Thoang thoảng hoa nhài, thơm lâu

(ANTĐ) - Hồng Hà trong tiếng nôm còn được gọi là sông Cái với nghĩa kính trọng và thương yêu - sông Mẹ. Sông Cái chảy ngoằn ngoèo qua nhiều vùng đất và mang nhiều tên nhưng đến với thành Thăng Long, dòng sông phì nhiêu và lực lưỡng nay lại có tên là Nhĩ Hà - do hình dáng của khúc sông bao quanh Hà thành hao hao hình chiếc tai hướng ra đón nhận đủ muôn tiếng thì thầm lắng đọng của bốn phương, của quá khứ và tương lai chắt lọc nên những gì tinh túy để làm nên lề thói, tập tục, lối sống và văn hóa cho mảnh đất nghìn năm.

Thoang thoảng hoa nhài, thơm lâu

(ANTĐ) - Hồng Hà trong tiếng nôm còn được gọi là sông Cái với nghĩa kính trọng và thương yêu - sông Mẹ. Sông Cái chảy ngoằn ngoèo qua nhiều vùng đất và mang nhiều tên nhưng đến với thành Thăng Long, dòng sông phì nhiêu và lực lưỡng nay lại có tên là Nhĩ Hà - do hình dáng của khúc sông bao quanh Hà thành hao hao hình chiếc tai hướng ra đón nhận đủ muôn tiếng thì thầm lắng đọng của bốn phương, của quá khứ và tương lai chắt lọc nên những gì tinh túy để làm nên lề thói, tập tục, lối sống và văn hóa cho mảnh đất nghìn năm.

Minh họa: Đỗ Minh Tâm
Minh họa: Đỗ Minh Tâm

Dòng sông Cái vĩnh cửu là dòng chảy muôn đời mang phù xa hàng vạn năm tạo nên vùng châu thổ sông Hồng mượt mà, làm nên một kinh thành trù phú của văn minh lúa nước nơi hạ lưu. Quê ngoại của tôi chỉ riêng tên gọi làng Chèm cũng đủ nói lên đó là làng cổ của Đại Việt ta từ thuở dựng nước. Quần tụ kéo dài dọc theo bờ sông Cái kề với làng tôi là chuỗi làng cũng mang những tên thuần Việt như vậy.

Đó là làng Vẽ, làng Kẻ, làng Xù, làng Gạ, làng Cáo, làng Giàn, làng Noi, làng Đăm, làng Nhổn… Riêng làng tôi nổi lên trong bàn dân thiên hạ với đức Thành Hoàng tên Lý Ông Trọng. Truyền thuyết nước Việt cổ kể lại rằng khi mẹ ông ra sông gánh nước bị con dải dìm chết, Ngài đã chặn cả khúc sông Cái tát cạn để bắt kì được con dải tế trước bàn thờ mẹ. Vốn là quý nhân của nước Việt xưa nên Ngài được cử đi sứ phương Bắc. Ngài có công dẹp giặc Hung Nô nên được Tần Thủy Hoàng gả con gái phong Phò mã.

Mặc dù bổng lộc, tước vị tót vời cao sang nhưng Ngài vẫn xin được về cố hương đến nỗi nhà Tần phải đúc tượng đồng của Ngài để dọa Hung Nô. Công chúa con vua Tần cùng sáu con của Ngài được phong Lục vị Vương cũng theo cha về quê Chèm. Cái nét yêu quê đến đau đáu mà ngôi vị, giàu sang và quyền lực không làm thay đổi được phải chăng là nét văn hóa khởi điểm, bao trùm nhất trong muôn ngàn tinh túy của cốt cách, bản chất, lẽ sống của dân Việt ta, của dân Hà Nội ta qui tụ nên nền văn hóa ái quốc thiêng liêng.

Hà Nội nằm ở trung lưu sông Cái. Phía thượng nguồn nối với các tỉnh Việt Bắc, Tây Bắc, phía hạ nguồn nối với các tỉnh phía nam, với biển Đông cứ đến mùa là nườm nượp thuyền chum, thuyền buồm xứ Thanh, xứ Nghệ… kể cả thuyền của đàng trong của xứ Xiêm, xứ Lào, xứ Tân gia ba (Singapore)… lại mượn đà gió nồm ngược ra kinh thành. Thuyền chở sản vật muôn phương đến trao đổi, thông thương với kinh thành và cũng mang cả văn hóa, tập tục đến...

