Thôi rồi!

ANTĐ - Bắt đầu nó hơi ngưa ngứa tít sâu trong họng, sau đó là nước mắt nước mũi thi nhau chảy ra, rồi hắt xì hơi. Hắt xì hơi ra toàn nước ướt đẫm hết cả cái khăn mùi xoa. Rồi nó nong nóng trong họng, trong mũi gờn gợn đau và rát. Rát vô kể…

Thôi rồi! ảnh 1Minh họa: Thành Chương

- Thôi thôi thôi, biết rồi, biết rồi. Thế cậu đã khám ở đâu chưa?

- Rồi! Giáo sư - Tiến sĩ, giám đốc bệnh viện cậu đây này!

- Thôi, chết tôi rồi. Cậu vào đây! Vào đây! Giáo sư rởm, tiến sĩ giấy nhiều vô kể, sao cậu lại nghe tay ấy, có ngày toi!

Tôi thật lòng không hiểu đầu cua tai nheo ra làm sao. Mấy hôm trước thấy khó chịu trong người, định đến bệnh viện khám, nhưng không gặp Khoa. Vừa định chuồn thì tình cờ gặp tiến sĩ, giáo sư, bác sĩ, giám đốc của anh. Giám đốc biết tôi vì tôi là nhà báo, bạn thân của Khoa nên mới chào mời.  Rồi anh ấy khám cho tôi, kê đơn cho tôi miễn phí.

Tôi theo Khoa vào phòng. Khoa ghé tai tôi nói nhỏ, vẻ quan trọng:

- Đưa cái đơn ấy đây xem ông ta kê cho cậu những gì nào!

Tôi lấy đơn thuốc hôm kia giáo sư kê, đưa cho Khoa, nói:

- Rặt kháng sinh, có vẻ ông này muốn đánh phủ đầu bọn siêu vi trùng cảm cúm.

- Khỉ! Đúng là cậu mà không gặp tôi thì tiền mất tật mang. Ngồi xuống đây!

Tôi ngoan ngoãn ngồi xuống, vạch lưng cho Khoa nghe, há mồm cho Khoa khám. Đoạn, Khoa bảo tôi :

- Cậu quên khẩn trương tay giáo sư, tiến sĩ ấy đi hộ tôi. Cánh giáo sư, tiến sĩ ấy chỉ là con mọt sách, biết gì môn điều trị học?

- Cậu nói gì mà ghê vậy.

- Bây giờ về cậu mua cho tôi ba loại thuốc này, uống trong năm ngày, khỏi ngay thôi mà. Cậu là cậu bị viêm họng hạt mãn tính, hiểu chưa? Thế mà ông ta kê thuốc cảm cúm cho có chết người không kia chứ!

Tôi về mà lòng nặng trĩu buồn vì mấy lời phán như dao chém đá của Khoa. Đành rằng có thể ông giáo sư, tiến sĩ, bác sĩ, giám đốc bệnh viện khám cho tôi chưa thật chính xác, nhưng nếu cứ theo cách phán của Khoa thì hóa ra thế nào nhỉ? Bấy lâu nay tôi luôn coi Khoa là bác sĩ “gia đình” của tôi và tất nhiên tôi phải bỏ cái đơn và số thuốc Giáo sư kê cho rồi đi mua thuốc theo đơn của Khoa, uống. Tôi thực lòng vẫn không nguôi áy náy vì giáo sư, tiến sĩ, giám đốc bệnh viện đã nhiệt tình khám cho tôi cũng khá kỹ. Ông còn viết phiếu cho tôi đi lấy máu xét nghiệm. Nhưng tôi nghĩ mình cảm cúm lèng tèng quan trọng gì đâu mà phải dềnh dang theo kiểu “nhà giàu đứt tay, ăn mày đổ ruột” làm gì…

Uống thuốc của Khoa đến ngày thứ hai thì bắt đầu đỡ đau họng hơn nhưng sao có vẻ như lại tăng cường ho, nhất là đêm xuống, tôi vừa chợp mắt là thầy gờn gợn ngứa, ngứa nơi trong cùng của họng, khó chịu kinh khủng. Sau đó là ho. Ho muốn bật phổi ra ngoài. Vợ tôi sốt ruột bảo, anh mắc bệnh ho mà anh Khoa cho thuốc bệnh đau, khỏi làm sao được?

- Thì có ho nó mới phát đau rát nơi họng chứ, tôi cãi vợ.

