Thoái vốn không quá khó

ANTĐ - Số liệu vừa được Bộ Tài chính công bố cho thấy, thu ngân sách đang gặp nhiều khó khăn, tổng thu 6 tháng đầu năm chỉ đạt 43,3% dự toán năm. Có tới 42 trên tổng số 63 tỉnh, thành phố hụt thu. Nếu không có biện pháp quyết liệt và hiệu quả, dự kiến năm nay ngân sách có thể bị hụt thu tới 65.000 tỷ đồng. Trong bối cảnh này, việc “bỏ qua” nguồn thu từ cổ tức của các doanh nghiệp nhà nước ước tính hơn 1 tỷ USD là cực kỳ lãng phí. “Cục” tiền này có thể bù đắp sự thiếu hụt chi tiêu mà gánh nặng ngân sách đang oằn vai.

Nhiều chuyên gia kinh tế cho rằng, việc sử dụng hàng nghìn tỷ đồng cổ tức được chia từ việc góp vốn vào các doanh nghiệp như ngành dầu khí, điện lực góp vốn vào ngân hàng sẽ giúp cho tình trạng vay nợ của Chính phủ thông qua phát hành trái phiếu được “nhẹ gánh”. Tổng thư ký Hiệp hội các nhà đầu tư tài chính cho rằng, tiền cổ tức là khoản rất lớn đối với từng doanh nghiệp cũng như toàn bộ khối doanh nghiệp nhà nước, doanh nghiệp có cổ phần nhà nước. Nhiều doanh nghiệp lớn của nhà nước trong một thời gian dài đã được “ưu ái”, hưởng những ưu đãi cực lớn. Chẳng hạn được cấp vốn, cấp đất, sử dụng tài nguyên trong khi nghĩa vụ trả cổ tức cho phần vốn của nhà nước chưa tương xứng, thậm chí “ông lớn” còn dùng tiền đầu tư của nhà nước đổ sang các lĩnh vực ngoài ngành như tài chính, bất động sản, khách sạn hoặc cho các doanh nghiệp thành viên vay hàng trăm nghìn tỷ đồng. Vấn đề khiến Bộ Tài chính đang “đau đầu” là việc thoái vốn đầu tư ngoài ngành của các doanh nghiệp nhà nước. Một trong những lý do khiến các tập đoàn, tổng công ty kêu khó thoái vốn ngoài ngành là lo sợ bị đánh giá điều hành không hiệu quả. 

Theo quy định hiện hành, nếu điều hành không hiệu quả trong 2 năm liên tục đồng nghĩa với việc người đứng đầu doanh nghiệp phải giải trình trước chủ sở hữu, cơ quan chức năng và nguy cơ bị “mất ghế” đã hiện hữu. Phó cục trưởng Cục Tài chính doanh nghiệp khẳng định, thoái vốn không phải chuyện mới mẻ, mọi vướng mắc, khó khăn đã được dự đoán. Trong đó, nguyên nhân phải thoái vốn đã được chỉ ra cùng với lý giải về việc các doanh nghiệp ngần ngại không thoái vốn do không bảo toàn vốn. Bộ Tài chính đã hướng dẫn cụ thể về thoái vốn, giải pháp quan trọng nhất là trích lập dự phòng để phòng ngừa rủi ro. Tuy nhiên, một thực trạng phổ biến là nếu doanh nghiệp thực hiện trích lập dự phòng rủi ro thì “miếng bánh” lợi nhuận sẽ phải giảm xuống. Khi đó, chủ sở hữu sẽ đặt câu hỏi và người đứng đầu doanh nghiệp sẽ phải giải trình với các bộ trưởng, cơ quan quản lý.

Bộ Tài chính nhấn mạnh, việc bán cổ phần đầu tư ngoài ngành phải đảm bảo công khai, minh bạch, tránh tình trạng vốn doanh nghiệp “chảy” sang cho nhà đầu cơ. Thoái vốn ngoài ngành không quá khó như các doanh nghiệp đang kêu ca. Vấn đề nằm trong “miếng bánh” lợi nhuận, nếu thoái vốn chỉ định sẽ không lường được gian lận và thất thoát.