Thoái vốn nhưng không thất thoát

ANTD.VN - Tái cơ cấu nền kinh tế đã đi được những bước tiến đánh dấu sự nỗ lực, quyết tâm của một Chính phủ kiến tạo, hành động quyết liệt trong chỉ đạo.

Cộng đồng doanh nghiệp cảm nhận rất rõ nét quyết tâm mạnh mẽ đó với một loạt chính sách đột phá nhằm xóa bỏ rào cản kinh doanh, cải thiện môi trường đầu tư. Bằng chứng đầy thuyết phục là Ngân hàng Thế giới vừa tăng Việt Nam lên 9 bậc trong bảng tổng sắp môi trường kinh doanh toàn cầu. Niềm tin vào chính sách mới, môi trường kinh doanh đang lan tỏa.

Năm 2016 đánh dấu mốc son trong nền kinh tế nước nhà khi chưa đầy 5 phút lại có thêm 1 doanh nghiệp mới ra đời. Đây là năm đầu tiên số lượng doanh nghiệp thành lập mới có thể vượt ngưỡng 100.000.Bằng việc hăng hái thành lập mới doanh nghiệp, người dân đã “bỏ phiếu” cho Chính phủ, đánh giá cao, tin tưởng vào sự điều hành của Chính phủ vượt qua khó khăn, thách thức trong tiến trình tái cơ cấu, cổ phần hóa.

Tuy nhiên, một số đại biểu Quốc hội phản ánh ý kiến của cử tri cho rằng, nếu bên trên Chính phủ và Thủ tướng quyết tâm, quyết liệt kiến tạo và hành động, tạo điều kiện hết mức để doanh nghiệp phát triển, nhưng bên dưới chuyển động chậm chạp, kỷ luật, kỷ cương hành chính chưa nghiêm, nhất là còn sự nhũng nhiễu, làm khó cho doanh nghiệp thì hậu quả sẽ giảm.

Điều đáng lo ngại là, số lượng doanh nghiệp được cổ phần hóa khá lớn, song tỷ lệ vốn bán ra đạt thấp. Người dân rất đồng tình ủng hộ khi Thủ tướng khẳng định Chính phủ sẽ tiết kiệm từng đồng tiền thuế của dân, vậy tiền thất thoát trong cổ phần hóa sẽ được xem xét, xử lý như thế nào? Thực tế cho thấy, qua thoái vốn, cổ phần hóa Nhà nước bị mất tài sản, tiền của không ít, chỉ cần thanh tra một số doanh nghiệp vừa cổ phần hóa là có ngay câu trả lời.

Một loạt dự án hàng nghìn tỷ đồng do tổng công ty, tập đoàn kinh tế Nhà nước chậm tiến độ thoái vốn và đã tiêu tốn hoặc thua lỗ hàng chục nghìn tỷ đồng sẽ xử lý đến đâu hay vẫn “đắp chiếu” hàng chục năm nay?

Thoái vốn sẽ giúp Nhà nước thế vốn Nhà nước bằng vốn tư nhân. Do đó theo giới chuyên gia cần mạnh dạn thoái vốn tại các doanh nghiệp Nhà nước, chỉ giữ lại những doanh nghiệp thực sự liên quan đến an ninh, quốc phòng.

Không nên coi một số doanh nghiệp Nhà nước là con “bò sữa” bởi sau thoái vốn chúng sẽ cho sữa nhiều hơn bởi hoạt động hiệu quả hơn và đóng thuế nhiều hơn. Điều quan trọng nhất là, thoái vốn nhưng không thể thất thoát vốn, làm sao để người dân không còn đặt câu hỏi nghi ngờ: Thoái vốn hay thất thoát vốn?