- Ho với đau là hai phạm trù hoàn toàn khác nhau, vợ tôi bắt đầu triết lý. Và tôi chột dạ tự mình bảo mình, thôi “em” xin “chị”, em thua. Đối với nàng tôi luôn áp dụng chủ nghĩa “em thua” để mau đến đích thắng lợi.

- Ừ thôi thế tùy em.

Vợ tôi vừa ngoáy điện thoại gọi đi đâu đó vừa nói tiếp:

- Ông Khoa trưởng khoa ngoại biết gì môn bệnh học mà phán cứ như thánh sống!

Tôi phải xin quý vị độc giả cái ngoặc đơn ở chỗ này: bà xã tôi vốn là một cô y tá có tên tuổi ở bệnh viện huyện, sau khi lấy tôi bị tôi kéo ra thành phố làm chân tiêm thuê cho một cơ sở y tế phường, được mấy năm rồi chán nghề, về mở cái tủ thuốc con con tại nhà bán, ai nhờ tiêm thì tiêm, ai nhờ khám cũng có cái tai nghe, cái đo huyết áp, khám hộ như ai, thế mà được khối người đánh giá cao.

- Để em gọi cho cô Oanh.

Đối với ngành y nước nhà, theo chỗ vợ tôi đánh giá thì cô Oanh, bác sĩ, bạn của nàng, hiện đang làm chân gì đó của trung tâm y tế cộng đồng, là số một.

Ngay lập tức, sau cú phôn của vợ tôi, bác sĩ trẻ Ngọc Oanh có mặt. Oanh cũng khám cho tôi giống y như Giáo sư, tiến sĩ, giám đốc bệnh viện đã khám. Cũng ngần ấy động tác giống y hệt bác sĩ Khoa, thầy lang “gia đình” của tôi, kiêm bác sĩ trưởng khoa ngoại của bệnh viện, không thiếu một công đoạn nào.

Nhưng cô phán khác:

- Anh bị viêm phế quản, nhiễm virus cúm, nếu cứ uống kháng sinh liều cao như đơn thuốc này thì cũng khỏi nhưng không bao giờ dứt tiệt nọc được. Phải uống theo đơn của em đây, nếu anh tin em.

- Tin chứ, vợ tôi phấn khởi đỡ lời tôi, nói. Không tin mà tôi gọi cô đến đây?

Nói rồi nàng quay sang tôi, nói với tôi như nói với con nàng:

- Thấy chưa? Cứ nghe linh tinh có ngày chết oan!

Vợ tôi tiễn Oanh về và tiện thể cùng Oanh ra hiệu thuốc mua thuốc cho tôi. Mấy ngày tiếp theo tôi nằm bẹp ở nhà ho sù sụ. Nằm một mình,  tự kiểm điểm lại, hai ngày uống thuốc của giáo sư, tiến sĩ, giám đốc bệnh viện, hình như chưa kịp nghe ngóng bên trong cơ thể mình chuyển biến thế nào thì tôi lại đổi thầy, đổi thuốc. Kế đó hai ngày uống thuốc theo đơn của bác sĩ Khoa, hình như đang có sự chuyển biến thì nay lại đến thuốc của cô Oanh! Thôi thì mình có bệnh phải vái tứ phương. Khoa điện đến hỏi tôi thế nào? Tôi bảo đỡ nhiều rồi. Khoa nhắc, cấm cậu được nghe ai, cứ đơn thuốc của tôi mà “giã”, hết tuần này là đi uống bia với tôi được rồi. Ừ, tôi tiếp tục “nhất trí”. Đối với Khoa thì chỉ có mỗi con đường “nhất trí” vì cậu ấy chưa bao giờ cho tôi cơ hội cãi lại một câu, dù đó là vấn đề gì. Hỏi thăm bệnh mà hỏi: Họng hết đau rồi phải không? Hỏi thế thì tôi nhất thiết phải “hết rồi”, nếu không cậu ấy sẽ quát: “Vớ vẩn, sao lại có thể không hết! Tôi đã bảo hết là hết!”.

Quả tình cái họng của tôi có đỡ đau thật, nhưng ngứa và ho thì vẫn khậm khẹc. Uống thuốc của cô Oanh có vẻ chuyển biến khá nhưng hình như cô ấy cho kháng sinh liều hơi bị thấp, tôi bảo vợ tôi thế. Vợ tôi liền phủ nhận ý kiến của tôi ngay. Theo chỗ vợ tôi  thì cô Oanh là bác sĩ cao cấp nhất, vì cô ấy thường xuyên đi sâu đi sát với cộng đồng.

