Thoát khỏi vòng luẩn quẩn

ANTĐ - Theo đánh giá của Bộ Công Thương, chỉ số sản xuất công nghiệp nửa đầu năm nay tăng 5,2%, tuy chưa cao như mong muốn nhưng cho thấy sự phục hồi đáng kể. Đáng chú ý là lượng hàng tồn kho đã giảm 10% so với đầu năm. Mức tồn kho dù đã giảm dần nhưng tốc độ còn chậm, tính ổn định và bền vững chưa cao, một số ngành tồn kho còn cao. Diễn biến của nhiều chỉ số kinh tế trong 6 tháng qua và khả năng thực hiện của cả nước chứng tỏ nền kinh tế còn mắc nhiều điểm nghẽn. 

So với cùng kỳ năm ngoái, sản xuất công nghiệp đã “gượng dậy” và bước đầu hồi phục. Một số ngành như dệt may, da giày, máy tính, điện thoại di động… sản xuất khá ổn định do có đơn hàng và thị trường xuất khẩu. Một số ngành như cơ khí, vật liệu xây dựng và sản xuất hàng tiêu dùng do thị trường nội địa tiêu thụ chậm nên sản xuất vẫn đình trệ. Tại cuộc giao ban trực tuyến, Bộ trưởng Công Thương nhấn mạnh, một trong những nhiệm vụ trọng tâm trong 6 tháng cuối năm là ổn định và phát triển sản xuất, giải phóng hàng tồn kho. Các tập đoàn, doanh nghiệp cần nắm bắt tín hiệu thị trường để điều hành sản xuất thích hợp nhằm đưa chỉ số hàng tồn kho xuống thấp hơn nữa. Tốc độ tăng tồn kho tuy đã chậm lại, song vẫn còn cao gấp đôi tốc độ tăng chỉ số sản xuất. Tốc độ tăng thương mại bán lẻ tiếp tục thấp chứng tỏ người tiêu dùng vẫn còn “thắt chặt hầu bao”.

Tăng trưởng GDP của quý II dù cao hơn quý I và tăng trưởng của nhóm ngành dịch vụ cao hơn cùng kỳ năm trước, song tốc độ tăng đầu tư thấp, thậm chí còn giảm. Đây là những điểm nghẽn trực tiếp của nền kinh tế, còn một điểm nghẽn không trực tiếp tác động đến kinh tế, nhưng lại ảnh hưởng đến tất cả các điểm nghẽn, gây ra sự trì trệ. Đó là tâm lý co cụm, thủ thế, chờ thời. Rõ rệt nhất, tốc độ tăng vốn đầu tư phát triển xã hội chỉ đạt 5,9%, nếu loại trừ yếu tố tăng giá thì bị giảm sâu. Sự sụt giảm đầu tư không chỉ đối với doanh nghiệp mà cả đối với dân cư. Biểu hiện một số động thái: lãi suất tiết kiệm giảm nhiều lần, nhưng tốc độ tăng tiền gửi ở các tổ chức tín dụng mấy năm trước đều cao gấp rưỡi tốc độ tăng dư nợ tín dụng, riêng 6 tháng đầu năm tăng gấp 2,5 lần.

Ngân hàng Nhà nước cung ứng vàng qua đấu thầu với khối lượng lớn và giá cao hơn thế giới, vậy mà sức mua của ngân hàng, doanh nghiệp và người dân vẫn rất lớn. Giá USD từ đầu năm đến nay đã 3 lần tăng, lần thứ 3 kéo khá dài, tốc độ cao. Tất cả những động thái này nói lên điều gì? Nó chứng tỏ vốn đầu tư chưa được rót vào sản xuất kinh doanh trực tiếp, mà vẫn tìm nơi “trú ẩn” để bảo toàn giá trị hoặc đầu tư lòng vòng vào vàng, USD. Trong khi đó, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu tiêu dùng thấp chỉ bằng 1/3 các năm trước.

Tốc độ tăng thu nhập, sức mua có khả năng thanh toán của dân cư chậm lại, thậm chí còn giảm sút. Nhiều doanh nghiệp dù có thể vay vốn nhưng thúc thủ chờ lãi suất giảm tiếp. Tiền thì chạy vòng quanh trong các tổ chức tín dụng, nhiều ngân hàng thương mại lao vào mua vàng, USD rồi không dám cho vay vì sợ rủi ro. Nếu không từ bỏ tâm lý co cụm, thủ thế thì không thể thoát khỏi vòng luẩn quẩn này.