Thóc đâu đãi gà rừng!

ANTĐ - Đề án “Đẩy mạnh cải cách chế độ công vụ, công chức” đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt với nhiều giải pháp để xây dựng một nền công vụ chuyên nghiệp, trách nhiệm, năng động, minh bạch và hiệu quả. Tại cuộc họp Ban chỉ đạo Đề án, một Phó Thủ tướng có đặt câu hỏi: “Chúng ta hiện có 2,8 triệu công chức, nhưng tất cả số công chức đó có cống hiến hết mình không?”. Theo thống kê của nhiều cơ quan, trong tổng số công chức, hiện có khoảng trên 30% làm được việc, 30% phải cầm tay chỉ việc và 30% không biết việc mà làm.

Chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức là vấn đề nhức nhối trong nhiều năm qua. Một Thứ trưởng Bộ Nội vụ nhấn mạnh, Đề án cải cách chế độ công vụ, công chức sẽ đẩy mạnh việc giảm quy mô công vụ, sắp xếp tổ chức bộ máy gọn nhẹ, tránh chồng chéo, tiếp tục tinh giảm biên chế, nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức; nâng cao chất lượng thi tuyển, thi nâng ngạch và từng bước đổi mới chế độ công vụ, công chức; lựa chọn đúng người có phẩm chất, trình độ và năng lực. Chất lượng cán bộ, công chức phản ánh sinh động và rõ nét trong mối quan hệ công quyền với các doanh nghiệp và người dân.

Một cuộc khảo sát vừa được Ngân hàng Thế giới và Phòng Thương mại - Công nghiệp Việt Nam công bố cho thấy, 44% doanh nghiệp thừa nhận phải trả chi phí không chính thức trong quá trình kinh doanh, ít nhất 10% doanh nghiệp khẳng định họ bị “làm khó” khi sử dụng các dịch vụ công, thậm chí ở một số dịch vụ tỷ lệ này còn cao hơn. Hành vi đó của doanh nghiệp là một trong những nguyên nhân dẫn đến tham nhũng.

Một chuyên gia của Ngân hàng Thế giới phân tích rõ cái vòng luẩn quẩn của tham nhũng hành chính. Theo đó, cán bộ công chức cố tình gây khó khăn cho doanh nghiệp và người dân khi họ tiếp cận dịch vụ công; khó khăn chỉ được giải quyết “ngon lành” khi doanh nghiệp “bôi trơn”.

Hành vi này được mô tả là “đưa hối lộ có mục đích”. Thực tế, kết quả điều tra cho thấy, có tới 59% doanh nghiệp nói đôi khi họ xử lý rất khó khăn trong dịch vụ công bằng cách đưa tiền, quà biếu.

Đáng lo ngại hơn khi có đến 75% doanh nghiệp còn “đấm” cán bộ công chức ngay cả khi không có đòi hỏi. Đây được coi là hành vi “dọn đường” để dễ dàng lọt cửa nhằm giải quyết chóng vánh công việc. Tuy nhiên, cuộc điều tra cũng cho thấy có những mảng tích cực mà một số doanh nghiệp đã đeo đuổi với triết lý kinh doanh minh bạch. Đó là: không chấp nhận nuôi dưỡng tiêu cực, “thóc đâu… đãi gà rừng”.

Chính từ kết quả điều tra đã chứng minh rằng, với thang điểm về mức độ hiệu quả kinh doanh trong việc đưa hối lộ, những doanh nghiệp không đưa hối lộ lại có kết quả kinh doanh tốt hơn những doanh nghiệp thường xuyên “bôi trơn”. Tính trung bình, các doanh nghiệp có đưa hối lộ lại có mức tăng trưởng chậm hơn doanh nghiệp không làm điều này. Rõ ràng việc các doanh nghiệp thường xuyên trả các khoản chi không chính thức đang cản trở sự tăng trưởng của chính mình. 

Chuyên gia Ngân hàng Thế giới cũng là tác giả của báo cáo điều tra khẳng định, những nơi thực hiện tốt cải cách hành chính thì mức độ hối lộ giảm tới 30-40%. Khi quyền lực không tập trung vào các cá nhân, không còn cơ chế xin-cho, tham nhũng sẽ được đẩy lùi.