Thời hiệu khởi kiện cần phù hợp hơn

ANTĐ -  Hỏi: Nhiều năm nay, các hộ dân nơi tôi sinh sống phải đối mặt với tình trạng ô nhiễm do hệ thống xử lý nước thải tập trung của một công ty chế biến các loại thức ăn đóng hộp xả trực tiếp ra môi trường. Sau nhiều lần gửi đơn kêu cứu đến công ty trên và chính quyền địa phương, đơn khiếu kiện của chúng tôi đã không được UBND xã trực tiếp tiếp nhận mà được chuyển lòng vòng qua nhiều đầu mối. Hệ quả là đơn thư bị thất lạc, hoặc không được chuyển đi kịp thời. Điều này khiến quyền khởi kiện ra Tòa của người dân có thể sẽ không thực hiện được do hết thời hiệu. 

Chúng tôi rất muốn biết thời hiệu khởi kiện, yêu cầu đòi bồi thường thiệt hại của người dân được quy định cụ thể trong luật ra sao? Để đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp của mình, chúng tôi sẽ phải làm gì để tố cáo hành vi gây ô nhiễm môi trường của công ty này. Đại diện các hộ dân: ông Vũ Tiến Anh (xã Giao Hà, huyện Giao Thuỷ, tỉnh Thái Bình)

Trả lời: Theo quy định tại Điều 607 - Bộ luật Dân sự 2005, thời hiệu khởi kiện yêu cầu bồi thường thiệt hại là 2 năm kể từ ngày quyền và lợi ích hợp pháp của cá nhân, pháp nhân, chủ thể khác bị xâm phạm. Tuy nhiên, các hành vi gây ô nhiễm thường kéo dài, khó phát hiện và người dân phải mất một thời gian khá dài để thực hiện khiếu kiện tại các cấp chính quyền trước khi khởi kiện ra Tòa án. Nghiên cứu các quy định về thời hiệu khởi kiện về môi trường ở các nước châu Âu cho thấy, pháp luật thường quy định một thời hiệu khởi kiện tương đối dài để bảo vệ quyền lợi của bên bị tổn hại. Do vậy, quyền tiếp cận công lý của bên bị thiệt hại cũng sẽ được bảo đảm hơn nếu như thời hiệu khởi kiện được quy định với mức thời gian phù hợp.

Điều 122 Luật Bảo vệ môi trường 2005, đối với những vụ tranh chấp môi trường, UBND xã chỉ có thẩm quyền hòa giải tranh chấp còn thẩm quyền giải quyết tranh chấp thì tùy trường hợp thuộc thẩm quyền của UBND cấp huyện hoặc cấp tỉnh. Theo pháp luật hiện hành thì tranh chấp về bồi thường là một dạng của tranh chấp bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng nên người bị thiệt hại có thể khởi kiện tại Tòa án nơi mình cư trú, làm việc, có trụ sở hoặc tại Tòa án nơi bị đơn có trụ sở, nơi xảy ra việc gây thiệt hại. Trường hợp tình trạng ô nhiễm môi trường gây thiệt hại cho nhiều hộ gia đình sống ở các địa phương khác nhau với tính chất phức tạp, giá trị tranh chấp lớn và việc khiếu kiện không chỉ liên quan tới chủ thể khởi kiện là các hộ gia đình mà còn liên quan tới các cơ quan, tổ chức khởi kiện để bảo vệ môi trường công cộng thì căn cứ theo quy định tại các điều từ Điều 35 đến Điều 38 và Điều 163 Bộ luật Tố tụng dân sự sửa đổi 2011, cơ quan chức năng sẽ đưa ra phương án, trình tự giải quyết tranh chấp cho phù hợp.

Điểm đáng lưu ý là hành vi vi phạm gây ô nhiễm môi trường thường kéo dài trong nhiều năm nhưng người dân không có đủ điều kiện để phát hiện và chứng minh thiệt hại mà họ đã và đang phải gánh chịu. Do đó, việc xác định hành vi vi phạm về môi trường đòi hỏi cần có sự trợ giúp tích cực từ phía chính quyền và các cơ quan chức năng để giúp người dân đòi lại công bằng.