Thoát hiểm bất tín nhiệm

(ANTĐ) - Thủ tướng Naoto Kan đã thoát hiểm khi giành được đa số tín nhiệm trong cuộc bỏ phiếu bất tín nhiệm tại Hạ viện Nhật Bản cho dù có không ít thành viên đảng cầm quyền Dân chủ Nhật Bản (DPJ) của ông lại đứng về phe đối lập.

Thoát hiểm bất tín nhiệm

(ANTĐ) - Thủ tướng Naoto Kan đã thoát hiểm khi giành được đa số tín nhiệm trong cuộc bỏ phiếu bất tín nhiệm tại Hạ viện Nhật Bản cho dù có không ít thành viên đảng cầm quyền Dân chủ Nhật Bản (DPJ) của ông lại đứng về phe đối lập.

Tại cuộc bỏ phiếu bất tín nhiệm chiều 2-6, Thủ tướng Kan giành được sự ủng hộ của 293 nghị sĩ so với 152 nghị sĩ phản đối trong Hạ viện 480 ghế. Điều đáng nói là có khá nhiều nghị sĩ DPJ do ông Kan làm Chủ tịch đảng đã “về hùa” với phe đối lập bỏ phiếu đòi ông phải từ chức.

Kết quả của cuộc bỏ phiếu dù có gây đôi chút hồi hộp cho chính giới và dư luận song cũng không khó đoán khi DPJ có tới tổng cộng 308 ghế trong Hạ viện 480 ghế. Số nghị sĩ DPJ “nổi loạn” vẫn chưa đủ để cùng với phe đối lập tạo thành đa số lật đổ Thủ tướng Kan.

Thủ tướng Kan (người đứng) giành thắng lợi trong cuộc bỏ phiếu bất tín nhiệm tại Hạ viện ngày 2-6

Thủ tướng Kan (người đứng) giành thắng lợi trong cuộc bỏ phiếu bất tín nhiệm tại Hạ viện ngày 2-6

Với kết quả bỏ phiếu trên, Thủ tướng Kan sẽ tiếp tục tại nhiệm để lãnh đạo Chính phủ khắc phục hậu quả vô cùng nặng nề của thảm hoạ kép động đất-sóng thần và sự cố hạt nhân nghiêm trọng tại Nhà máy điện hạt nhân Fukushima số 1. Tuy nhiên, vị thế của ông ít nhiều cũng đã bị ảnh hưởng khi mà ngay cả các thành viên trong DPJ cầm quyền cũng tỏ ra bất mãn với vị Chủ tịch đảng của chính mình.

Có thể nói sau thắng lợi được mô tả là lịch sử hồi tháng 8-2009 lật đổ sự “thống trị” của đảng Dân chủ tự do (LDP) trên chính trường Nhật Bản suốt hơn nửa thế kỷ qua, DPJ đã gặp phải không ít sóng gió. Một trong những cơn “sóng dữ” nhất - sự thất hứa trong việc giải quyết vấn đề căn cứ quân sự Mỹ trên đảo Okinawa - đã khiến Thủ tướng Yukio Hatoyama phải ra đi vào tháng 6-2010, tức chưa đầy một năm cầm quyền.

Lên thay thế người tiền nhiệm, Thủ tướng Kan cũng gặp phải không ít khó khăn. Những thách thức có khi đến từ các vấn đề kinh tế với sự suy thoái kinh tế của nước Nhật, có khi đến từ các vấn đề nội bộ của DPJ như vụ những cáo buộc về bê bối gây quỹ tranh cử của các lãnh đạo cao cấp trong đảng...

Nhân tố khiến DPJ và cá nhân Thủ tướng Kan mất uy tín nhiều nhất là cách thức ứng phó và giải quyết thảm hoạ kép động đất-sóng thần đầu tháng 3 vừa qua cũng như sự cố nhà máy điện hạt nhân Fukushima sau đó. Người dân Nhật Bản cũng như phe đối lập cho rằng chính phủ DPJ của Thủ tướng Kan đã tỏ ra chậm trễ, thiếu năng lực, thông tin thiếu minh bạch... trong thảm hoạ được xem là lớn nhất với nước Nhật từ sau chiến tranh thế giới thứ hai tới nay.

Hệ quả không tránh khỏi là DPJ đã thất bại nặng nề trong cuộc bầu cử địa phương tháng 4 vừa qua. Không chỉ đa số người dân được hỏi ý kiến mà nhiều thành viên cấp cao của DPJ, trong đó Chủ tịch Thượng viện Nhật Bản Nishioka Takeo-một nghị sĩ xuất thân từ DPJ cũng lên tiếng yêu cầu Thủ tướng Kan từ chức để chịu trách nhiệm về sự suy giảm uy tín nghiêm trọng của đảng cầm quyền.

Thế nên, dù vượt qua cuộc bỏ phiếu bất tín nhiệm nhưng con đường phía trước của Thủ tướng Kan vẫn còn nhiều trở ngại, nhất là làm sao sớm đưa đất nước thoát khỏi cuộc khủng hoảng do thảm họa thiên tai gây ra. Bản thân Thủ tướng Kan cũng cho biết ông sẽ cân nhắc quyết định từ chức sau khi đất nước đạt được một số phục hồi sau tác động của động đất-sóng thần.

Hoàng Tuấn