Tất cả sự giao lưu này đã khiến Thủ đô của nước Nam này trở thành trung tâm của nhiều dòng văn hóa để chắt lọc, lắng đọng hình thành nên nền văn hóa Hà thành. Hào hoa mà định hướng, đa dạng mà vẫn giữ cốt lõi của vùng đất đế đô. Năm 1070 nhà Lý lập ra Văn Miếu mở khoa thi Minh kinh bác học. Sáu năm lập tiếp Quốc Tử Giám. Nhà Trần lập Quốc Học Viện, làm nền cho nhà Lê ba năm thi hương, một kì thi hội… Thời Lê đã ban hành 24 điều giáo huấn Lễ, Nghĩa, Hiếu Trung đưa vào văn hóa làng xã kỷ cương về gia đình, tông tộc, thôn xóm...

Cũng thời đó thành Thăng Long đã hình thành trung tâm Kẻ Chợ đón nhận nghề muôn làng, muôn quê chảy về kinh thành. Sự giao thoa của văn hóa bác học với văn hoá dân gian Kẻ Chợ trong cái tình yêu mênh mông của người dân Hà thành mới tạo nên hào khí “Nam quốc sơn hà Nam đế cư”, “Bình Ngô đại cáo”, chất trữ tình trong “Long thành cầm giả ca” của Nguyễn Du và chất hài lồng lộng phá vỡ giáo điều của Hồ Xuân Hương, mới có lời giao duyên tuyệt đẹp giữa thi nhân khai quốc công thần của nhà Lê với cô thôn nữ Tây Hồ “bán chiếu gon”… Hào khí và sự lịch lãm Hà thành đâu chỉ một đời, một thế hệ làm nên chính vì cái lẽ trường tồn đó.

Không phải ngẫu nhiên đất Hà Nội tạo ra nhiều danh nhân văn hóa. Thời trung cận đại có Chu Thần Cao Bá Quát quê Gia Lâm, một kẻ sĩ ngạo nghễ tự nhận mình giữ một bồ chữ trong ba bồ chữ của thiên hạ. Thơ hay đến độ Vua Tự Đức phải khen: “Văn, thơ như Siêu, Quát thì vượt cả đời Tiền Hán”(Văn như Siêu, Quát vô tiền Hán). Và hay hơn cả, tạo nên một biểu trưng Hà thành là dám cao ngạo bất chấp hết thẩy để “cả đời chỉ biết cúi đầu trước hoa mai”(nhất sinh đê thủ bái mai hoa).

Thời hiện đại cũng đúng là chỉ có Hà Nội mới tạo nên một Bùi Xuân Phái thấm đẫm không gian, cảnh tình của 36 phố phường cổ để tạo ra những họa phẩm độc đáo, một nhân tố không thể thiếu của đời sống di sản văn hóa Hà Nội. Một Đoàn Chuẩn con trai nhà kinh doanh hãng nước mắm lừng tiếng Vạn Vân, người từng dám đổi một ôtô để lấy cây đàn Hawaill, để rồi trải qua cuộc sống đa tình của chàng công tử Hà thành để lại dấu ấn trên đời 12 ca khúc tuyệt mỹ về mùa thu, thiếu nữ và tình yêu...  Người là vậy còn cảnh của đất Đông đô này cũng đậm chất Hà Nội.

Những tà áo dài trên cầu Thê Húc, gánh hàng hoa đẫm sương từ làng hoa Ngọc Hà. Chiếc đòn gánh cong đưa thu vào Hà Nội. Những họa tiết sống động, đặc trưng một vùng đất không thể mất đi ngay cả sự biến động của hoàn cảnh, thời cuộc… Bức tranh đầy tính cổ động “Hà nội vùng lên” cổ vũ cho thành Hoàng Diệu - Liên Khu 1 bước vào cuộc trường kì kháng chiến của danh họa Tô Ngọc Vân lại mang đủ tinh hoa, cốt cách Hà thành khi vẽ hình thiếu nữ Hà Nội bay lên với bàn tay cầm mùi xoa thơm mùi hoa lan vẫy người yêu buổi chia tay.

Phút lắng hồn trong giọt cà phê phin nơi quán cà phê Tùng Linh từng treo ảnh Thế Lữ, Nguyễn Tuân… Những khách quen của quán qua tác phẩm của  của nhiếp ảnh gia Trần Văn Lưu. Rồi quán cà phê Nhân 100 Cầu Gỗ, cà phê Bằng phố Lý Quốc Sư, cà phê Hợp 38 Trần Xuân Soạn… Người ta mới hiểu sao bao nhiêu thăng trầm, vật đổi sao dời, bao triều đại, bao biến cố… nhưng để có tuổi 1000 năm Thăng Long, Hà Nội vẫn muôn thuở mãi mãi là Thăng Long, Đông Đô, Hà Nội chính bởi cái cốt cách, cái nền văn hóa Hà thành chảy âm ỉ và bền vững suốt chiều dài tháng năm là thế…

Tùy bút của Nguyễn Hiếu