Thời “tự do phát biểu”: Dở cũng là… nghệ thuật!

ANTĐ - Nam ca sỹ trẻ đình đám Sơn Tùng M-TP vừa tung ra MV mới “Không phải dạng vừa đâu” đã lập tức gây “bão” dư luận. “Bão” không phải vì sản phẩm dưới bàn tay nhào nặn của công ty ông bầu Quang Huy quá xuất sắc, đánh trúng tâm lý khán giả như trước, mà vì ở MV này, những ai từng “ngáng đường” Sơn Tùng bị đem ra khắc họa đầy giễu cợt, khiến nhiều người nổi giận.

Nhưng kỳ lạ thay, không ít người vẫn bênh vực anh chàng “Khuôn mặt đáng thương” chằm chặp, và đổ dồn sự chỉ trích cho chính những người bị giễu cợt trong MV là không biết tạo điều kiện cho “tự do sáng tạo nghệ thuật phát triển”. Quả là một sự khôi hài trong thời đại “tự do phát biểu” này, khi người ta dễ dàng bày tỏ quan điểm của mình qua mạng xã hội Facebook, Twitter, các loại blog… và cũng dễ dàng được tung hô quan điểm cá nhân đó bởi một cộng đồng không cần đọc kỹ, chẳng cần xem kỹ đã vội gật đầu.

Hai nhân vật xuất hiện ở đầu clip, thoạt nhìn ai cũng hiểu đó là… ai. Một sự khắc họa có thể coi là xuất sắc, vì hai vị nhạc sỹ Phó Đức Phương và Dương Khắc Linh được “tạc” quả là giống! Nhưng có lẽ hai nhạc sỹ chẳng có cơ hội vui mừng được lâu, bởi hai nhân vật bắt chước đó vào vai bị giễu cợt rõ quá! Họ diễn như thể những chú hề trong vai “o ép” người khác, và rồi phải bất lực trước anh chàng “Không phải dạng vừa đâu” tung hê tất cả, với khuôn mặt theo phong cách “vênh” quen thuộc.

Tại sao êkíp thực hiện MV "Không phải dạng vừa đâu" lại chọn hai nhạc sỹ Phó Đức Phương và Dương Khắc Linh để... nhái?

Câu hỏi lúc này là tại sao êkíp của Sơn Tùng M-TP lại chọn cách gây “bão” đó để đưa vào MV của một ca khúc vốn đã có mức độ phổ biến rất lớn?

“Hình ảnh hai vị khách đang bị so sánh với các nhân vật có thật ngoài đời chỉ đơn giản là biểu tượng cho khoảng cách thế hệ, nhất là trong những công việc mang tính trừu tượng như nghệ thuật. Hai vị khách đó cũng xuất hiện trong cảnh kết, cùng nhảy múa vui vẻ chính là ước mơ của chúng tôi: Âm nhạc xóa đi mọi ranh giới về khoảng cách và làm cho con người có thể xích lại gần nhau” – câu trả lời của người đại diện cho êkíp sản xuất chắc chắn không làm thỏa lòng những người đứng ở vị trí khách quan và hẳn chẳng làm cho hai nhạc sỹ bị “nhái” hình ảnh… xích lại gần những người chế giễu họ. Câu trả lời này có lẽ nên dành cho mỗi người tự tìm ra, sau khi tham khảo thêm những thông tin liên quan từ trước.

Nhưng qua câu chuyện tranh cãi của MV nói trên, người ta còn có thêm lý do để mà… sợ, sợ cái môi trường “tự do phát biểu” hiện nay, vì nhiều người – thậm chí không phải là fan (người hâm mộ) của Sơn Tùng – cũng sẵn sàng đứng lên bênh anh chàng ca sỹ này với lý do “đó mới là nghệ thuật”. Họ chỉ trích những bài báo phản ứng MV là “nhận vơ hình ảnh vào các nhạc sỹ”, họ tin rằng nghệ thuật là phải được sáng tạo tự do (và chế giễu người khác vì mâu thuẫn cá nhân cũng nằm trong phạm trù “tự do" đó), và họ tiếp thêm nguồn cảm hứng cho rất nhiều người – đặc biệt là cộng đồng fan đông đảo của Sơn Tùng M-TP – rằng, làm thế là đúng, và nghệ thuật là vậy đấy!

Đúng là Facebook, Twitter hay bất kỳ mạng xã hội, trang cá nhân nào cũng tạo điều kiện tối đa cho mỗi cá nhân tự do bày tỏ quan điểm của mình. Nhưng điều đó không có nghĩa là người ta có thể ủng hộ cái sai trở thành cái đúng.

Thử nghĩ xem, tới một ngày không đẹp trời nào đó, chúng ta bị khắc họa đầy chế giễu trong MV mới của một ca sỹ nổi tiếng. Chưa kịp thể hiện sự bức xúc hay không đồng tình, rất nhiều ý kiến từ “cộng đồng mạng” – bao gồm cả fan của ca sỹ đó cũng như không ít nhân vật “có số má” trên mạng xã hội – tung hô, ủng hộ, cho rằng đó mới là “sáng tạo nghệ thuật tự do”, những người đang bị chế giễu là chúng ta sẽ thế nào? Quả là khó nghĩ, quả là “không phải dạng vừa đâu” trong cái thời chỉ trích loạn lạc này.