Vâng, bạn “chị” thì nhất rồi, tôi nghĩ. Nhưng nói gì thì nói, trong số những bác sĩ tôi quen biết, tôi vẫn tin Khoa hơn. Thế cho nên tôi mới lén lút trốn vợ mò đến bệnh viện tìm anh lần nữa. Lại không gặp. Người ta bảo bác sĩ Khoa đang mổ một ca phức tạp. Tôi lại mò lên phòng Giáo sư. Giáo sư rất vui vẻ tiếp tôi, ông bảo bệnh cậu đỡ chưa, tôi bảo cũng đỡ đỡ rồi anh, nhưng vẫn còn ho quá. Ông bảo, uống đúng đơn tôi kê cho cậu chứ? Tôi thật thà kể, bác sĩ Khoa mấy hôm sau đã khám lại, cho đơn lại, vì bác sĩ Khoa là bạn lâu năm nên hiểu căn nguyên sâu xa căn bệnh ho của em. Giáo sư hơi khó chịu, bảo tôi lần sau nếu đau ốm gì cứ lên ông, ông xem bệnh cho, hoặc ông điều các bác sĩ giỏi xem cho, đừng dại nghe tay Khoa gàn. Tay ấy tốt nhưng hơi bị dốt, cái thời chữa bệnh bằng kinh nghiệm qua rồi. Cần phải học và hành… Tôi ậm ừ cho qua rồi ý tứ xin phép Giáo sư ra về, khi có một người khách tới.

Tôi thật lòng cảm thấy mến Giáo sư, nhưng cũng không kém phần lúng túng vì những lời nhận xét của ông về Khoa vừa rồi. Có lẽ ông đúng! Nhưng tôi và Khoa là bạn bè với nhau mấy chục năm nay, từ hồi sau chiến thắng 75 ra Bắc, anh làm y sĩ cho trạm khách rồi trạm khách giải tán, anh được đi học bác sĩ, ra trường, anh đỗ bằng đỏ khoa ngoại, học thêm chuyên khoa Đông y hơn một năm, nay đã làm cái bằng Thạc sĩ, Trưởng khoa ngoại, mổ người như mổ gà, năm mươi ba tuổi, ngấp nghé chân Viện phó, kể thế cũng vừa phải. Ở cái bệnh viện ngành này, có lần Khoa kể, hồi còn bao cấp rất được quan tâm vì ông Bộ trưởng xuất thân từ bác sĩ. Đến khi ông bác sĩ, bộ trưởng về hưu thì tay bộ trưởng mới, vốn là thứ trưởng thường trực, không có chuyên môn gì rõ rệt lên thay. Ông này không mấy quan tâm đến vấn đề y tế cho ngành, thành thử bệnh viện mà như trạm xá xã, các bác sĩ giỏi bỏ đi nơi khác hết. Tay bộ trưởng có lần đến thăm chẳng những không muốn cho bệnh viện phát triển mà còn tuyên bố xanh rờn: Giải tán quách. Không việc gì cứ mỗi ngành lại phải sinh ra một cái bệnh viện to đùng, to đoàng, tốt nhất là giải tán! May mà lời nói ấy chưa kịp biến thành hành động thì có công cuộc đổi mới tư duy, tay bộ trưởng võ biền ấy về vườn, bộ trưởng mới lên, không những ngành y được quan tâm mà bệnh viện lại được đầu tư tối đa, thành thử các bác sĩ cũ lại đua nhau đâm đơn quay về.

