, giải quyết hòa bình tranh chấp; Cải cách phương pháp làm việc của HĐBA, tăng cường vai trò của các tổ chức khu vực; Bảo vệ thường dân, các cơ sở dân sự trong xung đột vũ trang; Bảo vệ và thúc đẩy vai trò của phụ nữ đối với hòa bình và an ninh, trẻ em và xung đột vũ trang; Giải quyết hậu quả xung đột, phục vụ tái thiết và phát triển kinh tế xã hội; Tăng cường và nâng cao hiệu quả các hoạt động gìn giữ hòa bình LHQ; Ứng phó với biến đổi khí hậu đối với hòa bình và an ninh quốc tế.

Với khu vực ASEAN, trong bối cảnh xu hướng đơn phương và chủ nghĩa bảo hộ gia tăng trên thế giới cùng những biến động bất ngờ như đại dịch Covid-19, Việt Nam đã chủ động đưa ra chủ đề “Gắn kết và Chủ động thích ứng” cho năm Chủ tịch ASEAN 2020. Mục tiêu của Việt Nam là sẽ thúc đẩy các ưu tiên gồm: Phát huy vai trò và đóng góp tích cực của ASEAN vào công cuộc duy trì môi trường hòa bình, an ninh và ổn định ở khu vực; Thúc đẩy liên kết và kết nối khu vực, nâng cao khả năng thích ứng và tận dụng các cơ hội của Cách mạng Công nghiệp lần thứ tư; Thúc đẩy ý thức cộng đồng và bản sắc ASEAN; Đẩy mạnh quan hệ đối tác vì hòa bình và phát triển bền vững với các nước trên thế giới…

Những trọng trách đa phương mà Việt Nam đảm nhiệm trong năm 2020 là cơ hội để chúng ta khẳng định tâm thế của một Việt Nam yêu chuộng hòa bình, đổi mới, hội nhập quốc tế sâu rộng. Đó cũng là thời cơ để Việt Nam đóng góp chủ động, tích cực, có trách nhiệm vào hòa bình, an ninh và thịnh vượng chung của khu vực và thế giới; đồng thời tạo ra những động lực mới cho phát triển và nâng cao vai trò, vị thế của Việt Nam.

(Còn tiếp)