Thông điệp bạo lực sau những vụ ám sát đẫm máu

ANTĐ - Chỉ trong vòng chưa đầy một tuần, 2 quan chức cao cấp của Afghanistan bị sát hại. Trên biên giới Pakistan-Afghanistan, 5 quan chức Chính phủ Pakistan bị bắt cóc. Thông điệp nào sau những vụ ám sát đẫm máu và bắt cóc này?

Hai nạn nhân trong các vụ ám sát là ông A. Karzai, em trai Tổng thống H. Karzai, và ông J. Khan, cựu tỉnh trưởng Uruzgan - một đồng minh thân cận của Tổng thống. 5 quan chức Pakistan bị bắt cóc là thành viên của Tập đoàn Thăm dò Khoáng sản Pakistan, trong đó có giám đốc dự án của tập đoàn này. Không khó khăn gì để khẳng định Taliban chính là thủ phạm của bạo lực.

 Kể từ khi bị loại khỏi chính trường Afghanistan, bạo lực đã trở thành phương thức hoạt động chủ yếu của Taliban. Tuy nhiên, việc Taliban bất ngờ đẩy mạnh việc bắt cóc và ám sát nhằm vào các quan chức cao cấp Afghanistan và Pakistan lại xuất phát từ mục tiêu chính trị mà lực lượng này ngắm tới vào thời điểm có tính bước ngoặt trên chính trường Afghanistan hiện nay.

Hôm 15-7 vừa rồi, nhóm đầu tiên gồm 650 binh sĩ Mỹ đồn trú ở tỉnh Parwan, Tây Bắc Thủ đô Kabul, đã bay về nước, mở đầu cho kế hoạch từng bước rút toàn bộ quân Mỹ khỏi đất nước Nam Á này từ nay đến năm 2014. Trước đó một tuần, một đồng minh thân cận của Mỹ là Canada đã chấm dứt sứ mệnh tại Afghanistan sau 9 năm với 157 binh sĩ thiệt mạng và 11 tỷ USD chiến phí. Các đồng minh khác của Mỹ là Anh, Pháp, Đức cũng đã thông báo kế hoạch rút quân trước cuối năm 2012.

Quá trình chuyển giao quyền kiểm soát an ninh từ Lực lượng hỗ trợ an ninh Quốc tế (ISAF) cho các lực lượng Afghanistan đã bắt đầu từ ngày 17-7 sau một buổi lễ bàn giao được tổ chức tại trụ sở cảnh sát tỉnh Bamiyan, đơn vị đầu tiên trong số 7 khu vực tiếp nhận quyền đảm bảo an ninh trong tháng bảy. Đây có thể coi là sự khởi đầu quá trình người Afghanistan tự đứng ra cai quản đất nước và kiểm soát an ninh mà không có sự can dự của nước ngoài.

 Đám tang ông J. Khan với sự tham gia của Tổng thống H. Kazai

 Đám tang ông J. Khan với sự tham gia của Tổng thống H. Kazai

Trong khi đó lâu nay, do lâm vào thế bế tắc trên chiến trường, Mỹ và chính quyền của ông H. Kazai đã phải tính đến vai trò của Taliban trên chính trường Afghanistan trong tương lai. Thủ tướng Anh D. Cameron thậm chí còn cho rằng khả năng đàm phán với Taliban có thể dẫn tới một kết cục hòa bình giống như ở Bắc Ailen. Ngay Liên hợp quốc cũng để ngỏ khả năng đưa lực lượng Taliban khỏi danh sách các tổ chức khủng bố và công nhận Taliban là một đảng chính trị ở Afghanistan.

Hàng loạt những cuộc đàm phán cả bí mật và công khai đã diễn ra giữa Chính quyền Afghanistan, Mỹ với Taliban. Nhiều thông tin tiết lộ rằng một giải pháp có thể đạt được cho cuộc chiến kéo dài gần 10 năm qua ở nước này với sự tham gia của Taliban. Tuy nhiên tất cả những điều này mới chỉ diễn ra trên bàn đàm phán, chứ chưa có sự bảo đảm chính thức về vai trò của Taliban.

Trong bối cảnh Mỹ và các nước đồng minh rút khỏi Afghanistan, Taliban muốn vai trò của mình phải được khẳng định, chứ không phải chỉ là một giả thuyết. Với công cụ duy nhất hiện có trong tay là bạo lực, Taliban lại một lần nữa đem nó ra thực hiện nhằm đạt mục tiêu chính trị. Khi mà tham vọng đó còn chưa đạt được, thì rất có thể sẽ có thêm những nạn nhân nữa của đòn bạo lực từ phía Taliban.