Bác sĩ Khoa, bạn tôi cũng không ngoài cái vòng luẩn quẩn ấy. Cái thời tay bộ trưởng cũ hô “giải tán” thì anh xin nghỉ không lương về nhà làm thuốc Nam bán chơi. Gọi là bán chơi nhưng không ngờ lại trúng. Chỉ có ba năm ở trong ngôi làng giữa phố có tiếng trồng thuốc Nam từ thuở xa xưa, anh đề biển “Ông lang Khoa, bác sĩ quân đội”, mới đầu cũng chỉ là dựa hơi quân đội một tí, ai dè cái “hơi” ấy ăn to, anh đủ tiền xây căn nhà trong đám đất cơi nới hơn hai trăm mét vuông. Kể cũng hay thật, dù chỉ là may, nếu anh cứ làm ở bệnh viện thì cũng được chia mỗi người năm mươi mét đất đấy. Đằng này, anh về vườn, đất nước sau chiến tranh nhưng dân chúng vẫn mê quân đội, tín nhiệm quân đội, thành thử họ kéo đến “ông lang Khoa” chữa bệnh rầm rầm. Anh nổi tiếng chữa các bệnh về xương, lại thêm cái tài chữa các căn bệnh ngoài da, bắt đầu cũng chỉ là theo kinh nghiệm thuở chiến trường. Thuở chiến trường lính tráng mắc bệnh ngoài da nhiều vô kể, mà cách chữa bệnh dân gian anh em truyền cho nhau cũng nhiều bài thuốc hay. Anh làm y sĩ đơn vị nên anh để ý, nhiều kinh nghiệm dân gian anh em truyền cho, anh ghi lại thành bài, hóa ra bây giờ là cái vốn quý.  Ví dụ như hồi chục năm trước tôi chớm bị lên đinh ngón tay trỏ, thấy tôi cứ tay nọ nắm cánh tay kia giơ lên trời cho đỡ đau, Khoa lẳng lặng ra sau vườn lấy nắm lá ớt chỉ thiên non, loại ớt quả bé như hạt thóc, cay xé lưỡi, ăn vào sướng râm ran, đem về đâm với muối hột, rịt cho tôi, chỉ sau năm phút tay tôi dịu hẳn, và chỉ mười lăm phút sau, kỳ lạ thay, tay tôi khỏi đau như chưa bao giờ đau đớn gì cả!

Tôi phục tài Khoa từ đó.

- Cậu nên nhớ rằng, riêng thuốc chữa lên đinh ngón tay tôi còn dăm bẩy bài nữa, Khoa khoe.

- Thế sao bệnh viêm họng thì cậu có vẻ hơi bị kém, tôi hỏi chọc.

- Không bao giờ cậu được quyền chê tôi kém, Khoa nói. Ở thành phố này, cái gì thì thôi không dám nói, nhưng bụi thì tôi dám khẳng định, nhất thế giới. Vì thế, bệnh phổi ở ta cũng đứng hàng đầu.

- Nhất trí cao, tôi nói.

Khoa không thèm để ý thái độ của tôi, tiếp:

- Bệnh viêm phế quản, viêm họng, là hậu quả của mọi hậu quả bụi, dẫn đến tỉ lệ ung thư phổi, ung thư vòm họng ở ta cũng đứng hàng đầu thế giới luôn.

- Có lẽ cậu nói chính xác, tôi thêm.

- Chỉ từ chính xác trở lên, Khoa khẳng định. Anh cũng khẳng định luôn, mỗi buổi sáng, nếu tôi nghe lời anh, đều đặn súc miệng nước muối, nhấm nhấm lá gì đó Khoa cho tôi cả chậu về để trên sân thượng, mỗi sáng một lá, không bao giờ ho với lại viêm họng nữa.

Tôi nghe lời Khoa, làm đúng như lời Khoa dặn, nhưng cứ đến cuối hè đầu thu năm nào họng tôi cũng lại trở chứng khậm khẹc ho, bắt đầu nó hơi ngưa ngứa tít sâu trong họng, sau đó là nước mắt nước mũi thi nhau chảy ra, rồi hắt xì hơi. Hắt xì hơi ra toàn nước ướt đẫm hết cả cái khăn mùi xoa. Rồi thấy nong nóng nơi đáy họng, tít sâu trong hốc mũi, gờn gợn đau và rát… Rồi… tiếp tục ho, ho co quắp cả người, ho muốn bật phổi ra ngoài, không có con đường nào khác tôi lại phải đến Khoa, lấy cái đơn thuốc kháng sinh liều cao và rồi khỏi…

- Thực ra, Khoa giải thích cho tôi như cho cậu học trò. Cơ thể con người ta, tự nó điều chỉnh cũng loại được cỡ bẩy tám mươi phần trăm bệnh tật, hai mươi phần trăm còn lại là nhờ… có khi là thuốc, có khi là ăn uống, có khi là… không ăn uống gì mà hết!

“Thôi rồi lượm ơi” tôi thốt lên. Vậy hà cớ gì tôi không biết để tự tin vào khả năng điều tiết của cơ thể? Hà cớ gì Khoa phải phán ông giáo sư, bác sĩ là kém và ông ấy cũng phán lại Khoa như thế kia chứ. Bảy tám mươi phần trăm là nhờ sự điều tiết của cơ thể, thưa các quý vị bệnh nhân, đừng quên nhé, đó là cái vốn tự có của ta. Và thưa quý vị bác sĩ, các ngài giáo sư, các ngài nên phán về nhau nhè nhẹ thôi có được không ạ?