Thói tùy tiện uy hiếp tính mạng, sự an toàn của người khác

ANTĐ - Dự án mở rộng Quốc lộ 1A đoạn qua tỉnh Quảng Bình khỏi công từ năm 2013 đến tháng 8-2015 vừa qua đã được đưa vào sử dụng. Nhưng chỉ 4 tháng sau, hơn 100 điểm bị phá tấm chắn lóa và dải phân cách, một số người dân tự ý mở lối đi tùy tiện. 
Thói tùy tiện uy hiếp tính mạng, sự an toàn của người khác ảnh 1

Người dân diều khiển phương tiện qua đường bằng lối đi tự mở trên QL 1A đoạn qua xã Bắc Trạch, huyện Bố Trạch (Quảng Bình)

Quốc lộ 1A không chỉ bị phá ở Quảng Bình mà đoạn từ Thanh Hoá đến Hà Tĩnh cũng bị xâm phạm. Con đường có vốn đầu tư hàng nghìn tỉ đồng với thiết kế hiện đại, nhưng chỉ chưa đầy 3 tháng sau khi hoàn thành đã bị xâm phạm, phá hoại với những hành vi thô bạo, coi thường luật pháp. Những hành vi này chủ yếu là phá hủy, di chuyển các hạng mục đảm bảo an toàn giao thông, hỗ trợ cho quá trình lưu thông của phương tiện được thuận lợi và hiệu quả hơn. Đương nhiên, hành vi phá hoại, di chuyển sai quy cách thiết kế các dải phân cách, tấm chống lóa, biển báo hiệu, gây ra nguy cơ mất an toàn cho phương tiện và uy hiếp tính mạng của người tham gia giao thông.

Ở tỉnh Thanh Hoá đoạn Quốc lộ 1A chạy qua 2 huyện Quảng Xương và Tĩnh Gia có hơn 30 điểm dải phân cách, tấm chắn lóa, biển hiệu bị phá hoại, di chuyển. Hành vi tự ý phá bỏ dải phân cách và các công trình phụ trợ giao thông đã được quy định rõ là vi phạm  Điều 203 Bộ luật Hình sự. Theo điều luật này, người vi phạm có thể bị phạt tù đến 10 năm. Nhưng bất chấp mọi sự cảnh báo, việc tùy tiện phá dỡ các công trình phụ trợ giao thông trên các tuyến đường vừa xây dựng, chỉnh trang, nâng cấp tốn hàng nghìn tỉ đồng vẫn tiếp tục diễn ra.      

           

Trước hết, phải khẳng định rõ, phá hoại dải phân cách, bảng chống loá, biển báo hiệu trên các tuyến đường là hành vi vi phạm pháp luật. Những kẻ phá hoại thường vin vào đủ mọi lý do về sự không thuận tiện trong sinh hoạt khi bị các dải phân cách ngăn cản việc đi lại giữa hai bên đường quốc lộ mới xây dựng… Tuy nhiên, việc đập phá các tấm chắn loá, tháo gỡ biển báo giao thông, thậm chí đập vỡ các gương cầu tại các khúc cua thì không lý lẽ nào có thể giải thích nổi. 

Cũng có người vi phạm đổ lỗi cho sự thiếu hợp lý trong thiết kế. Trong khi đó, ông Nguyễn Văn Thạch, Vụ trưởng Vụ An toàn giao thông - Bộ GTVT cho biết, mỗi khi thiết kế các điểm giao, Bộ GTVT đều đã làm việc với Ban An toàn giao thông các địa phương để thống nhất tạo ra các điểm giao cắt trên quốc lộ hợp lý. Dứt khoát ở những điểm có độ cao, góc cua, tầm nhìn bị hạn chế thì không  được mở các điểm giao cắt, và tỉ lệ cứ 1km có một điểm giao cắt là hợp lý. Đại diện của Ban quản lý dự án 1 (Bộ GTVT) cũng tán thành ý kiến không nên mở nhiều các điểm giao theo đề nghị của các địa phương, vì nếu chiều theo yêu cầu này thì sẽ có hàng nghìn điểm giao cắt trên Quốc lộ 1A làm giảm hiệu quả đầu tư dự án, đó là chưa kể còn làm tăng nguy cơ TNGT.

Người viết bài này đã từng đi trên tuyến đường từ thành phố Malmo của Thụy Điển tới thủ đô Oslo của Na Uy dài hơn 2.000 km khứ hồi mà chỉ mất hơn 1 ngày. Hai bên đường đều được rào kín bằng lưới thép mắt cáo, chỉ trừ một số thành phố mới có điểm giao cắt. Bên cạnh việc thiết kế phù hợp các điểm giao cắt cho khu vực dân sinh và  hoàn thiện hệ thống cầu vượt của ngành giao thông, thì chính quyền địa phương cần nâng cao trách nhiệm trong phát hiện, ngăn ngừa hành vi tùy tiện phá hoại các hạng mục giao thông uy hiếp tính mạng, sự an toàn của người khác trên quốc lộ. Không thể bất lực nại ra  ý kiến thiếu trách nhiệm như một vị  Chủ tịch xã ở huyện Diễn Châu (Nghệ An) cho rằng “Dân, họ phá ban đêm, xã không kiểm soát được”.            

Tội cản trở giao thông đường bộ 
1. Người nào có một trong các hành vi sau đây cản trở giao thông đường bộ gây thiệt hại cho tính mạng hoặc gây thiệt hại nghiêm trọng cho sức khoẻ, tài sản của  người khác, thì bị phạt tiền từ 5 triệu đồng đến 30 triệu đồng, cải tạo không giam giữ đến 2 năm hoặc phạt tù từ 3 tháng đến 3 năm:
a) Đào, khoan, xẻ trái phép các công trình giao thông đường bộ;
b) Đặt trái phép chướng ngại vật gây cản trở giao thông đường bộ;
c) Tháo dỡ, di chuyển trái phép, làm sai lệch, che khuất hoặc phá huỷ biển báo hiệu, các thiết bị an toàn giao thông đường bộ;
d) Mở đường giao cắt trái phép qua đường bộ, đường có dải phân cách;
đ) Lấn chiếm, chiếm dụng vỉa hè, lòng đường;
e ) Lấn chiếm hành lang bảo vệ đường bộ;
g) Vi phạm quy định về bảo đảm an toàn giao thông khi thi công trên đường bộ;
h) Hành vi khác gây cản trở giao thông đường bộ.

2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 2 năm đến 7 năm:
a) Tại các đèo, dốc và đoạn đường nguy hiểm;
b) Gây hậu quả rất nghiêm trọng.

3. Phạm tội gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng thì bị phạt tù từ 5 năm đến 10 năm.

4. Phạm tội trong trường hợp có khả năng thực tế dẫn đến hậu quả đặc biệt nghiêm trọng nếu không được ngăn chặn kịp thời, thì bị phạt tiền từ 5 triệu đồng đến 20 triệu đồng, cải tạo không giam giữ đến 1 năm hoặc phạt tù từ 3 tháng đến 1 năm.
                                      T.K (Trích Điều 203 - Bộ luật Hình sự)