Thời kỳ đại siêu thị bị kìm hãm

ANTĐ - Các công ty lớn của Hàn Quốc như Samsung hay Hyundai đã hiện diện khắp toàn cầu nhưng cùng với sự lớn mạnh này, kinh tế Hàn Quốc đã có sự phân cực sâu sắc, từ đó bùng phát những căng thẳng xã hội. Điển hình gần đây nhất là công cuộc hạn chế hoạt động của các đại siêu thị, các nhà bán lẻ lớn để bảo vệ những cửa hiệu nhỏ và vừa.

Một nhóm tiểu thương phản đối việc thành lập cửa hàng giảm giá

trong siêu thị Lotte Mart ở Gwangju, Seoul hồi tháng 7-2012

Chiến dịch công bằng quốc gia

Gần đây, Tổng thống Hàn Quốc Lee Myung-bak đã đề ra một chiến dịch “công bằng quốc gia” để bảo vệ các doanh nghiệp nhỏ. Năm 2011, Quốc hội nước này đã thông qua một dự luật trong đó quy định một siêu thị mới muốn mở ở khu vực mà trong vòng 1km đã có những khu chợ truyền thống hay cửa hàng do gia đình quản lý phải nhận được sự đồng ý của chính quyền địa phương và các hiệp hội doanh nghiệp nhỏ. Chính phủ cũng thêm vào hạn chế mới, đó là cấm một số cửa hàng mở cửa từ nửa đêm đến 8h sáng, khi các cửa hàng nhỏ thường đóng cửa.

 Hưởng ứng chiến dịch này, Thủ đô Seoul đã xây dựng sáng kiến riêng. Đầu tháng 9-2012, chính quyền thành phố Seoul cho biết, họ sẽ thúc đẩy kế hoạch để loại 50 mặt hàng phổ biến khỏi các chuỗi cửa hàng giảm giá lớn và các đại siêu thị như thuốc lá, túi rác, rượu soju hay pin nhỏ… Đề xuất được ông Park Won-soon - Thị trưởng thành phố ủng hộ nhiệt tình. Lý do là các cửa hàng nhỏ và chợ truyền thống tạo kế sinh nhai cho một bộ phận không nhỏ dân thường đang trên bờ vực phá sản do sự tấn công của các nhà bán lẻ lớn liên kết với các tập đoàn kinh doanh lớn, được gọi là “chaebol”. 

Theo đó, các hãng bán lẻ lớn cứ tập trung vào việc bán hàng hóa, thực phẩm và đồ uống khác, trong khi các cửa hàng nhỏ và các chợ truyền thống sẽ nhắm vào 50 mặt hàng bán lẻ quen thuộc với người dân, bởi đó là những mặt hàng thiết yếu, giá bình thường, vốn rẻ nhưng lại thường xuyên được khuyến mãi tại các siêu thị lớn. “Sự sụp đổ của các tiểu thương và người bán lẻ có thể gây xung đột xã hội và cái giá phải trả sẽ rất lớn. Cùng chia sẻ thịnh vượng là xu hướng của thời đại này”, ngài Thị trưởng nhấn mạnh.

Nhưng đây chỉ là biện pháp mới nhất nhằm mục đích bảo vệ các cửa hàng nhỏ ngay sau quyết định gây tranh cãi về hạn chế các cửa hàng lớn hoạt động vào 2 ngày chủ nhật mỗi tháng.

Lợi ích khó dung hòa

 Ngay khi Seoul áp dụng quy định của Chính phủ về việc đóng cửa các đại siêu thị và hãng bán lẻ lớn vào chủ nhật, thứ hai và thứ tư mỗi tháng, các nhà bán lẻ lớn đã thực hiện khá nghiêm túc nhưng họ vẫn bị giảm hơn 5% doanh số bán hàng mỗi tháng. Ví dụ, hãng Tesco của Anh đã chứng kiến ​​doanh số bán hàng tại chuỗi siêu thị Homeplus của họ ở Hàn Quốc giảm 6% trong tháng 5. Vì thế, các nhà kinh doanh này đồng loạt làm đơn kiến nghị. 

Kết quả là cuối tháng 6-2012, Tòa án hành chính Seoul đã đưa ra phán quyết khá bất ngờ: Cho phép 5 chuỗi siêu thị E-Mart, Homeplus, Lotte Mart, GS. Retail và Everyday Retail tiếp tục hoạt động ngày chủ nhật, vì “các siêu thị lớn phải được thuyết phục về mục đích chính của việc đóng cửa kinh doanh và cần được bày tỏ quan điểm của họ”. Mọi hoạt động của các siêu thị lớn lại trở lại trạng thái bình thường.

Ngay lập tức, các tổ chức doanh nghiệp nhỏ phản ứng dữ dội bằng một chiến dịch tẩy chay chống lại các chuỗi siêu thị lớn. Các cuộc biểu tình rầm rộ nổ ra cuối tháng 7, đầu tháng 8-2012 với lời hiệu triệu, các chủ doanh nghiệp nhỏ và gia đình của họ sẽ không sử dụng các chuỗi đại siêu thị mà thay vào đó sẽ mua sắm tại các thị trường truyền thống để hỗ trợ nền kinh tế địa phương. Các doanh nghiệp nhỏ lo sợ họ sẽ bị buộc phải đóng cửa nếu tiếp tục bị các các nhà bán lẻ lớn chèn ép.

Đến nay, chính quyền thành phố Seoul cho biết sẽ khôi phục những hạn chế về giờ hoạt động của các cửa hàng lớn, bắt đầu từ tháng 11 tới. Thị trưởng Seoul Park Won-soon trên chương trình phát thanh ngày 

3-9 khẳng định, các đại siêu thị và nhà bán lẻ lớn tại đây sẽ có 2 ngày nghỉ bắt buộc trong tháng sau khi quy trình lấy ý kiến của các bên liên quan hoàn tất. 

Người tiêu dùng có được lợi?

Cuộc tranh cãi pháp lý nổ ra khá ầm ĩ, tuy nhiên, có một nhóm người dường như không có tiếng nói ở đây - người tiêu dùng. Thực tế, nhiều người tiêu dùng không cho rằng giảm giờ hoạt động của các siêu thị lớn sẽ nâng doanh số bán hàng cho các chợ và cửa hàng nhỏ. Về cơ bản, các nhà bán lẻ lớn cho rằng, các động thái trên vi phạm quyền tự do kinh doanh và kết quả là người tiêu dùng ít có sự lựa chọn hơn. Nói cách khác, bị kẹt giữa hai làn sóng này, người mua hàng sẽ luôn phải trả giá đắt.

Đó là chưa kể, điều này sẽ làm sống lại những tranh cãi về việc liệu các doanh nghiệp nhỏ và vừa không hiệu quả của Hàn Quốc có phát triển được hay không trong khi họ được pháp luật bảo vệ và được hưởng các khoản vay ngân hàng do áp lực từ chính phủ. Nhiều nhà kinh tế và các ngân hàng đánh giá, khu vực này chỉ có thể phát triển mạnh nếu chính phủ để các doanh nghiệp quá yếu tự đào thải.