Thỏa thuận không đóng bảo hiểm xã hội là vi phạm pháp luật

0:00 / 0:00
0:00
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN - Bạn đọc hỏi: Vợ tôi mới được nhận vào làm việc tại một công ty giày da được 2 tháng, ký hợp đồng 1 năm. Khi ký hợp đồng, hai bên thỏa thuận sẽ không đóng bảo hiểm xã hội. Xin hỏi luật sư, điều này có đúng quy định không, pháp luật hiện hành quy định về vấn đề này ra sao? Trần Văn Hùng (Bắc Ninh)

Luật sư Lê Hồng Vân trả lời:

Theo thông tin bạn cung cấp, hợp đồng lao động ký giữa vợ bạn và công ty giày da là hợp đồng lao động xác định thời hạn.

Về đối tượng đóng bảo hiểm xã hội (BHXH) xã hội bắt buộc, Điều 2 Luật BHXH quy định, người lao động là công dân Việt Nam làm việc theo hợp đồng lao động xác định thời hạn thuộc nhóm đối tượng này.

Bên cạnh đó, Điều 19, 21 Luật BHXH cũng ghi rõ, người lao động và người sử dụng lao động phải có trách nhiệm đóng BHXH hàng tháng vào quỹ BHXH. Do vậy, thỏa thuận giữa vợ bạn và công ty về việc không đóng BHXH là vi phạm quy định hiện hành.

Theo Điều 38 Nghị định 28/2020/NĐ-CP, với hành vi trên, vợ bạn có thể bị phạt tiền từ 500.000-1triệu đồng; công ty giày da nơi vợ bạn làm việc có thể bị phạt tiền từ 12-15% tổng số tiền phải đóng BHXH bắt buộc nhưng tối đa không quá 75 triệu đồng.

Trường hợp công ty không đóng BHXH bắt buộc cho toàn bộ người lao động thuộc diện tham gia BHXH bắt buộc mà chưa đến mức truy cứu trách nhiệm hình sự thì có thể bị phạt tiền từ 18-20% tổng số tiền phải đóng BHXH bắt buộc nhưng tối đa không quá 75 triệu đồng.

Bên cạnh đó, doanh nghiệp này còn bị áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả, buộc truy nộp số tiền BHXH bắt buộc phải đóng, đồng thời phải nộp số tiền lãi bằng 2 lần mức lãi suất đầu tư quỹ BHXH bình quân của năm trước liền kề tính trên số tiền, thời gian không đóng.